Tâm sự

Lễ hội ở Tây cũng có những "sự cố"

04/03/2015, 18:19

Lễ hội truyền thống các nước được tổ chức thế nào? Có những yếu tố "chệch chuẩn" so với đời sống hiện đại không?

le hoi 2
Tại lễ hội ở Bỉ, để nhường đường phố cho những người diễu hành, người dân sẵn sàng cất ô tô trong nhà và chịu những bất tiện trong nhiều ngày.

Mấy hôm nay, trên báo chí, mạng xã hội có không ít ý kiến cho rằng lễ hội ở ta thiếu văn minh, xô bồ. Từ đó phủ nhận sạch trơn những giá trị văn hóa truyền thống. Thậm chí có những lễ hội được đề nghị xóa bỏ.

Vậy lễ hội truyền thống trên thế giới được tổ chức thế nào? Nó có bao gồm những yếu tố "chệch chuẩn" so với đời sống hiện đại hay không?

Báo Giao thông xin giới thiệu một góc nhìn rất đáng suy ngẫm của tác giả Yến Cuypers, chị từng là phóng viên cho nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam và hiện đang sống ở Châu Âu cùng chồng và gia đình.

Lễ hội ở Tây cũng có những "sự cố"

Trong lễ hội, người ta hạ cửa cuốn xuống nếu không muốn bị cam ném vỡ cửa kính. Mà chẳng may có vỡ -  cũng không có gì mà ầm ĩ, chỉ cần thông báo lên ban tổ chức, sẽ có đền bù.

Ở Bỉ, một quốc gia nổi tiếng với những lễ hội đường phố lâu đời nhất châu Âu (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại), bắt đầu từ 15/2 dương lịch, các lễ hội hóa trang (carnaval) được các thành phố tổ chức liên miên, đánh dấu sự bắt đầu của Mùa Chay, đúng 40 ngày trước lễ Phục Sinh.

Tuy nhiên cũng như lễ Giáng Sinh, yếu tố tôn giáo của carnaval đã mờ nhạt dần để trở thành các lễ hội mùa xuân cho tất cả mọi người.

nhung qua cam dc trao tang hoac nem cho khach dung
Người diễu hành trao tặng hoặc ném những quả cam cho đám đông du khách đứng xem 

Người ta rộn ràng chuẩn bị từ nhiều tuần trước đó, tiếng kèn trống ánh ỏi khắp nơi. Rồi bỗng nhiên đường phố sạch quang không còn một chiếc xe đậu. Tất cả xe cộ của người dân bị "nhốt" vào gara hoặc phải tập trung tại một bãi xe công cộng.

Cũng vẫn thành phố ấy, con đường ấy nhưng không khí bỗng thoắt thay đổi thấm đẫm những truyền thuyết dân gian, những tục lệ cổ xưa… Từng đoàn hóa trang nhân vật Gilles mặc áo rơm, đi guốc gỗ, xách giỏ cam đi đến đâu rộn ràng tiếng chuông reo, tiếng kèn hiệu đệm những nhịp trống thúc giục đến đó.

Khắp nơi một màu cam đỏ - món quà mang đến sự may mắn mà người ta ném cho người đứng xem. Có lúc quá tay cũng vỡ cửa kính hoặc đập vào mặt ai đó như thường. Hân hoan trong điệu vũ cuồng nhiệt, ai cũng say sưa nhún nhảy như lên đồng. Tấm lòng rộng mở, người ta ôm hôn thắm thiết cả những người lạ.

Bởi vì yêu lễ hội mà người dân sẵn lòng chịu đựng những bất tiện của nó. Hầu như tất cả các cửa hàng đều đóng cửa trong những ngày hội chính, vì vậy ai cũng biết điều dự trữ thức ăn ít nhất trong 3 ngày. Barie dựng lên ở hai đầu con phố chính, mọi lưu thông đều khó khăn.

Những đoàn người hóa trang tự hào nghênh ngang trên đường, tháp tùng là cảnh sát, xe hậu cần lưu động. Tất cả các xe cộ khác gặp đoàn carnaval đều tự động lùi lại chờ đợi.

Người ta sống chậm hơn. Chẳng có gì mà vội vã. Lễ hội mùa xuân đã chế ngự tất cả nhịp sống hối hả ngày thường.

Nửa đêm về sáng từng đoàn người vẫn lũ lượt nhảy múa trong tiếng kèn trống tưng bừng mặc kệ những ai đó đang vật vã cần một giấc ngủ yên tĩnh.

Và dù được tổ chức hết sức chu đáo nhưng thế nào cũng có vài rắc rối xảy ra do rượu bia, nhưng đều được giải quyết nhanh chóng theo thông lệ và dường như mọi người đều thể tất cho nhau. Thậm chí có rất nhiều đấng nam nhi không thể kìm được sau khi đã uống xả láng, "tây tây" úp mặt vào tường làm những chuyện ngày thường ăn phạt nặng. Hội hè là như thế. 

le hoi
Có những chuyện ngày thường không thể chấp nhận nhưng người ta lại thể tất cho nhau trong ngày lễ hội.

Người ta yêu thích lễ hội vì cả niềm tin mang đến sự may mắn của nó. Nếu nắng đẹp trời không mưa người ta tin đấy là điềm lành cho cả năm tới. Đem tặng những trái cam tươi đỏ ối, người ta tin là trao tặng nhau sự may mắn và cho đi là cách tốt nhất để nhận được nhiều hơn.

Vẫn là con người hiện đại của thế kỷ 21 đấy, nhưng trong lễ hội, người ta tin rằng nếu được mời giật lấy (chứ không được tự tiện) một cái tua vàng trên ngù vai người hóa trang Gilles thì sẽ rất may mắn. Cũng là niềm tin, nhưng cách tin tặng nhau may mắn này đáng yêu hơn nhiều tục “cướp lộc” ở ta.

Không chỉ ở Việt Nam mà lễ hội nào trường tồn đến ngày hôm nay đều có những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của nó.

Tất nhiên, cũng có những tục lệ đến nay đã không còn phù hợp cần được thay đổi. Nhưng thay đổi không có nghĩa là xóa bỏ mà là làm mới những giá trị cũ, tìm đến sự thiêng liêng gốc rễ, trân trọng giá trị cội nguồn để thể hiện bằng những hành vi được xã hội hiện đại chấp nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.