Thời sự

Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao: Làm sao để công tâm?

24/12/2018, 06:48

Hội nghị T.Ư 9 khai mạc ngày 25/12 sẽ cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng...

5

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực xung quanh nội dung này.

Lắng nghe dư luận xã hội, tôn trọng ý kiến người dân

Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. Theo ông, điều này có ý nghĩa thế nào trong việc tạo động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Đây là việc làm có nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó nhất quán với chủ trương quy định thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là của cán bộ cấp cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH T.Ư.

Một ý nghĩa nữa, thực tế, cơ quan lập pháp là Quốc hội đã nhiều lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh. Việc Đảng lấy phiếu các lãnh đạo cấp cao chính là để thúc đẩy sinh hoạt dân chủ, tinh thần đánh giá, phê bình, tự phê bình trong Đảng. Nó cũng làm cho mỗi một cán bộ đảng viên, trước hết là người có trọng trách cao phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy mặt tích cực, ưu điểm mình đã đạt được, đồng thời nhận rõ những hạn chế khuyết điểm để quyết tâm khắc phục, sửa chữa để tín nhiệm ngày càng tốt hơn.

Đây không chỉ là một yêu cầu trách nhiệm trong Đảng mà nhân dân và xã hội cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Họ cũng muốn tìm hiểu xem trong nội bộ Đảng đánh giá thế nào về các lãnh đạo để họ có cơ sở củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để lựa chọn, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, là một giải pháp chuẩn bị nhân sự cho khóa sau. Ông có cho rằng, qua việc lấy phiếu sẽ cho thấy rõ thực chất về chất lượng của đội ngũ cán bộ?

Điều này trước hết thuộc về tinh thần trách nhiệm của từng người, ở đây là từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư. Đồng thời, phải có sự khách quan, khoa học để khắc phục tình trạng hình thức rất dễ xảy ra trong đánh giá. Nếu việc lấy phiếu đảm bảo khách quan, trung thực trên tinh thần trách nhiệm cao thì chúng ta sẽ thấy tác dụng của nó tích cực, giúp thấy được năng lực, trách nhiệm thực sự của từng cán bộ. Nó cũng tạo tiền đề cho việc lựa chọn quy hoạch chiến lược - một việc đang được làm rất khẩn trương để chuẩn bị cho Đại hội XIII.

Chúng ta đã 3 lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hay HĐND. Bên cạnh kết quả đạt được cũng nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm còn hình thức. Nó xoay quanh câu chuyện dân chủ. Nếu làm thực chất thì đảm bảo dân chủ thực chất. Còn vẫn có biểu hiện hình thức, kết quả sẽ không phản ánh đúng thực chất.

Vì thế đòi hỏi Đảng ta phải nghiêm túc và nghiêm khắc hơn nữa trong việc tự đánh giá mình cũng như đánh giá đồng chí mình. Nếu làm được thế thì những chỉ số sai lệch mang tính hình thức sẽ được khắc phục.

Vượt qua tâm lý “sợ mất ổn định, mất uy tín”

Ông có cho rằng, thông qua việc lấy phiếu, người thuộc diện lấy phiếu nào đó sẽ không được nhiều phiếu tín nhiệm cao nếu như có dư luận về vợ con, nhà cửa, giàu bất thường... mặc dù chưa có đoàn kiểm tra nào kết luận cả?

Khi xem xét đánh giá đồng chí của mình trong sự việc cụ thể, gồm cả vấn đề tài sản, nếu thấy có biểu hiện bất bình thường, không lành mạnh thì chắc chắn mọi người sẽ thể hiện trong lá phiếu. Từ đó sẽ có khâu xử lý sau đánh giá.

Theo dõi kết quả lấy phiếu lần này sẽ thấy được động thái đánh giá cán bộ trong Đảng cũng như thực trạng sinh hoạt chính trị trong Đảng thế nào. Nhưng để được như vậy còn do cách làm nữa. Ví dụ, T.Ư lấy phiếu tín nhiệm đánh giá các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư mức độ đến đâu, kết quả công khai đánh giá này thế nào là cả câu chuyện. Chúng ta nên coi đây là hoạt động sinh hoạt chính trị bình thường thì sẽ vượt qua được rào cản khi ta cứ áy náy, lo lắng như sợ mất ổn định, sợ mất uy tín…

Đánh giá cán bộ là khâu khó, đặc biệt là cán bộ cấp cao của Đảng - những người liên quan đến vận mệnh đất nước. Dù việc lấy phiếu là kênh để tham khảo nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của người lãnh đạo đó. Theo ông, làm thế nào để việc lấy phiếu được công tâm, khách quan, tránh cảm tính, cả nể hay ghen ghét, đố kỵ khi “chấm điểm” các chức danh cụ thể?

Điều này đòi hỏi về thái độ và phương pháp. Trong đó, việc đưa ra các chỉ số, căn cứ làm cơ sở cho đánh giá để giảm tối đa việc đánh giá theo cảm tính, tăng tối đa yếu tố khách quan, khoa học là cần thiết.

Chưa kể yếu tố tâm lý, thông thường không ai muốn mình bị đánh giá thấp và cán bộ cấp cao cũng chỉ là con người, ai cũng có mặt tốt mặt xấu, có ưu - nhược điểm, nên phải nhìn nhận từ hai phía. Phía tập thể đánh giá phải khách quan khoa học, tinh thần trách nhiệm. Còn cá nhân thuộc diện được xem xét đánh giá phải xem xét lại chính mình một cách trung thực nhất.

Đây là trách nhiệm với Đảng, xã hội và nhân dân chứ không phải chỉ đơn thuần là quan hệ cá nhân với cá nhân trong một tập thể. Điều này chắc chắn BCH T.Ư, từng Ủy viên T.Ư khi quyết định và thực hiện việc lấy phiếu đã phải tính toán.

Chúng ta vẫn hay nhắc tới văn hóa từ chức đối với những người không còn đủ uy tín, quy định về nêu gương của Đảng cũng đã nêu rõ. Để có văn hóa từ chức cần có quá trình, nhưng theo ông, cần phải làm gì để có được văn hóa này?

Văn hóa từ chức thật ra là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm với công việc được giao phó và sâu xa là trách nhiệm với xã hội, với nhân dân. Đứng về yếu tố đạo đức, vấn đề tự đánh giá để có thể từ chức khi thấy mình không xứng đáng là danh dự, là lòng tự trọng.

Để biến điều này thành hiện thực, thành hành vi, cần nâng cao giáo dục đạo đức trong Đảng. Phải tạo ra môi trường xã hội với thông tin đầy đủ để cách đánh giá của nội bộ Đảng, của nhân dân với từng con người sẽ tạo được áp lực cho cán bộ tự xem xét mình, nếu thực sự cảm thấy không đủ năng lực từ chức.

Trong việc này, ngoài khuyến khích, nêu gương cần biện pháp về quản lý, cần có chế tài, tức là tạo ra một quy định, trước thực trạng như vậy mà anh không chủ động từ chức thì tổ chức sẽ có biện pháp xử lý.

Thận trọng trong quy hoạch cán bộ chiến lược

Ngoài lấy phiếu tín nhiệm, câu chuyện lựa chọn, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược rất được quan tâm. Lâu nay chúng ta luôn khẳng định việc “đúng quy trình”, nhưng việc hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm, bị xử lý kỷ luật đã là minh chứng rõ nét nhất cho thấy quy trình đang có vấn đề. Vậy lần này, theo ông chúng ta cần chú ý điều gì để tránh được “vết xe đổ”?

Có lẽ hiếm có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ khoá XII vừa rồi khi ta phải xử lý hàng loạt cán bộ cao cấp, cả đương chức lẫn nghỉ hưu. Đó là bài học đắt giá cho chúng ta và thấy cần phải xem xét lại công tác cán bộ gắn với công tác tổ chức, trong đó có 2 khâu quan trọng là quy hoạch và quy trình.

Về phương diện lý thuyết, quy hoạch và quy trình là cần thiết. Nó nằm trong việc chủ động có kế hoạch đào tạo, xây dựng lực lượng cán bộ, nhất là lớp cán bộ kế cận. Nhưng nó lại bị biến tướng trong thực tế. Việc con ông cháu cha vào các vị trí quyền lực từ địa phương đến T.Ư, hay nhóm lợi ích khi đưa người thân vào bộ máy lâu nay đều được giải trình “đúng quy trình”. Từ đó mới bộc lộ rằng, quy trình đã bị hình thức hoá, thậm chí xấu hơn là đã bị vô hiệu hoá. Vì thế, trong việc lựa chọn cán bộ cần phải quy trách nhiệm cho người lãnh đạo.

Cùng với đó, mọi thông tin về con người nằm trong quy trình nhân sự phải công khai, đặc biệt phải chú ý lắng nghe dư luận chứ không chỉ trong nội bộ Đảng với nhau, như Bác Hồ nói “phải dựa vào dân để xây dựng Đảng”.

Cảm ơn ông!

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):
Đánh giá cán bộ phải thực chất, đa chiều

Đảng coi việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong các kênh quan trọng đánh giá cán bộ. Kênh này quan trọng ở chỗ, nó làm cho những người có trách nhiệm không chỉ có điều kiện để đánh giá đúng mà còn khách quan, vô tư, công tâm hơn vì rất ít chịu sự chi phối của các mối quan hệ khác.

Trong nhiều trường hợp, việc lấy phiếu tín nhiệm còn mang cảm tính, không thực chất, như có người đứng đầu đơn vị hôm trước được khen thưởng, hôm sau bị kỷ luật mà trước đó lấy phiếu tín nhiệm chiếm tỷ lệ cao. Suy cho cùng, việc đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm, thậm chí bầu cử cán bộ có lúc chưa đúng, chưa trúng do 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do động cơ “yêu nên tốt, ghét nên xấu”; Thứ hai là do dũng khí, tư chất và khả năng đánh giá cán bộ của mỗi người.

Do đó, để việc đánh giá cán bộ trở nên thực chất, phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.