Pháp đình

Liên quan nhiều đại án, CB phải thu hồi nợ 40.000 tỷ

18/01/2019, 11:23

Năm 2018, hàng loạt các cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, VNCB hầu tòa để lại khối nợ lên tới 40.000 tỷ đồng.

img
Cựu chủ tịch Tổng giám đốc Trustbank tại tòa (10/2018)

Ngân hàng Xây Dựng (CB) cho biết, một trong 3 trọng tâm cơ bản của hoạt động trong năm 2019 là tập trung thu hồi những khoản nợ lớn. Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2018 các bản án (liên quan đến các đại án ngân hàng) đã có hiệu lực là cơ sở pháp lí rõ ràng và CB sẽ tiến hành các bước để thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng.

CB tiền thân là ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB), trước đó nữa là Ngân hàng Đại Tín (Trustbank).

Trong năm 2018 TAND tối cao đã đưa ra xét xử vụ án Phạm Công Danh gây thất thoát khoảng 9.000 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng VNCB.

Cũng trong năm 2018, TAND tối cao đã xét xử phúc thẩm bà Hứa Thị Phấn cố vấn cao cấp Trustbank và các cựu lãnh đạo Ngân hàng Trustbank đã cấu kết rút ruột ngân hàng hơn 6.300 tỷ đồng.

Sau hàng loạt các sai phạm của các cựu lãnh đạo ngân hàng này dưới thời đang mang tên Trustbank và VNCB, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua với giá 0 đồng và sau đó đổi tên thành CB.

Sau hơn 3 năm ngân hàng này thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank và trở lại các hoạt động thị trường CB cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Tính 31/12/2018, CB đạt huy động vốn thị trường 1 gần 29.000 tỷ đồng, tăng trên 3.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2017. Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng tích cực so với năm 2017. Công tác kinh doanh vốn bước đầu đã gặt hái được những thành công mang lại thu nhập cho CB.

Phía CB cũng cho biết, ngân hàng còn một số hạn chế từ chủ quan, khách quan. Nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục các mặt hạn chế và từ các bài học rút ra, CB cũng đề xuất một số kiến nghị, giải pháp trình Ngân hàng nhà nước xem xét tạo hành lang cơ chế để phát triển kinh doanh trong điều kiện môi trường bình ổn đối với ngân hàng thương mại. Tạo cơ chế xử lý tài sản từ thu hồi nợ xấu nhóm lớn, xem xét một số phương án tái cấp vốn, bổ sung nguồn vốn; tạo điều kiện trong chính sách tín dụng thị trường, quy hoạch mạng lưới...

Ngoài tập trung thu hồi những khoản nợ lớn, CB cũng sẽ đẩy mạnh tín dụng bán lẻ và quản lý hiệu quả chi phí hoạt động gắn liền với kết quả kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.