Thế giới giao thông

Lệnh cấm của ông Trump báo hại hàng không Trung Đông

26/04/2017, 08:05

Hãng hàng không Emirates chỉ trích sắc lệnh nhập cư và cấm thiết bị điện tử trên các chuyến bay khu vực Trung Đông.

15

Hãng hàng không Emirates cắt giảm chuyến bay tới Mỹ vì hai sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hãng hàng không Emirates (UAE) chỉ trích sắc lệnh nhập cư và cấm thiết bị điện tử trên các chuyến bay khu vực Trung Đông của ông Donald Trump là biện pháp ngấm ngầm làm giảm sức cạnh tranh giữa các hãng hàng không Trung Đông với các hãng của Mỹ. 

Emirates giảm chuyến vì các lệnh cấm

Hãng hàng không Emirates đưa ra chỉ trích trên trong bối cảnh hãng này phải cắt giảm dịch vụ tới 5 thành phố của Mỹ sau sắc lệnh tị nạn, nhập cư, cấm người dân đến từ 6 nước khu vực Trung Đông (Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) tới Mỹ và lệnh cấm đưa các thiết bị điện tử lên những chuyến bay tới Mỹ xuất phát từ 10 sân bay Trung Đông (bao gồm Dubai - nơi Emirates đang hoạt động). Theo đó, Emirates cắt giảm dịch vụ vận tải hành khách tới Seattles, Boston và Los Angeles xuống còn 1 chuyến/ngày so với 2 chuyến/ngày như hiện nay. Ngoài ra, dịch vụ tới Fort Lauderdale và Orlando cũng giảm xuống còn 5 chuyến/tuần thay vì bay hàng ngày. Sự thay đổi này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu từ ngày 1/5, thông báo của Emirates cho biết. 

Hãng hàng không UAE cho biết: “Những động thái thời gian qua của Chính phủ Mỹ liên quan tới việc cấp visa, tăng cường kiểm tra an ninh và hạn chế các thiết bị điện tử trên khoang máy bay đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu và lợi ích của khách hàng với dịch vụ vận tải hàng không vào Mỹ”. “Trong hơn 3 tháng qua, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng đặt vé trên tất cả các tuyến tới Mỹ, đối với tất cả các phân khúc vận tải. Emirates đang theo dõi sát sao tình hình với mong muốn tình hình hoạt động tại Mỹ sẽ sớm phục hồi và phát triển”, hãng này thông báo. 

Vì số chuyến bay ít hơn buộc nhiều hành khách của Emirates chuyển sang các hãng hàng không lớn của châu Âu và các hãng đối tác của Mỹ để di chuyển từ Trung Đông và châu Á tới Mỹ. Nhiều hành khách như ông Michael Weiss, một doanh nhân đến từ Atlanta (Mỹ) thường xuyên đi công tác tới Trung Đông có quan điểm: “Là hành khách thường xuyên đi công tác bằng máy bay, tôi hiểu và đồng ý với vấn đề này. Bây giờ tôi đang tìm cách để đặt vé qua các hãng châu Âu. Nhiều người bạn của tôi cũng phải xoay xở tương tự vì đó là điều họ cần làm để được việc”. Khi hành khách chuyển sang các hãng hàng không châu Âu để tới Trung Đông hoặc Ấn Độ, các hãng hàng không của Mỹ sẽ hưởng lợi nhờ thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các hãng hàng không đối tác. Nhà phân tích đến từ Tập đoàn Tài chính  Stifel, ông Joe DeNardi nhận định: “Bất cứ sự sụt giảm nào trong hiệu suất của Emirates đều chỉ có lợi cho các hãng hàng không Mỹ”.

Động thái ngầm làm giảm sức cạnh tranh?

Phía Emirates chỉ trích, những động này thái làm suy giảm tính cạnh tranh của hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh, vốn là đối thủ nặng ký với các hãng hàng không của Mỹ. Sở dĩ như vậy vì hãng Emirates đang phục vụ tại 12 thành phố Mỹ, bay tới hơn 150 địa điểm trên toàn quốc. Emirate cùng Etihad và Qatar Airways đã nắm một thị phần đáng kể trên các thị trường vận tải hành khách béo bở từ Mỹ, châu Âu tới Trung Đông, châu Á, châu Phi và Australia nhờ việc phát triển cơ sở của họ bên trong các trung tâm vận tải lớn. Vì sự phát triển này, các hãng hàng không lớn của Mỹ thiệt hại đáng kể. Nhiều lần họ gửi thư, kêu gọi từ các cấp chính quyền tới Tổng thống Mỹ với cáo buộc các hãng vùng Vịnh được Chính phủ trợ cấp bất hợp pháp ảnh hưởng tới cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong phản ứng mới nhất trước những lời kêu gọi này, ông Donald Trump không tỏ rõ ý sẽ thực hiện biện pháp chống lại các hãng hàng không này vì cho rằng, họ cũng đóng góp rất lớn từ lợi nhuận vào ngành hàng không của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, trong số các hãng hàng không Trung Đông bị ảnh hưởng, mới chỉ có Emirates phàn nàn. Các hãng khác như Etihad cho biết, nhu cầu vận tải hành khách tới Mỹ vẫn ở mức cao và cam kết sẽ nâng cấp dịch vụ New York bằng cách sử dụng máy bay lớn Airbus SE A380. Hãng hàng không Qatar Airways chưa bình luận về các thông tin liên quan cũng như không cung cấp chi tiết tình hình hoạt động của họ có bị ảnh hưởng hay không.

Về phía Mỹ, sau các sắc lệnh trên, các hãng hàng không nước này vẫn đang duy trì lợi nhuận. Chỉ số Bloomberg của các hãng hàng không Mỹ tăng 1,4% tại New York, mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây. Phản ứng về sự việc, hãng American Airlines từ chối bình luận. Hãng United và Delta chuyển câu hỏi lên Tổ chức Đối tác vì Bầu trời mở và công bằng (đại diện cho các hãng hàng không Mỹ và một số hiệp hội hàng không). 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.