Điện ảnh

Lận đận phim chuyển thể từ văn học Việt

04/04/2018, 07:36

Trái ngược với điện ảnh thế giới, các nhà làm phim Việt vẫn chưa thể khai thác trọn vẹn tiềm năng...

29

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim chuyển thể văn học hiếm hoi gặt hái nhiều thành công của điện ảnh Việt

Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học ấn tượng không nhiều

Hơn 1 thập kỷ trở lại đây, Hollywood chứng kiến phim chuyển thể văn học trỗi dậy. Thực tế, năm 2018 không khác là bao, 5/10 phim đình đám nhất từ Read Player One, Love & Simon, Maze Runner, A Wrikle of Time và Fifty Shades of Grey có gốc từ kịch bản văn học. Trong khi đó, tại Việt Nam, cả quãng thời gian dài của thời kỳ đầu điện ảnh cách mạng mới có ba phim chuyển thể từ kịch bản văn học gây được tiếng vang: Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu và Vợ chồng A Phủ là phim chuyển thể.

Ở giai đoạn đổi mới, hầu hết các phim truyện nhựa lọt thỏm trên màn ảnh nhỏ và không mấy tiếng tăm, kiểu như Khách ở quê ra (dựng từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu) hay Dời nhà lên phố (làm theo truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Quốc Trung). Gọi là để lại ấn tượng thời gian chỉ có duy nhất Thời xa vắng và Bến không chồng, làm theo các nguyên tác cùng tên của Lê Lựu và Dương Hướng.

Từ những năm 2000, dòng phim chuyển thể vẫn chưa thấy có sự phát triển vượt bậc. Phần đông vẫn thu mình trong địa hạt phim hàn lâm kén khán giả như Mùa len trâu (dựa theo tập Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam), Đừng đốt (bản điện ảnh Nhật ký Đặng Thùy Trâm), Long thành cầm giả ca (dựng từ tác phẩm cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du). Khi thương mại hóa, phần lớn thất bại mà đau đớn nhất có lẽ là Thiên mệnh anh hùng, bom tấn 25 tỷ đồng dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Bùi Anh Tấn. Hiếm lắm mới thấy loạt phim dựng từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua là thành công thực sự. Khó có thể phủ nhận, tần suất 1-2 phim chuyển thể trong số trung bình 50 phim Việt ra rạp mỗi năm là con số hạn chế.

Không đáp ứng được nhu cầu điện ảnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thừa nhận: “Sau một thời kỳ khai thác khá nhiều tác phẩm văn học thì nay xu thế này đã chững lại”. Đạo diễn các phim chuyển thể đáng nhớ như: Đừng đốt, Thương nhớ đồng quê ngán ngẩm dẫn ra thực trạng biên kịch đua nhau làm lại các kịch bản nước ngoài, hay còn gọi là dòng phim remake.

Nguyễn Quang Dũng, gương mặt đạo diễn kinh qua cả phim remake (Tháng năm rực rỡ) lẫn chuyển thể (Hồn trương ba, da hàng thịt) đã thẳng thắn chỉ ra một sự thực - văn học Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành sản xuất phim hiện tại. “Lấy ví dụ ở mảng phim trinh thám phá án, Việt Nam gần như không có. Chúng ta ít có các câu chuyện mang tính chất riêng tư, đa dạng theo từng giai cấp, ngành nghề. Theo tôi, nguồn văn học Việt Nam thì không thiếu, nhưng để gọi là gần với điện ảnh thì lại chưa nhiều”. Đồng thời, Dũng “khùng” cũng cho hay, văn học Mỹ chứng kiến những nhà văn đổi đời khi có tác phẩm lọt vào mắt xanh của Hollywood. “Bên mình điều này hiếm quá khi mấy chục năm trời mới có một Nguyễn Nhật Ánh thôi, thành thử lương duyên giữa văn học và điện ảnh Việt Nam vẫn còn xa cách”, đạo diễn Quang Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, bản thân dòng phim chuyển thể cũng có thách thức mà nhiều đạo diễn ngại. Đạo diễn Đào Bá Sơn đưa ra ví dụ đơn cử là vấn đề thời lượng: “Ở phim Tội ác và Trừng phạt của Nga, khi tả nhát rìu của cậu sinh viên Raskolnikov bổ xuống đầu bà chủ tiệm cầm đồ thì nhà văn Dostoyevsky dành hẳn một trang diễn đạt. Trong khi kịch bản điện ảnh tốn chưa tới 2 dòng”. Đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh: “Muốn kể chuyện kiểu gì thì trong 120 phút phim phải cấu trúc sao cho đủ mở và kết”.

Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, sự khó khăn khi chuyển thể đặc biệt là các tiểu thuyết văn học lên màn ảnh. “Người chuyển thể phải trung thành tuyệt đối với nguyên tác văn học, không được tự ý hư cấu thêm nhưng có quyền cấu trúc lại tác phẩm đó cho phù hợp với dung lượng của một bộ phim. Việc này cũng đòi hỏi nhiều công phu và tài năng của người chuyển thể”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.