Thời sự

Làm rõ nguồn vốn GPMB Cảng hàng không Long Thành

02/06/2017, 07:15

Đa số ý kiến ĐBQH tán thành với nội dung Tờ trình về việc tách dự án GPMB Cảng hàng không Long Thành.

1

Đồ họa nhà ga hành khách cách điệu hình hoa sen của CHK quốc tế Long Thành

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều qua (1/6), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án CHK quốc tế Long Thành. Thảo luận tại tổ ngay sau đó, đa số ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình.

Lo chậm 3 năm nếu không sớm tách dự án

Khẳng định sự cần thiết phải tách ngay nội dung quan trọng này, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Theo quy định, Thủ tướng Chính phủ chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập đối với Dự án CHK quốc tế Long Thành sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đã được Quốc hội thông qua. “Trường hợp không được tách thành dự án thành phần, phải đến khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (dự kiến vào năm 2019), tỉnh Đồng Nai mới đủ cơ sở pháp lý để triển khai thu hồi đất GPMB để xây dựng các khu tái định cư và thực hiện GPMB của 5.000 ha đất dự án. Khi đó, việc triển khai thi công sẽ phải phụ thuộc vào tiến độ bàn giao mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án có thể phải kéo dài 2-3 năm, chưa kể kinh phí GPMB sẽ tăng thêm do giá thị trường xung quanh khu vực dự án liên tục tăng.

Ngược lại, nếu Quốc hội chấp thuận, theo tiến độ tính toán năm 2020 địa phương có thể bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư để triển khai các bước tiếp theo của dự án. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của Quốc hội về việc đưa CHK quốc tế Long Thành vào khai thác từ năm 2025.

Một điểm quan trọng khác, theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, CHK quốc tế Long Thành là dự án quốc gia quan trọng, có quy mô thu hồi đất lớn. Người dân sống trong vùng dự án không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh lâu dài, không được xây dựng nhà ở kiên cố, tách hộ… do quyền sử dụng đất bị hạn chế bởi quy hoạch. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc nhanh chóng thực hiện hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn giúp dân sớm ổn định cuộc sống đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi đất.

Đề xuất của Chính phủ đã nhận được sự nhất trí của đa số ĐBQH trong phiên thảo luận tại tổ diễn ra ngay sau đó. Nhấn mạnh nếu Quốc hội đồng ý tách, dự án được đẩy nhanh 3 năm, ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nói thêm: “Từ năm 2019 đến “hạn cuối” năm 2025 chỉ có 6 năm, khoảng thời gian không hề dài để triển khai dự án. Nếu không đồng ý tách, dự án sẽ phải kéo dài hơn nữa. ĐB Quảng Văn Hương (Sơn La) cũng nhấn mạnh: “Quan điểm chung là nhất trí. Đã xác định là trọng điểm thì chỉ bàn cách nào để làm cho tốt nhất, cho nhanh nhất, có lợi cho dân nhiều nhất”.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Ủy ban hoàn toàn tán thành sự cần thiết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước nhằm bảo đảm tiến độ của dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

3

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình tại Quốc hội chiều 1/6

Còn thiếu 18.000 tỷ đồng GPMB

Về việc huy động và bố trí vốn cho công tác GPMB, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, theo kế hoạch vốn trung hạn (giai đoạn 2016 - 2020), CHK quốc tế Long Thành được bố trí 5.000 tỷ đồng để GPMB. Điều tra, khảo sát sơ bộ của UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, tổng kinh phí khái toán cho việc này khoảng 23.000 tỷ đồng (bao gồm xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và khu nghĩa trang). Với 5.000 tỷ đồng đã được bố trí, trước mắt tập trung thực hiện việc bồi thường, GPMB và xây dựng khu tái định cư trước khi tiến hành các trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để GPMB dự án.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, với quy mô 5.000 ha đất (bao gồm cả 1.050ha đất cho quốc phòng, 1.200ha đất cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác), để GPMB một lần, cần sử dụng nguồn vốn NSNN do khó có thể huy động được từ nguồn vốn vay ODA cũng như kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, có thể hoàn trả một phần vốn GPMB từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, nguồn thu từ việc cho thuê đất ngắn hạn đối với các khu vực chưa triển khai xây dựng các hạng mục công trình của dự án.

Về vấn đề này, theo Ủy ban Kinh tế, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án là để thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi, sau đồng thời tránh tình trạng lấn chiếm đất đã quy hoạch dự án chờ đền bù. Phần diện tích chưa sử dụng của dự án thì giao Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác GPMB rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) nhấn mạnh, hiện chúng ta mới có 5.000 tỷ đồng, còn thiếu tới 18.000 tỷ đồng GPMB. Do đó, cần làm rõ phương án khả thi về vốn bởi đây là vấn đề đại biểu và người dân quan tâm. ĐB Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cũng cho rằng, nguồn lực phải làm rất kỹ. “Nếu rõ 23.000 tỷ đồng lấy từ đâu thì sau này Chính phủ, Bộ GTVT mới làm dễ được”, ĐB Quân nói.

 

Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi:

Vài năm nữa, chi phí GPMB sẽ không còn chỉ là 23.000 tỷ đồng

Việc tách dự án Long Thành ra thành nhiều tiểu dự án hoàn toàn chính xác, để đảm bảo tiến độ của sân bay Long Thành trước thực trạng sân bay Tân Sơn Nhất đã rất quá tải. Ngoài ra, việc đảm bảo tiến độ của dự án Long Thành rất quan trọng, nhất là để tránh phát sinh về vốn. Báo cáo Chính phủ nói rõ nếu kéo dài thêm 2, 3 năm, chi phí GPMB chắc chắn không chỉ là 23.000 tỷ đồng mà sẽ tăng nữa. Nếu chúng ta đi trước đón đầu thì sẽ giải quyết được cả 3 vấn đề: Tiết kiệm, không tăng kinh phí, đáp ứng yêu cầu tiến độ.

ĐB Lê Hồng Tịnh - Đồng Nai:

Dân không thể lạc nghiệp nếu chưa an cư

Cần phải đẩy nhanh tiến độ dự án bằng mọi cách. Quy hoạch dự án sân bay Long Thành đã có 10 năm rồi, dân lo lắng vì chưa an cư, lạc nghiệp, làm gì cũng vướng quy hoạch. Hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để làm dự án mà trước hết là có sự ủng hộ của người dân. Về nguồn vốn, dù mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách dự phòng còn 200.000 tỷ đồng nữa. Nếu quyết tâm làm thì sẽ có giải pháp để thực hiện. Mà chúng ta cần làm ngay. Cứ kéo dài thời gian sẽ lại thêm tiền.

Thu - Bình (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.