Xem - ăn - chơi

Lễ hội chém lợn, đặc sắc văn hóa hay man rợ?

26/02/2015, 07:37

Người người quệt tiền vào máu lợn để cầu may tại Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh).

151
Nhiều người lấy tiền lẻ quệt máu lợn để cầu may

Vẫn tổ chức dù dư luận phản đối

Đúng giờ Ngọ ngày mùng 6 Tết Ất Mùi (12h trưa 24/2/2015) tại thôn Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bà con nhân dân và Ban tổ chức Hội làng Ném Thượng đã tổ chức nghi lễ chém lợn tại sân đình như thông lệ hàng năm.

Ngay lập tức, dư luận xã hội và cả những nhà nghiên cứu văn hóa đã có những ý kiến trái chiều xung quanh việc giữ hay bỏ lễ hội Chém lợn. Bên nào cũng đưa ra những lý lẽ của mình. Bên nhất quyết muốn giữ lại lễ hội thì cho rằng đây là nét văn hóa truyền thống, là di sản của cha ông với nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa, lẫn tinh thần. Phía kêu gọi thay đổi hoặc bỏ lễ hội này thì cho rằng nghi lễ mang tính giết chóc động vật không phù hợp với xã hội văn minh.

"Các lễ hội chém lợn, đâm trâu vẫn cần được bảo tồn nhưng phải lược đi những cảnh đâm, chém phản cảm. Ngoài ra, những lễ hội này nên thực hiện trong cộng đồng, ở chỗ kín đáo. Cũng không nên cho trẻ em tham gia, bởi rất có thể những hành vi bạo lực, chém giết từ nghi lễ này sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, nhận thức, hành vi sau này của các bé”.

Thạc sỹ Đàm Thị Vân Anh
khoa Tâm lý giáo dục
Đại học Sư phạm Hà Nội

Độc giả Nguyễn Hằng (Long Biên, Hà Nội) cho rằng: Dù đứng ở góc độ nào thì hành vi hạ sát động vật dã man phản cảm như vậy cũng không nên duy trì ở xã hội văn minh hiện đại. “Quá man rợ, đối xử dã man với loài vật và ảnh hưởng không tốt tới trẻ em khi chứng kiến...”, bạn Nguyễn Hằng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức động vật châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam cho biết, cá nhân ông thấy thất vọng vì sau khi dư luận, cộng đồng lên tiếng phản đối nhưng người dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội này. Animals Asia vẫn giữ nguyên quan điểm như đã đưa ra trước đó: “Lễ hội này có những tác động tiêu cực đến cộng đồng và chúng tôi tiếp tục kêu gọi chấm dứt hoàn toàn lễ hội hoặc thay thế hình thức chém lợn bằng một hình thức khác nhân văn hơn”.

Ông Tuấn cho biết, rất khó để người dân Ném Thượng chấm dứt lễ hội này, nhưng sắp tới Tổ chức Động vật châu Á sẽ tiếp tục tuyên truyền, tổ chức triển khai các chương trình phúc lợi động vật, bảo vệ động vật trên địa bàn Ném Thượng, Bắc Ninh để mọi người nhận thấy được những tác động tiêu cực. Từ đó, đưa ra một phương án hợp lý và nhân văn hơn.

Văn hóa là không thể áp đặt

Ở một góc nhìn khác, chị Trần Hải Yến, Hà Nam lại cho rằng, lễ hội chém lợn được tổ chức từ hàng trăm năm nay, không vi phạm pháp luật, không vi phạm những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc... Việc tổ chức hay không là quyền của người dân làng Ném Thượng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, tục đâm trâu, chém lợn tồn tại đến giờ bởi nó có ý nghĩa quan trọng về tinh thần và tín ngưỡng đối với cộng đồng bản địa.

“Nếu chỉ nhìn hình thức thì đó là hành động dã man, nhưng nội dung của nó mang tính chất văn hóa. Trong tín ngưỡng của nhiều dân tộc, máu của súc vật với màu đỏ đặc thù luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để lấy tiết cúng thành hoàng có ngầm ý xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như bát tiết. Con lợn bị chém, tiết bắn ra thấm đầy xuống vùng đất bản địa cũng với hàm ý ấy. Thông qua đó, nhắc nhở thần linh đem cái sinh khí đến cho con người và muôn loài để cuộc sống no ấm và phát triển”.

Theo GSTS Trần Lâm Biền, nếu bảo những lễ hội chém lợn, đâm trâu là những nghi thức giết súc vật dã man thì bất công và thiển cận. Như thế, mọi người đừng bao giờ ăn lòng lợn, ăn tiết canh, đừng bao giờ ăn thịt hay cứa cổ vịt chờ đông làm tiết canh.

GSTS Trần Lâm Biền cho rằng, “Việc tổ chức lễ hội trên không phải là việc cộng đồng muốn hay không muốn. Nghi thức chém lợn cũng vậy, nó lệ thuộc vào người dân, không ai có quyền cấm, không ai có quyền thúc đẩy. Khi chúng ta hiểu rõ, nói rõ về ý nghĩa và tính dã man thì người dân sẽ có những điều chỉnh cho thích hợp. Trong lịch sử nhiều lễ hội cũng đã được điều chỉnh đi rất nhiều”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.