Văn hóa - Giải Trí

“Làm cho vui”, vở múa "Đáy mắt" có hút khán giả?

21/08/2018, 07:37

Sau thành công của những vở múa như: "Từ trường" (2012), "Mái nhà" (2016), biên đạo Bùi Ngọc Quân bắt tay dàn dựng...

21

Một cảnh trong vở múa “Đáy mắt”

Suất diễn 500 ghế chỉ lác đác vài ghế trống

Bùi Ngọc Quân là diễn viên múa gốc Việt duy nhất đang làm việc tại Les Ballets C de la B - vũ đoàn múa nổi tiếng của Bỉ. Lần này, anh trở về theo lời mời hợp tác với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam để xây dựng vở múa đương đại Đáy mắt. Ngay khi bước xuống sân bay Nội Bài, gây ấn tượng với anh là sự lộn xộn. Lộn xộn không chỉ là những chen chúc, ồn ào mà cả trong mối quan hệ giữa con người trong xã hội, trong mối quan hệ gia đình. Từ đây, ý tưởng cho vở diễn lập tức hình thành. Tên gọi Đáy mắt như câu hỏi dành cho mỗi người: “Còn điều gì đọng lại trong chúng ta sau mỗi ngày?”.

Sân khấu được thiết kế đơn giản, chỉ có một tảng đá lớn như biểu trưng cho thời gian. Vở múa liền cảnh mang tới nhiều cảm xúc gắn kết theo từng nhịp của âm nhạc: Lúc nhẹ nhàng, tĩnh lặng, lúc mạnh mẽ, dồn dập. Đặc biệt, Bùi Ngọc Quân không giới thiệu nội dung như các vở múa thường thấy, vì theo anh, tác phẩm chỉ là chuỗi dữ kiện hình ảnh, thông tin nối tiếp để người xem tự sắp xếp. Anh không áp đặt thông tin cụ thể nào để buộc khán giả chỉ hiểu theo hướng đó. “Vở chỉ có tính chất gợi mở. Ngôn ngữ múa vốn trừu tượng, mỗi người có thể nghĩ theo một cách khác nhau. Cái cụ thể nhất chính là cảm xúc của người xem, người biểu diễn nhưng cảm xúc không thể viết ra một cách rõ ràng. Tôi muốn thay đổi tư duy thưởng thức của khán giả dù biết phải cần thời gian”, Ngọc Quân chia sẻ.

Ban đầu vở có 27 diễn viên và lọc dần còn 7 người. Theo Bùi Ngọc Quân, anh từng dự định sẽ có diễn viên nam để thực hiện các động tác bê đỡ, sau đó lại hủy dự định này. “Tôi muốn cho thấy diễn viên nữ có thể làm những vai trò như một người nam, thực hiện được những động tác mạnh mẽ”, anh nhấn mạnh. Chính vì thế, diễn viên được tuyển chọn khắt khe, bởi trong 70 phút, họ phải múa liên tục không nghỉ.

Sử dụng ngôn ngữ múa đương đại mang tính trừu tượng, Quân tâm sự, anh không nhằm diễn tả sự lộn xộn cụ thể nào mà muốn để khán giả tự hình dung và phát huy trí tưởng tượng của mình. Ngay việc sử dụng áo chống nắng để làm phục trang biểu diễn chỉ xuất phát từ việc anh thấy sự độc đáo và quen thuộc với người Việt chứ không nhằm nói điều gì.

Đáy mắt đã có buổi công diễn vào tối 19/8, suất diễn 500 ghế của Nhà hát Lớn Hà Nội, chỉ lác đác vài ghế trống. NGND Quốc Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam nhận xét, tác phẩm cho thấy, biên đạo đã cảm nhận được sự khác biệt của xã hội Việt Nam khi xuống sân bay để vẽ nên tác phẩm của mình. “Tôi nghĩ Quân đã vẽ một bức tranh để nói lên câu chuyện nào đó. Tôi chưa hiểu hết, nhưng tôi nghĩ mỗi nhân vật trong tác phẩm của anh có một câu chuyện mình cần khám phá”, NGND Quốc Cường nói.

Stress, áp lực và cái giá 50 nghìn đồng

Ngọc Quân cho hay, đã có lúc anh nghĩ không hoàn thành được vở múa vì cách tiếp cận của diễn viên và biên đạo quá xa nhau. Diễn viên Việt luôn có xu hướng thụ động, chờ biên đạo chỉ đạo và bảo gì làm nấy, ít khi trao đổi mình muốn làm gì. Trong khi ở nước ngoài, tính cá nhân hóa của diễn viên rất cao. Vì thế, lần này anh để diễn viên tự do tư duy cách thể hiện của mình. Anh muốn họ phát triển độc lập, sáng tạo hơn và chính họ là người đồng sáng tạo vở diễn.

Vì quen tư duy “chỉ đâu đánh đấy” nên phải tự suy nghĩ về cách thể hiện khiến nhiều diễn viên áp lực và stress. Diễn viên Hạnh Dương tâm sự, do chưa từng múa vở nào suốt 70 phút nên ban đầu sốc. Cô lo không biết mình có đủ sức khỏe để thực hiện không, lại hay bị biên đạo mắng nên có thời gian cô phát khóc và như người trầm cảm. Đêm về, vừa ngủ nhưng người vẫn cứ giật mình vì mơ đang múa. “Trải qua rồi mới thấy mình có thể vượt được giới hạn bản thân. Biên đạo không ép diễn viên phải làm thế nào nên rất mới mẻ. Điều đó giúp tôi tự mày mò, định hình cách diễn của mình và đưa được mình tới gần hơn với khán giả. Mình phải có trách nhiệm với những gì mình làm”, Hạnh Dương bộc bạch.

Diễn viên trẻ Thu Hằng cũng thừa nhận, phải mất nhiều thời gian suy nghĩ, phát triển và xây dựng cách diễn của mình. Việc tập luyện từ sáng tới chiều tối trong suốt 4 tuần khiến cô mệt rã rời khi không chỉ vận động cơ thể mà còn cả trí óc…

Không tiết lộ về kinh phí dàn dựng, Quân nói chỉ làm cho vui. Vì biết ở Việt Nam khó kiếm tiền. Bản thân các diễn viên cũng cho biết, mỗi người chỉ được 50 nghìn đồng/ buổi tập tiền bồi dưỡng và 120 nghìn đồng/buổi diễn. Dù vậy, “chỉ cần khán giả văn minh và đón nhận theo một cách cởi mở hơn, chúng tôi không ngại khó khăn, gian khổ”, diễn viên Thu Hằng chia sẻ.

Lý giải về việc mời biên đạo Bùi Ngọc Quân dàn dựng, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ, chị rất thích những tác phẩm mà nam biên đạo này dàn dựng, cũng như suy nghĩ và cách làm việc của anh. “Nhà hát đã làm việc với nhiều biên đạo nước ngoài và trong nước. Mỗi người mang một cá tính khác biệt, màu sắc mới cho vở diễn. Như tác phẩm lần này của Bùi Ngọc Quân và nhạc sĩ Trí Minh tràn đầy cảm xúc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.