Đường thủy

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang phân trần việc gỡ khó cho phương tiện vận tải thủy

22/09/2021, 08:34
image

Quyết định 1588/QĐ-BGTVT ban hành từ ngày 27/8/2021, nhưng tỉnh Hậu Giang hiện vẫn chưa triển khai điểm test nhanh trên tuyến kênh xáng Xà No.

Không test nhanh nên phải quay đầu

Đến ngày 22/9, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhiều chủ phương tiện vận tải thủy vẫn tiếp tục phản ánh về chốt kiểm dịch ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (giáp ranh xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) và Trạm CSGT Đường thủy (Công an tỉnh Hậu Giang) trên tuyến kênh xáng Xà No buộc họ phải quay đầu trong nhiều ngày qua.

img

Phương tiện vận tải đường thủy muốn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang phải neo đậu trên đoạn sông thuộc địa bàn thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ để test nhanh.

Như Báo Giao thông đã thông tin, cả 2 chốt này đều không có điểm test nhanh. Do đó, khi phương tiện vận tải nông sản, vật tư nông nghiệp... vào Hậu Giang hoặc qua địa phận tỉnh này để về Kiên Giang, Cà Mau, nếu giấy test nhanh còn thời hạn vài giờ vẫn bị buộc phải quay đầu, tự tìm chỗ test.

Nhiều sà lan, tàu lớn phải quay đầu, đi về khoảng 16km để đến thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) để tất cả người trên tàu đi test nhanh.

Người từ phương tiện lên bờ, đến điểm test... khiến nguy cơ lây nhiễm cao cho huyện Phong Điền, dù địa phương này không hề có tên trong lộ trình "1 cung đường, 2 điểm đến" của các phương tiện vận tải thủy. Nhưng nếu không ghé Phong Điền, chủ phương tiện không thể có kết quả test nhanh để qua chốt của Hậu Giang.

Qua phản ánh của một số chủ phương tiện, trên tuyến kênh này, nhiều tàu thuyền phải quay đầu vì không đủ tiêu chuẩn qua chốt gây nguy cơ xung đột giao thông.

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ ghe mua lúa ở tỉnh Vĩnh Long đến địa bàn Hậu Giang để mua lúa, kể rằng chị mới test xong ngày thứ Sáu (ngày 17/9/2021). Ghe vào Hậu Giang chưa mua lúa được thì động cơ bị hư, nhưng tại chợ Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang mùa dịch nên không có thợ sửa.

Khi ra chợ Phong Điền (TP Cần Thơ) sửa, ghe của chị lại phải đi ngang chốt kiểm dịch Châu Thành A, Hậu Giang lần nữa. Nhưng người của chốt kiểm dịch nói, nếu ra khỏi địa bàn Hậu Giang, khi quay vào thì phải test mới cho vào lại. Chị nói chưa mua được lúa, máy hư nên ra chợ sửa rồi vào lại liền nhưng chốt kiểm dịch vẫn không đồng ý. Do đó, chị đành phải chấp hành test thêm lần nữa.

"Kiểu này nếu sửa máy xong, vào mà mua lúa thuận tiện thì còn kịp thời gian chạy ra. Nếu không thì phải đi Phong Điền test lại nữa. Test hoài với “thọt” riết chịu hết nổi", chị Trang ngậm ngùi nói.

Chị T.T.N. (ngụ thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chủ cửa hàng bán nước giải khát chia sẻ: "Có lúc thấy ghe, tàu ghé cặp công viên, người lên đi test nhiều lắm. Cũng thấy sợ không biết họ có bị bệnh gì không nữa. Mua bán thì phải chịu, khi họ mua thì mình bán nhưng giữ khoảng cách cho an toàn".

PV liên hệ với ông Nguyễn Văn Hòa, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang và phản ánh: các chủ phương tiện vận tải đường thủy đề xuất, nếu như trên địa bàn mà có chốt kiểm dịch thì phải có điểm test nhanh!

Điều này phù hợp theo tinh thần Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT đã ban hành để thuận tiện cho phương tiện vận tải, hàng hóa đi thông tuyến tới nơi kịp thời gian, để không bị trễ khi giao nhận hàng hóa.

img

Chủ phương tiện vận tải neo đậu chờ giấy test trên địa bàn thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ để qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT: "Trong thời gian phương tiện hành trình trên tuyến, nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực, thì tổ chức test nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện. Trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế".

Ông Hòa phản hồi ngắn gọn: "Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh không có đủ nguồn lực, đội ngũ y tế, để triển khai điểm test nhanh Covid-19 theo yêu cầu của bà con thương lái, chủ phương tiện đường thủy được".

Cần tạo điều kiện cho vận tải thủy

Theo ông Nguyễn Long, Trưởng Phòng Vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), để việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thuận lợi, các cảng vụ đường thủy nội địa cần tạo điều kiện tối đa, làm thủ tục vào, rời cảng, bến nhanh nhất; đẩy mạnh làm thủ tục trực tuyến.

Cụ thể, các phương tiện thủy khi vào, rời cảng bến thủy do đơn vị quản lý chỉ cần gửi hình ảnh, giấy tờ thuyền viên, phương tiện cho cảng vụ là được tiếp nhận, giải quyết thủ tục nhanh chóng để vào, rời cảng bến.

Chủ trương chung là không hạn chế hoạt động đối với phương tiện thủy vận tải hàng hóa trên các tuyến đường thủy quốc gia, góp phần duy trì cung ứng vận tải hàng hóa, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất. Vì đặc thù vận chuyển trên sông, thoáng đãng, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khá thấp.

Phương tiện thủy có thời gian hành trình 3-5 ngày và thuyền viên chỉ ở trên tàu. Nếu đã có kết quả xét nghiệm tại cảng, bến xuất phát, khi đến tỉnh khác cũng bị hết thời gian và thuyền viên phải đi xét nghiệm lại, gặp rất nhiều khó khăn để tìm nơi xét nghiệm. Vì vậy, vấn đề này cần được các địa phương thống nhất giải quyết đồng bộ.

Toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa hiện nay đều được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa, đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu trên các tuyến đường thủy, bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Dịch bệnh thì nơi đâu cũng khó khăn, thiếu nguồn lực, rất mong Hậu Giang có sự sắp xếp phân bổ nhân lực thỏa đáng, ưu tiên luồng xanh vận tải thủy để bảo đảm thu mua nông sản cho nông dân và vận chuyển hàng hóa kịp thời trong mùa dịch.

Clip PV Báo Giao thông ghi nhận tình hình thực tế trên địa bàn thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ ngày 21/9/2021.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.