Xem - ăn - chơi

Lạ lẫm kịch hát Chuyện của dòng sông đỏ

10/07/2017, 09:05
image

Sau hai tháng thực hiện, vở kịch hát mới lạ lần đầu có mặt tại Việt Nam mang tên Chuyện của dòng sông đỏ.

Tung Duong

Nghệ sĩ chèo Thu Huyền và ca sĩ Tùng Dương trong vở “Chuyện của dòng sông đỏ” sắp ra mắt​ (Ảnh: Lê Quang Châu)

Khám phá những điều mới

Sau 5 năm ấp ủ, họa sĩ Hoàng Hà Tùng, người thường được biết đến với biệt danh Tùng “điên” đã quyết định biến ý tưởng của mình thành sự thực khi tự bỏ vốn để thực hiện vở kịch hát mang tên Chuyện của dòng sông đỏ. Ông bảo, gọi vở diễn này là gì không quan trọng, bởi vở diễn rất mới lạ và ông chỉ quan tâm vở có hay hay không.

Theo đó, trong thời lượng 1 giờ 45 phút, khán giả sẽ lần lượt được thưởng thức 10 ca khúc lần đầu tiên được ra mắt do những nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam như: Nguyễn Cường, Lưu Hà An, Trọng Đài, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Minh Đạo sáng tác “đo ni đóng giày” cho từng ca sĩ. Bên cạnh đó, là những điệu múa lần đầu được ra mắt. Đáng nói là, những bài hát và bài múa này sẽ không được biểu diễn như phong cách thường thấy trong các buổi ca nhạc mà được sắp xếp để tạo thành một câu chuyện có nội dung. Chuyện kịch xảy ra trên một con thuyền và một dòng sông đỏ. Trời đang trong xanh thì Nhà vua (NSƯT Tấn Minh đóng) bất ngờ tập hợp cả nhà lên thuyền bàn chuyện chống bão. Mọi người tuân lệnh, duy chỉ có Hoàng tử út (Tùng Dương đóng) là không thấy đâu. Vua cử Tổng quản (NSƯT Thu Huyền đóng) đi tìm để lôi về dự họp thì bắt gặp Hoàng tử út đang say sưa múa hội. 

Đây là vở diễn mới nên mọi thứ đều mới mẻ, các nhạc sĩ, nghệ sĩ đều không quen nên gặp nhiều khó khăn giai đoạn đầu. Hơn nữa, ở Việt Nam có cái khổ là không chấp nhận cái mới, thích những thứ phải có thương hiệu, đạo diễn phải tên tuổi. Xuất thân là người làm trong Nhà hát ca múa nhạc nhiều năm, tôi không muốn tình trạng cũ kỹ đó kéo dài, tôi muốn mang nhiệt huyết của mình dành cho nghệ thuật để khán giả có thể đến thưởng thức một bữa cơm quê hương bằng sắn”.Hoàng Hà Tùng tâm sự

Không chỉ biểu diễn theo kiểu mới, đây cũng là lần đầu tiên các nghệ sĩ hóa thân thành những nhân vật chưa từng làm. Lần đầu tiên ca sĩ Tùng Dương thể hiện khả năng múa và diễn kịch. Nghệ sĩ Thu Huyền lần đầu vào vai hề Tổng quản dẫn chuyện. Nghệ sĩ Thu Huyền tâm sự, vai hề của chị không phải vai hề để “cù” khán giả như mọi người vẫn nghĩ mà là nhân vật dẫn chuyện ca múa nhạc. Do đó, khi nhận được lời mời, chị đã e dè và thắc mắc mình sẽ làm gì với một vai như vậy trên sân khấu ca múa nhạc. Họa sĩ, Tổng đạo diễn Hoàng Hà Tùng cho biết, chị chỉ cần làm những gì mình vẫn làm, vẫn hát chèo và diễn chèo nhưng diễn để kết nối sân khấu ca múa nhạc.

“Đây không phải nhân vật bình thường như các vai chèo có tâm lý, có kịch bản, có số phận mà là vai hề dẫn chuyện, nhưng lại khác với các MC bình thường khác. Từ khi nhận lời mời đến nay đã hai tháng, bên cạnh việc sắp xếp công việc ở Nhà hát Chèo, tôi vẫn luôn phải tư duy về vai trò của mình, tìm cách để làm được tốt nhất”, NSƯT Thu Huyền bộc bạch.

Sẵn sàng hủy diễn nếu khán giả không kín rạp

Đó là lời tuyên bố đầy tự tin của Tùng “điên”. Ông chia sẻ, bản thân không quan tâm việc bán vé như thế nào, nhà sản xuất bán hay mời cũng được nhưng trước buổi diễn 3-5 ngày phải báo cho ông biết số lượng vé đã “tẩu tán” được ra sao. Nếu thấy lượng khán giả không phủ kín rạp, ông sẵn sàng dừng buổi diễn lại, kể cả nhà sản xuất có mời các đại sứ quán hay quan chức đến hay không. Với những người yêu nghệ thuật có thể đến, đích thân ông sẵn sàng dẫn mọi người vào rạp. Nếu quan chức được mời đến mà để trống ghế, tôi sẵn sàng lấp đầy bằng khán giả của mình. Khi nào khán giả đầy sẽ bắt đầu vở diễn.

Xem thêm video:

Tôi chỉ cần khán giả đến rạp, còn lỗ lãi là việc của nhà sản xuất. Tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế mà chỉ coi trọng việc đây là vở mới, mang âm sắc của Việt Nam, là chuyện của dòng sông nắng mưa, chuyện của con người, của văn học, thi ca, đất nước… Khán giả đến xem sẽ được mãn nhãn, mãn nhĩ, nhưng sau đó khán giả sẽ ngấm và biết đâu, có thể họ sẽ tìm cách để làm nghệ thuật mới hơn, hay hơn. Tôi muốn là người đặt những viên gạch đầu tiên cho operretta Việt Nam”, ông khẳng định.

Tùng “điên” cũng khá chịu chơi khi ông chi hẳn 4 tỷ đồng để thực hiện hóa ý tưởng của mình. Ông tiết lộ, nhiều ca sĩ đã bày tỏ ý định san sẻ, giảm cát-sê nếu vắng khán giả nhưng ông từ chối vì muốn mọi thứ sòng phẳng. Lần này, riêng chi phí đặt sáng tác các bài hát, Hoàng Hà Tùng đã trả 40 triệu đồng/bài, mức chi phí khá lớn cho một bài hát hiện nay ở Việt Nam. Hiện tại, tất cả tiền sáng tác ca khúc mới, tiền tạm ứng cho các nhà hát để tập múa, tập dàn nhạc đều đã xong.

Nhìn vào dàn nghệ sĩ tham gia toàn những tên tuổi nổi tiếng và có khả năng “gây sốt” bán vé nhưng với Hoàng Hà Tùng, điều đó với ông không quan trọng. Quan trọng nhất là ông yêu cầu các nghệ sĩ phải hát thật hay chứ không cần diễn giỏi, cũng không cần là diva hay divo. Trước khi mời nghệ sĩ tham gia, ông đã cân nhắc rất kỹ xem khả năng của họ thế nào để có thể phát huy hết sở trường của nghệ sĩ ấy chứ không làm khó họ, dù họ có những sở trường khán giả chưa bao giờ được thấy.

Riêng về khoản thiết kế sân khấu, trang phục, Hoàng Hà Tùng rất tự tin vì ông là nhà thiết kế và là họa sĩ nổi tiếng. Ông ví von, bản thân đang mang máu của mình ra để đùa nên ông mong mọi người không nên đùa với những điều ông đang làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.