Xã hội

Lãnh đạo có con được nâng điểm: Khi nào thì bị xử lý hình sự?

18/04/2019, 20:18

Danh sách các thí sinh được nâng điểm ở Sơn La dần lộ diện. Điều dư luận quan tâm lúc này là phụ huynh của họ có bị xử lý không, xử lý thế nào?

img
Công an tỉnh Sơn La công bố quyết định khởi tố bà Nguyễn Thanh Nhàn (áo trắng) - Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La.

Theo luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), động cơ, mục đích, ý chí và mong muốn của người được lợi trong vụ việc này là “mong muốn con em mình thi đỗ vào một số trường đại học uy tín”.

Để làm được việc này thì một số phụ huynh, người thân của học sinh có thể đã dùng tiền, quan hệ, các lợi thế khác… để tác động vào một chủ thể có quyền, có chức vụ, người được phân công làm nhiệm vụ mà những người này có thể thay đổi được điểm thi, kết quả thi để đem lại lợi ích cho người nhờ, “chạy”.

Trong một vụ việc tương tự xảy ra tại Hòa Bình, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số bị can là cán bộ giáo dục về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, theo luật sư Cường, dường như CQĐT đã xác định tội danh chưa chính xác, bởi trong vụ án này, có bị can đã thừa nhận được hưởng 500 triệu đồng để sửa điểm.

Vì thế, tội danh khởi tố phải là “Đưa và nhận hối lộ” mới chính xác, bởi đã có người nhận thì phải có người đưa.

Trở lại với vụ việc ở Sơn La, luật sư nêu quan điểm: “Không ai tự dưng đi nâng điểm, sửa điểm cho các học sinh. Nghi vấn phụ huynh của các học sinh đã đưa tiền hoặc dùng quan hệ, chức vụ để tác động tới việc nâng điểm là điều mà dư luận có quyền đặt ra”.

Theo kết luận của CQĐT, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, Sơn La có 44 thí sinh liên quan đến việc gian lận điểm thi. Trong vụ án gian lận này, đã có 6 người của ngành giáo dục tỉnh này bị khởi tố.

Trong số các thí sính được nâng điểm, có nhiều em là con em của cán bộ, giáo viên trong tỉnh. Trong số này có 3 cán bộ chủ chốt của Sở GD-ĐT tỉnh, con em của các cán bộ này được nâng từ 3 đến 8,7 điểm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhận định, để làm sáng tỏ sự việc, cơ quan tố tụng của tỉnh Sơn La cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ để có căn cứ xử lý.

Phân tích rõ hơn về hai tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Nhận hối lộ”, luật sư Thơm cho biết có điểm chung là hai tội danh này đều nằm trong nhóm tội phạm về chức vụ, những người thực hiện các hành vi vi phạm đều là người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được tội phạm này.

Điểm khác nhau để phân biệt là tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” có thể không liên quan đến yếu tố vụ lợi. Tức là anh có chức vụ quyền hạn, anh lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để làm sai, làm trái nhưng có thể anh không tư lợi. Nhưng đối với tội “Nhận hối lộ” thì chắc chắn có tư lợi, anh nhận một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất để làm việc theo yêu cầu của phía bên kia, làm những việc trái quy định. Tức là có yếu tố một bên đưa tiền, lợi ích kiểu đặt hàng, còn bên nhận thì làm việc theo yêu cầu đó.

“Giả sử trong vụ việc này, nếu cán bộ giáo dục gợi ý, đe doạ phải đưa tiền nếu không sẽ không nâng điểm thi thì đó là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Còn nếu hai bên có thoả thuận từ đầu, có yếu tố tiêu cực để một bên đưa tiền, một bên nhận sửa và nâng điểm thì có cơ sở xem xét về hành vi “Đưa và nhận hối lộ”, luật sư phân tích.

Cũng theo luật sư Thơm, tội “Đưa hối lộ” đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.

“Nếu phụ huynh học sinh, người thân của họ, người liên quan trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn lợi ích vật chất trị giá từ 2 triệu đồng trở lên để người đó làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự tội Đưa hối lộ nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm”, luật sư phân tích.

Cũng theo luật sư Thơm, tất nhiên có thể không phải tất cả những phụ huynh này đều đưa tiền, mà có thể họ lợi dụng quyền hạn, chức vụ để ra lệnh, chỉ thị cho cấp dưới nâng điểm cho con em mình. Vì vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ hành vi và trên cơ sở đó mới có thể xác định có tội hay không có tội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.