Công nghệ mới

Lần đầu tiên dùng công nghệ 3D "in" động cơ máy bay

27/02/2015, 07:28

Các nhà nghiên cứu Australia công bố đã chế tạo hai động cơ máy bay đầu tiên ứng dụng công nghệ in 3D.

8.1
 

Đây là một bước đột phá mà các kỹ sư cho là sẽ mở đường tiến tới sản xuất những chiếc máy bay phản lực nhẹ hơn, giá thành rẻ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Các động cơ trên được chế tạo dựa trên mẫu động cơ tuốc bin khí ga của hãng chế tạo động cơ máy bay Safran của Pháp. Các nhà khoa học Australia đã tháo rời một động cơ cũ và đưa các linh kiện qua máy quét. Với ứng dụng này, động cơ và các linh phụ kiện máy bay có thể được thử nghiệm và sản xuất trong vài ngày thay vì vài tháng như trước đây.

Một động cơ máy bay ứng dụng công nghệ in 3D được trưng bày trong tuần này tại Triển lãm hàng không quốc tế Australia ở Avalon. Thành tựu mới này đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn và hãng sản xuất lớn, trong đó có hai hãng khổng lồ chế tạo máy bay Boeing và Airbus.

Vừa qua NASA và Aerojet Rocketdyne đã lần đầu tiên cho thử nghiệm mô hình động cơ phóng tên lửa được giả lập từ hệ thống in 3 chiều. Những gì bạn nhìn thấy ở hình dưới chính là thứ đã vượt qua bài thử nghiệm: Chiếc tên lửa 3D đã thực sự bay được.

9.1
 

Tuy chỉ được NASA xếp vào một bước phụ trong quá trình chế tạo động cơ phóng tên lửa, nhưng chiếc máy in 3D này có đẳng cấp vượt xa những đồng loại của mình. NASA sử dụng tia laser để nung chảy nhiều lớp bột kim loại thành các bộ phận cấu thành nên chiếc máy phóng tên lửa. Và nếu thử nghiệm này thành công, NASA sẽ sớm áp dụng nó để tạo nên cả một mô hình tàu vũ trụ 3D.

Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức bỏ ra trong việc chế tạo tên lửa, nó còn hạn chế tối đa những sai lầm có thể làm hỏng quá trình phóng tên lửa vào quỹ đạo. Với sự cải tiến này, thời gian chỉ còn rút xuống 1 nửa, và giá thành chỉ còn có 30%, khi so sánh với những phương thức chế tạo cũ.

NASA cho biết, họ vẫn chưa có kế hoạch thử nghiệm những mô hình 3D này trong việc phóng chúng vào vũ trụ cho tới tận năm 2017, nhưng mọi việc vẫn đang diễn ra rất suôn sẻ. Nếu trở thành hiện thực, rất có thể một ngày nào đó, bất cứ ai cũng có thể cầm trong tay tấm vé du hành vào vũ trụ.

Công nghệ in 3D được phát minh vào những năm 80 của thế kỷ trước, sử dụng các tia laser để “in” các vật thể bằng kim loại hoặc chất dẻo theo thiết kế số hóa. Theo giáo sư trường Đại học Monash Ian Smith, điểm ưu việt của công nghệ in 3D là tạo mẫu và tùy chỉnh thiết bị nhanh với chi phí thấp. Trong tương lai có thể ứng dụng công nghệ này cho các ngành khác như chế tạo kim loại, lĩnh vực y sinh học tạo các bộ phận cơ thể người.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.