Kinh tế

Lan tỏa sức hút đầu tư

18/10/2017, 13:02

Quảng Ngãi rà soát một số bất cập phát sinh trong quy hoạch, thu hút đầu tư, “mạnh tay” với những dự án treo...

28

Hạ tầng giao thông khởi sắc, góp phần đột phá thu hút đầu tư Quảng Ngãi

Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển và cải cách, Quảng Ngãi đang nổi lên là “cánh chim đầu đàn” tạo sức lan tỏa thu hút đầu tư nhờ ưu thế hạ tầng giao thông kết nối, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn...

Thế mạnh hạ tầng liên thông, chính sách

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Quảng Ngãi, mỗi ngày hoạt động Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, một trong 5 KKT ven biển cả nước luôn sôi động. Từng đoàn xe tải trọng lớn thuận lợi tiếp cận tuyến quốc lộ huyết mạch, đường tỉnh để lưu thông đến các KCN, KKT trên địa bàn, khu vực, vùng Tây Nguyên và cả nước. Theo các chuyên gia, lợi thế lớn của tỉnh với diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó hơn 63,6% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 45%. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt với QL1, đường sắt Bắc - Nam, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, QL24A nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thống kê của Sở KH&ĐT Quảng Ngãi, trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 72 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 74 nghìn tỷ đồng, trong đó có 5 dự án FDI (269 triệu USD) và 67 dự án đầu tư trong nước (trên 66,2 nghìn tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2016, dự án thu hút đầu tư trong nước 9 tháng qua tăng 37 dự án, vốn đăng ký tăng 17 lần. Lũy kế đến nay, Quảng Ngãi có 45 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,4 tỷ USD và 392 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 218 nghìn tỷ đồng.

Quảng Ngãi nằm ở vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây. Những nằm gần đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn được phát triển đồng bộ, khởi sắc. Quảng Ngãi cũng là tỉnh hội tụ gần như đầy đủ các loại hình giao thông với tỉnh liên thông, kết nối cao nhất. Trong đó, Quảng Ngãi cách CHK quốc tế Đà Nẵng 130km, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) khoảng 40km về phía Bắc. Cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn và nhiều cảng chuyên dụng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Tất cả những thông số ấy, chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, cùng ưu thế hạ tầng, tỉnh xây dựng cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư đặc biệt, cho nhà đầu tư thuê đất ở mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá của Chính phủ, hỗ trợ khoảng 20% chi phí bồi thường, GPMB bằng đối với những dự án khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ 50-90% và miễn tiền thuê đất suốt đời cho dự án đối với lĩnh vực xã hội hóa gồm: Giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, môi trường; hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, hỗ trợ xúc tiến thương mại - đầu tư, thủ tục hành chính với cơ chế nhanh gọn, cơ chế một cửa và tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư có hiệu quả.

Lan tỏa những “cánh chim đầu đàn”

Thực tiễn ưu thế đầu tư tạo hiệu quả cho các doanh nghiệp. Điển hình như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay nhà máy đã sản xuất hơn 47 triệu tấn xăng dầu, tổng doanh thu hơn 40 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước gần 7 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 13,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều năm liền, nhà máy vận hành ổn định, an toàn với 100% công suất, đạt kỷ lục trong các nhà máy lọc dầu ở Đông Nam Á. Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên cho biết: Nhà máy cung cấp gần 40% nhu cầu xăng dầu cho cả nước, đóng góp vào ngân sách tỉnh từ 80% trở lên. Tương tự, sự xuất hiện của nhà đầu tư Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), doanh nghiệp FDI hàng đầu trên địa bàn, tại KKT Dung Quất đã đem đến sự khởi sắc mới, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động trên địa bàn. Thống kê, Doosan Vina đã tham gia sản xuất sản phẩm cho gần 200 dự án với tổng trọng lượng xuất khẩu trên 350.000 tấn, góp phần tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.

Những “cánh chim đầu đàn” tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư thêm nhiều dự án lớn, nhất là dự án FDI như KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, cùng 17 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 338 triệu USD. Đến nay, VISIP Quảng Ngãi có 7 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.800 lao động. Đầu năm 2017, công tác thu hút đầu tư Quảng Ngãi tiếp tục đột phá với sự xuất hiện của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng, diện tích trên 372ha. Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm, với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn. Dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động, đóng góp cho ngân sách tỉnh 4.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo lãnh đạo KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, hiện đơn vị có 248 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD, trong đó có 41 dự án FDI (hơn 1,3 tỷ USD) và 207 dự án trong nước (gần 185.620 tỷ đồng).

Khắc phục bất cập, đẩy mạnh đầu tư

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ thu hút đầu tư với con số hơn 4,2 tỷ USD. Để đạt kết quả này, thời gian qua lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, thường xuyên đối thoại, tiếp cận và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, ứng dụng công nghệ để theo dõi, đánh giá hoạt động đầu tư.

Quảng Ngãi tập trung rà soát lại một số bất cập phát sinh trong quy hoạch, thu hút đầu tư, “mạnh tay” với những dự án treo, chậm tiến độ, nhà đầu tư thiếu tiềm lực… Theo thống kê của Sở KH&ĐT Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi 52 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, do chậm tiến độ hoặc chủ đầu tư đề nghị thu hồi vì không thể thực hiện được. Thường trực Tỉnh ủy đã chi đạo không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải thu hút đầu tư theo phương cách chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án. Trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư vào du lịch, dịch vụ, thương mại và những ngành nghề, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường.

Các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến tình trạng “quy hoạch chồng chéo”, thiếu nhất quán trong công tác giao đất, nguồn gốc đất… được ngành chức năng tỉnh kiểm tra, rà soát khắc phục. Đại diện một nhà đầu tư lớn ở Quảng Ngãi cho biết: Nếu xây dựng quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch đất đai thì nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều khi triển khai dự án.

360 độ đầu tư, hạ tầng giao thông Quảng Ngãi

ÔNG LÊ VIẾT CHỮ, BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NGÃI

29

 

Tỉnh đang áp dụng những chính sách ưu đãi, thông thoáng, nhanh chóng, tiện lợi và rút ngắn tối đa thủ tục đầu tư cho những nhà đầu tư tìm đến; chuyển từ quản lý cứng nhắc sang phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển từ Nhà nước quản lý mọi mặt, sang kiến tạo và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Với kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, Nghị quyết 02 của tỉnh ủy xác định là hai đột phá đầu tư phát triển đồng bộ, đảm bảo kết nối Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực, trung tâm tỉnh với các huyện, khu kinh tế, khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, nhựa hóa, cứng hóa 100% tuyến đường tỉnh, 85% đường huyện và 65% đường xã. Bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực T.Ư, ngân sách, việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho các dự án giao thông rất quan trọng, bức thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp đột phá tạo đòn bẩy thu hút đầu tư của tỉnh, bên cạnh các cơ chế chính sách, ưu đãi, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả.

ÔNG ĐẶNG VĂN MINH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH QUẢNG NGÃI

30

 

Quan điểm xuyên suốt của tỉnh Quảng Ngãi là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút tối đa các nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào các điều kiện thuận lợi cũng như lợi thế, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí, chế tạo, hóa đầu, điện khí, logistics và công nghiệp nhẹ. Đầu tư ngoài khu công nghiệp thì tỉnh ưu tiên đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất giày da, chế biến thủy sản, hàng tiêu dùng và các công nghiệp hỗ trợ khác... để chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo giá trị gia tăng cho cư dân vùng nông thôn.

ÔNG DALE GERTENSLAGER, GIÁM ĐỐC TRUYỀN THÔNG DOOSAN VINA:

Khi doanh nghiệp chúng tôi gặp trục trặc, khó khăn, chính quyền đã rất sẵn lòng cùng ngồi lại tìm giải pháp. Tất cả các cấp chính quyền đều rất hợp tác. BQL KKT Dung Quất rất gần gũi và sẵn lòng gặp để thảo luận về các cơ hội cũng như những khó khăn. Nói về môi trường đầu tư trong một câu thì tôi sẽ nói rằng: Mọi người đều đã và đang làm việc cật lực để tạo điều kiện tốt nhất cho đất nước, cho doanh nghiệp và cho người dân Việt Nam.

NGÂN HÀ - ĐỨC LÊ (Lược ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.