Pháp đình

Làm gì nếu phát hiện “nước ngọt có ruồi”?

09/09/2016, 08:28

Câu chuyện con ruồi giá 500 triệu đồng và số phận pháp lý của người tiêu dùng vẫn có nguy cơ xảy ra.

15

Ảnh minh họa

Sáng qua, TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm, xét kháng cáo của bị cáo Võ Văn Minh, bị TAND tỉnh Tiền Giang buộc tội cưỡng đoạt tài sản với mức án 7 năm tù liên quan chai nước ngọt Number One có ruồi của Công ty Tân Hiệp Phát. 

Sau khi nhận bản án 7 năm tù tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Võ Văn Minh kháng cáo xin giảm án và kêu oan vì không hiểu tại sao Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận trả tiền cho bị cáo mà lại báo công an bắt.

Theo bị cáo Minh, khi phát hiện chai nước có ruồi, bị cáo đã gọi điện thoại lên Công ty Tân Hiệp Phát và được xác nhận đây là chai nước của công ty nên Minh đề nghị bán lại chai nước này với giá 1 tỷ đồng. Sau đó, Minh đồng ý giảm xuống 500 triệu đồng.

Hội đồng xét xử đặt câu hỏi nếu bị cáo là người tiêu dùng tốt, khi phát hiện ra lỗi của sản phẩm phải báo cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể yêu cầu 500 triệu đồng để bưng bít sự thật.

Tại tòa, bị cáo Minh cũng nói rằng, số tiền 500 triệu đồng đó là “bán sự im lặng của mình” chứ không phải bán chai nước.

Bị cáo cho biết, trong mọi lần giao dịch với nhân viên của Tân Hiệp Phát, chưa khi nào các nhân viên này nói rằng việc làm của bị cáo là vi phạm pháp luật và họ cũng không nói sẽ báo công an.

Có thể thấy câu chuyện con ruồi giá 500 triệu đồng và số phận pháp lý của người tiêu dùng như bị cáo Minh vẫn có nguy cơ xảy ra trong tương lai, mà không ít người trong số đó khi ra tòa vẫn khăng khăng nói do mình không biết làm như vậy là phạm tội.

Vậy, theo đúng pháp luật, người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh được bản án không đáng có?

Những hành vi nào nên được thực hiện khi chúng ta phát hiện dị vật trong đồ ăn, thức uống hoặc sản phẩm có khuyết tật? Bạn sẽ im lặng cho qua hay báo Hội Bảo vệ người tiêu dùng, báo chí, thậm chí là đe dọa để đòi tiền? Trên thực tế, khi tiếp xúc với các thân chủ, tôi thấy có rất ít người biết đến một phương thức được pháp luật công nhận trong các trường hợp tương tự. Đó là sử dụng vi bằng của Thừa phát lại trong quá trình phát hiện, xác minh nguồn gốc sản phẩm, công khai ý định thương lượng; trực tiếp thương lượng, giao nhận tiền trên kết quả thương lượng một cách phù hợp với quy định của pháp luật.

Khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có dị vật, hoặc bị lỗi thì cần xác định quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp sản phẩm phát sinh giao dịch dân sự, nếu có bồi thường thì đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Những việc cần làm là:

Giữ nguyên sản phẩm, liên lạc Văn phòng Thừa phát lại làm thủ tục lập vi bằng hiện vật khuyết tật đó. (Trường hợp sản phẩm vô tình đã bị mở nắp, vỏ hộp bao bì, thì có thể yêu cầu kiểm nghiệm hoặc giám định độc lập) để làm bằng chứng.

Sau đó, thông báo đến nhà sản xuất, hoặc doanh nghiệp bán sản phẩm lỗi để có thông tin xác thực (có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại).

Nếu vụ việc chưa kết thúc thì tiếp tục: Khiếu nại đến cơ quan chức năng liên quan như Thanh tra Sở Công thương, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền, lợi ích một cách hợp pháp.

Nếu phía doanh nghiệp cố tình đưa sự việc đến công an thì người tiêu dùng có thể mời luật sư hỗ trợ pháp lý. Nếu cơ quan công an lập biên bản thì sẽ chỉ là biên bản chứng kiến thỏa thuận dân sự giữa các bên.

Người tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự bồi thường thiệt hại.

Cần hiểu rằng, nguyên tắc của giao dịch dân sự là tự nguyện và bình đẳng, việc xác lập vi bằng Thừa phát lại sẽ làm minh bạch hóa quá trình thương lượng.

Đối với người tiêu dùng, vi bằng Thừa phát lại là công cụ hữu ích để bảo vệ khỏi nguy cơ hình sự hóa quan hệ dân sự, Với doanh nghiệp, vi bằng này lại chứng minh thiện chí trong quá trình xử lý, thu hồi sản phẩm lỗi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.