Xã hội

Làm gương

22/04/2017, 06:43

Khi người đứng đầu nói thật, làm thật, người dân nhìn thấy từ đó hình ảnh một tấm gương ắt sẽ tự thay đổi.

27

Lực lượng chức năng Hà Nội cương quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm vỉa hè - Ảnh: Dương Linh

Từng đã có nhiều chiến dịch như vậy, lúc đầu đều rất rầm rộ, nhưng chỉ sau đó thời gian ngắn là nguội lạnh, mọi việc đâu lại về chỗ cũ, y như “bắt cóc bỏ đĩa”. Những người chiếm dụng vỉa hè đã quen với suy nghĩ chẳng ai làm gì được họ, đến nỗi khi nhà chức trách đến dẹp, họ còn cười cợt, thông báo cho nhau oang oang. Bởi họ biết, tất cả đều chỉ làm cho có, để dư luận có điều kiện xì bớt hơi.

Mỗi đợt ra quân dẹp vỉa hè, đều được chuẩn bị kỹ về biện pháp tiến hành, cơ sở pháp lý. Nó có đầy đủ mọi công cụ vật chất, mọi nguồn lực hỗ trợ để không ai có thể cản trở. Luật pháp cơ mà? Ấy vậy mà, thất bại luôn là điều thấy trước.

Vì sao nên nỗi?

Vì thiếu sự gương mẫu, đó là câu trả lời đơn giản nhưng chính xác.

Tôi khẳng định như vậy, căn cứ vào phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Có lẽ ông Chung là người đầu tiên trong lịch sử dám nói thẳng ra một sự thật động chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của bộ máy công quyền. Ông bảo rằng, sở dĩ vỉa hè không dẹp được, là do có sự bảo kê, chống lưng của lực lượng công an, chính quyền phường. Ông đưa ra cả tỉ lệ gần như tuyệt đối áp đảo những cơ sở được bảo kê.

Vậy là đã bắt được đến gốc của bệnh. Bệnh nhờn luật, coi thường luật, có căn nguyên là do bảo kê, chống lưng của chính lực lượng duy trì tính nghiêm minh của pháp luật. Vấn đề chỉ đơn giản vậy thôi.

Đơn giản là không có ai đứng ra làm gương, hoặc gương quá ít, không đủ để hàng vạn người có thể cùng soi vào. Hãy giả định, mỗi phường chỉ cần một tấm gương thôi, là chính ông chủ tịch hoặc trưởng công an phường, đã chẳng ai dám qua mặt các ông mà làm liều. Tiền thì ai chả thích. Công an phường thường cũng nghèo như mọi công chức khác, họ cũng muốn có thêm tiền ngoài lương để con cái được đàng hoàng hơn so với thiên hạ. Làm gương, tức là chịu thiệt, phải hy sinh những quyền lợi nhãn tiền. Làm gương còn có thể khiến họ bị bài xích, bị coi là chơi trội. Vì vậy, trước tiên hãy chọn ra được những người có thể và có điều kiện để làm gương. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, đó hãy là những người đứng đầu. Chỉ cần người đứng đầu làm gương thượng tôn pháp luật, là những người khác bắt buộc phải hành xử theo khuôn phép.

Có một hiện tượng rất thú vị và đáng suy nghĩ. Mọi lần, khi nói đến chiến dịch lập lại trật tự đô thị, người chiếm vỉa hè, người có xe riêng và cả người dân đều tặc lưỡi cho rằng, không quá ba bảy hai mốt ngày đâu lại vào đấy. Vì thế, họ cứ nhơn nhơn coi thường. Nhưng lần này, sau phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, trong đó gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, thì người dân có linh cảm là lần này không đùa nữa, lần này sẽ làm thật. Nhiều nơi, những người chiếm vỉa hè ý thức được mức độ nghiêm khắc của hình phạt, đã tự ý trả lại hè cho người đi bộ. Nhiều chủ có ô tô đã nghiêm túc nghĩ tới việc thay đổi phương tiện đi lại.

Bởi vì, sau phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, chính quyền thành phố tự nguyện đặt mình vào chân tường, không có lối nào khác ngoài hành động. Người dân nhìn thấy từ đó hình ảnh một tấm gương. Đơn giản vậy thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.