Điều tra

Lâm tặc, vàng tặc "xâu xé" rừng Ayun Pa

27/05/2015, 19:10

Tận mắt chứng kiến cảnh khu rừng thuộc địa phận TX Ayun Pa, tỉnh Gia Lai bị tàn phá đến mức kinh hoàng

121

Lán trại của các “vàng tặc”

Khu rừng khộp núi Chư Jú, thuộc xã Ia Rbol, TX Ayun Pa nhìn từ xa xanh mát mắt. Thế nhưng, khi lại gần, người ta mới ngã ngửa và nhận ra: Còn đâu nữa rừng vàng!

Tàn phá rừng nghiêm trọng

Phải rất vất vả sau một chặng đường dài, chúng tôi mới đặt chân được đến cửa rừng trên núi Chư Jú. Hai bên đường đi, hàng loạt cây cối bị chặt phá ngổn ngang. Thi thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những cây gỗ lớn bị cưa nhưng rỗng ruột mà lâm tặc vứt lại. Gặp một gia đình người dân tộc Jarai thuộc xã Ia Rbol đang nghỉ ngơi ven đường, chúng tôi bắt chuyện: “Rừng bị chặt nhiều thế? Sao không ai sợ bị bắt à?”. Thì đươc trả lời: “họ chở cả công nông đi miết mà có ai bắt đâu. Nhiều lần người dân ở đây còn bị nhóm lâm tặc dọa đốt nhà, dọa chém. Vậy nên không ai dám gây hấn với lâm tặc cả”, một người đàn ông đứng tuổi cho biết.

Chúng tôi tiếp tục băng rừng, thỉnh thoảng lại gặp một cây vừa mới bị cưa, cành lá ngổn ngang. Có những cây lâm tặc mới cưa, xẻ xong chưa kịp gom lại vẫn để ở ven đường chờ xe ngang qua bốc đi. Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp ba chiếc công nông đã được độ lại (chuyên để chở gỗ đường rừng) đang lặc lè chở gỗ, chốc chốc lại dừng để gom gỗ ở ven đường. Khi chúng tôi vờ dừng lại để xin nước uống, những thanh niên bặm trợn hộ tống những chiếc xe công nông như dò xét, tay luôn thủ rựa. Tôi vừa uống nước, vừa cười: “Thế không sợ kiểm lâm, công an à?”. Người lái xe chở gỗ nhìn chúng tôi, nhoẻn miệng cười: “Sợ gì! Có ai bắt đâu mà sợ?”. “Gỗ ni mang về làm chi anh?”. Một thanh niên ngồi trên xe công nông nói vọng xuống: “Cây thẳng thì làm nhà, cây cong thì làm trụ tiêu”. “Rứa xe ni mấy khối gỗ đây?, tôi hỏi. “À, tầm khoảng 3-4 m3 thôi”, lái xe trả lời. Một người trên xe cầm chiếc rựa liếc nhìn chiếc xe của tôi rồi hỏi: “Mấy anh vô đây làm gì mà đi xe này?”. “Bọn tôi đi vào xem rẫy điều của bà con trong rừng. Đợt ni muốn đặt mua tại chỗ”, một đồng nghiệp tôi trả lời.

122
Xe công nông chở gỗ trong khu rừng

Thâm nhập bãi vàng trên núi Chư Jú

Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, trên đỉnh núi Chư Jú, xã Ia Rbol, lâu nay “vàng tặc” vẫn lộng hành đào xới, cày nát cả khu rừng. Lần theo những con đường mòn người dân chỉ dẫn, chúng tôi hướng vào bãi vàng. Trong số những người dân chúng tôi gặp, đa số đều khuyên chúng tôi đừng nên lại gần.

Vượt qua những con đường mòn chằng chịt, giấu xe ở một góc rừng, chúng tôi men theo con đường mòn tiếp tục leo núi gần 4 km để tiếp cận. Đến đỉnh núi, những con chó canh bãi vàng đột nhiên sủa lớn khiến nhiều phu vàng đang ngủ bật dậy, nhìn chúng tôi dò xét. Một thanh niên cởi trần mình xăm nhiều hình kì quái hất hàm hỏi: “Đi đâu đấy mấy cha nội?”. Đồng nghiệp của tôi nhanh nhảu quệt mồ hôi: “Cưa gỗ mà hết nước, đánh liều lên xin mấy anh vài ngụm”. Mặc dù thấy nhóm chúng tôi rất đáng nghi, nhưng người thanh niên này chẳng nói gì thêm và chỉ chỗ nước cho chúng tôi uống, sau khi ngoảnh mặt vào trong lán giữa “công trường”.

Lúc này, chúng tôi đã kịp ghi lại những hình ảnh bãi vàng ở đỉnh núi này. Cạnh chiếc lán bằng bạt mà chúng tôi vào xin nước, “vàng tặc” đào một chiếc hầm như một cái giếng sâu chừng 15m. Máy móc, đường ống nước nằm ngổn ngang dưới đất. Quan sát xa hơn ở sườn núi là 7- 8 lán trại. Theo đó là hàng chục đường hầm, đường hào, hố sâu bị đào xới khiến cả vùng trở nên hoang tàn.

Một người đàn ông cho biết, các ông chủ của bãi đa số là người ở huyện K’bang, tỉnh Gia Lai và huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk. Qua quan sát các lán trại, cả khu đồi này có khoảng hơn 30 - 40 người đào vàng. H.- một “vàng tặc” cho biết: “Ở bãi này đa số đều là anh em người Tày ở huyện K’bang đi qua huyện Ea H’leo để lên đây làm vàng cho ông chủ người cùng huyện. Ông ấy rủ lên làm vàng trả công mỗi người 130 nghìn/ngày, nếu trúng vàng thì sẽ được nhiều hơn. Bãi làm từ lâu lắm rồi, mình thì lên đây cũng được khoảng một tháng”.

Khó truy quét?

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường TX Ayun Pa cho biết: “Khu vực khai thác vàng nói trên nằm ở tiểu khu 1288 thuộc lâm phần của xã Ia Rbol. Thời gian qua, Phòng đã phối hợp với Công an thị xã tổ chức nhiều đợt truy quét, gần nhất là ngày 20/1/2015 đã phát hiện 9 hầm cũ, 10 hầm mới, 5 lán trại bằng gỗ, một cối xay, một máy thổi khí oxy, máy nổ nhỏ và 100m ống nước. Chúng tôi đã tiến hành tháo gỡ và tiêu hủy theo quy định”.

Trong khi đó, Thượng tá Vũ Gia Long, Phó Trưởng Công an TX Ayun Pa nói: “Đây là địa bàn giáp ranh với huyện Ea H’leo, Đắk Lắk nên đường đi rất khó khăn. Mỗi lần truy quét, chúng tôi phải cử trinh sát theo dõi tình hình trước đó 1 - 2 ngày. Sau đó, huy động lực lượng lên rừng 2 - 3 ngày để truy quét nhưng lên đến nơi thì các đối tượng khai thác vàng đều đã bỏ trốn, chỉ để lại các phương tiện. Công an thị xã cũng đã đề xuất với Thị đội dùng thuốc nổ đánh sập các hầm đào vàng nhưng vẫn chưa triển khai được vì Thị đội phải xin ý kiến của Quân khu. Và vì không xác định được các đối tượng đào vàng nên không thể cung cấp thông tin chính xác cho Công an huyện Ea H’leo phối hợp xử lý”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.