Quản lý

Lập ngay 3 đoàn kiểm tra “tấn công” xe dù, bến cóc

05/04/2018, 07:39

Bộ GTVT, Cục CSGT, Uỷ ban ATGT thống nhất lập đoàn kiểm tra dẹp bỏ bến cóc xe dù.

10

Xe dừng bắt khách ngay lối lên cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội sáng 27/3 - Ảnh: K.Linh

Tại buổi làm việc chiều qua (4/4) do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành xử lý xe dù, bến cóc.

Nội bộ không “sạch”, không thể dẹp xe dù, bến cóc

Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình không phải chuyện bây giờ mới nói. Song, cứ khi nào, chỗ nào lực lượng chức năng mạnh tay không có đất phát triển, còn “lỏng lẻo” là lại hoành hành.

“Nhiều địa phương, cơ quan nói chúng ta chưa có hành lang pháp lý, nhưng theo tôi, chỉ cần làm đúng các quy định của Nghị định 86 hiện nay đã chặt chẽ rồi. Các đồng chí cứ quyết liệt, truy tận gốc vấn đề. Không cần làm nhiều, chỉ cần làm vài điểm thật mạnh, thật nghiêm. Thành lập đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước, “không cưỡi ngựa xem hoa”, chắc chắn là vi phạm sẽ giảm”, Thứ trưởng nói và cho rằng, nếu chỉ phản ánh hiện tượng vi phạm mà không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp cụ thể, không thể giải quyết triệt để.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị riêng về vấn đề này, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, có như vậy mới xử dứt được vấn nạn xe dù, bến cóc, xe trá hình.

Đồng quan điểm, Đại tá Trần Quốc Trung, Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an (C67) đề nghị thành lập ngay một đoàn kiểm tra, trước mắt làm điểm ở Hà Nội. Ngay tại Hà Nội cũng cần khoanh vùng, chọn địa điểm để làm.

“Cục CSGT sẽ chỉ đạo các lực lượng xử lý, tuyệt đối không chấp nhận các trường hợp xin cho. Lực lượng đi làm riêng chuyên đề này cũng cần được quán triệt cụ thể. Các cơ quan thực thi nhiệm vụ phải rành mạch rõ ràng, trong sáng. Khi vào làm không cấn cá bất kỳ vấn đề gì. Kinh nghiệm qua rất nhiều chiến dịch. Nếu nội bộ không “sạch”, không thể làm được”, Đại tá Trung nói.

Tại buổi làm việc, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, xe dù, bến cóc, xe trá hình là “vấn nạn” không của riêng Hà Nội mà của rất nhiều tỉnh thành.

Ông Long cũng thống nhất quan điểm cho rằng nếu chỉ ngồi và chỉ đạo suông là tăng cường kiểm tra xử lý sẽ rất khó. “Để thành công, phải quy rõ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Thẩm quyền của thanh tra đến đâu, địa phương đến đâu, của CSGT thế nào cần quy định rõ. Ngoài việc phải nắm rõ được địa bàn quản lý, cũng cần nắm rõ phương thức hoạt động của doanh nghiệp vận tải.

Ông Nguyễn Văn Tòng, Phó chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội báo cáo, tại Hà Nội văn phòng đại diện của các nhà xe mọc lên như nấm. Đi một vòng quanh bến xe Mỹ Đình, nhà nào cũng thành văn phòng xe khách. Muốn xử xe dù, bến cóc, xe trá hình, không quyết liệt đương nhiên không làm được.

“Thanh tra giao thông chúng tôi quyết liệt, các lực lượng khác, trong đó chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc mới mong làm triệt để”, ông Tòng nói.

Lập ngay 3 đoàn kiểm tra liên ngành

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành xử lý vấn đề này.

“Tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 3 tháng đầu năm, tôi đã đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, cần lập 3 đoàn kiểm tra, một đoàn do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm trưởng đoàn, 1 đoàn do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn và một đoàn do tôi trực tiếp làm trưởng đoàn. Ngoài ra, cần có tổ công tác phía dưới kiểm tra công tác QLNN của Sở GTVT với xe hợp đồng, xem làm đúng không, khó như thế nào, vướng ở đâu?”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trên cơ sở kiểm tra các Sở, cần kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Cách làm cụ thể là lấy báo cáo của doanh nghiệp gửi Sở GTVT, đồng thời trích xuất dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục Đường bộ VN để xem doanh nghiệp đó đón, trả khách có đúng vị trí không. Ngoài ra, cũng kiểm tra hiện trường ở những vị trí báo chí phản ánh, người dân phản ánh.

Thống nhất với đề xuất lập đoàn kiểm tra liên ngành, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, phân công rõ thành viên, thông báo rõ nội dung kiểm tra.

“Trước mắt cần tuyên truyền rộng rãi, sau đó sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm. Chúng ta cứ nói nhiều làm ít là không được, phải hành động nhiều và nói ít thôi”, Thứ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.