Xã hội

Lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân

09/04/2018, 11:51

Đối thoại với Thủ tướng, nông dân đề cập nhiều đến tình trạng nông sản được mùa mất giá, phải giải cứu nông sản...

Thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với các nông dân tại buổi đối thoại

Sáng nay (9/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị đối thoại với nông dân có chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

Đây là lần đầu tiên nông dân được trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như đầu ra cho nông sản, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo đánh giá, nông nghiệp Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến; Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn…

Đây là cuộc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, hữu ích để Chính phủ trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó, có các giải pháp tháo gỡ để khơi dòng động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều quan trọng nhất của cuộc gặp hôm nay là tháo gỡ trực tiếp những vấn đề khó khăn cho nông dân. Có nhiều câu hỏi cần đặt ra: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động nhưng chỉ đóng góp cho GDP 18%? Có phải nguyên nhân là do năng suất lao động thấp?...

Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của nông dân; đồng thời đưa ra tạo ra những thể chế, chính sách mới. Có những điều chưa thể giải quyết ngay nhưng định hướng chính sách là rất quan trọng.

“Chúng ta đang có thành quả nông nghiệp tốt nhưng như thế chưa đủ, chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển, phải tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống người dân” – Thủ tướng nói.

Mở đầu, nông dân Tăng Xuân Trường (thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nhắc đếntình trạng dư thừa, ế nông sản xảy ra ở nơi này, nơi kia. Thậm chí, có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía vì giá quá rẻ mạt. Hay gần đây, ngay tại thủ phủ sản xuất nông sản Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

“Tôi được biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT xây dựng 1.500 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Đây là hướng đi rất đúng. Song xin hỏi Thủ tướng, việc liên kết, rồi thành lập HTX chúng ta đã hô hào nhiều rồi và đến bao giờ mới thay đổi được?” – nông dân tỉnh Hải Dương đặt câu hỏi.

thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời các câu hỏi của các nông dân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về những thành quả lớn của nông nghiệp, còn những việc nhỏ lẻ như su hào, củ cải nhổ bỏ vì giá giảm, mía phải đốt đi vì không có nhà máy thu mua chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.

Theo người đứng đầu Chính phủ, từ nông thôn tới đồng bằng, miền núi tới miền xuôi sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều loại nông sản xuất khẩu có giá trị cao. Nhưng ở đâu đó, vào thời điểm nào đó, vẫn xuất hiện tình trạng được mùa mất giá nông sản và chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp. Hi vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. 

Thứ 2, chúng ta phải nỗ lực tìm thị trường hơn nữa. Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ ngành đi đâu cũng tìm thị trường, giới thiệu DN, nông sản củ quả của VN.

Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào. Trước khi gieo hạt xuống phải tính tới việc sản xuất bao nhiêu, bán cho ai.

Thứ 3, Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Hiện cả nước mới có 8 nhà máy chế biến nông sản. Vừa rồi đã có thêm nhà máy chế biến nông sản lớn nhất cả nước ở Long An. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường, các DN cần tham gia xây dựng nhà máy chế iến để nâng cao giá trị nông sản. Ở các nước, nhờ có nhà máy chế biến nên trái cây, nông sản có thể bảo quản tới 6 tháng.

Nông dân Đặng Thị Dịu (phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ với Thủ tướng rằng, với nông dân, thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm nông sản luôn là nỗi lo lớn.Người nông dân cảm thấy bế tắc khi liên tục rơi vào cảnh trồng ra rồi lại không tiêu thụ được, tìm kiếm thông tin thị trường tiêu thụ thật khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản khó tiêu thụ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu khó khăn là do thiếu định hướng và thiếu thông tin thị trường.

Bà hỏi Thủ tướng có chính sách gì để các cơ quan chức năng có liên quan làm tốt công tác định hướng và thông tin thị trường giúp cho người nông dân tiêu thụ và xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới?

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, phải cảm ơn chính những người nông dân đang ngày đêm trực tiếp sản xuất để đưa đất nước từ từ một nước thiếu ăn sang đủ ăn. Thậm chí, không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 30 tỷ USD. 

Hiện tại, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Việt Nam đang đứng thứ 18 trên thế giới về tổng thể, chúng ta có quyền tự hào, người nông dân chúng ta đang thực hiện các chủ trương, định hướng về nông nghiệp là rất tốt không có nhiều nước có thể nuôi tôm, trồng cây cho ra năng suất như của chúng ta hiện nay. 

Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. Chẳng hạn như mô hình thành công của anh Tăng Xuân Trường, anh đã tận dụng thành công những lợi thế của địa phương như đất đai, con người .... Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý cần tiếp tục liên kết thêm nhiều vệ tinh xung quanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ, không chỉ xuất rau quả đi Nhật mà còn nhiều nước trên thế giới để giải quyết bài toán thị trường chủ chốt vẫn phải là liên kết chặt chẽ với nhau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.