Kinh tế

Lộ diện hàng loạt ngân hàng lãi nghìn tỷ

23/01/2019, 07:54

Vietcombank báo lãi 18.300 tỷ đồng khiến cả thị trường giật mình. Mức lợi nhuận này tăng tới 63%, đã vượt mọi dự báo.

img
Vietcombank báo lãi 18.300 tỷ đồng

Vượt xa mức dự báo tăng trưởng trung bình 45%, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh 60-70%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trên 100%. Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trước đây là “chiếu trên” của các “ông lớn” thì nay bỗng trở nên bình thường đối với ngành Ngân hàng.

Lợi nhuận tăng ngoài sức tưởng tượng

Kết thúc quý II/2018, Vietcombank báo lãi trước thuế 8.000 tỷ đồng. Khi đó đã có một số dự đoán cho rằng lợi nhuận của ngân hàng này tiếp tục dẫn đầu hệ thống và có thể cán đích khoảng 14.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều con số 11.000 tỷ đồng của cả năm 2017. Sự chuyển động của những “người khổng lồ” dù là bước dịch chuyển nhỏ cũng mang lại những con số lớn bởi lợi thế về quy mô. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank ở mức dự báo khi đó khoảng 14.000 tỷ đồng, tức là tăng 3.000 tỷ đồng cũng tương đương thành quả làm cật lực trong cả một năm của một ngân hàng cỡ trung. Nhưng đến đầu năm 2019, Vietcombank báo lãi 18.300 tỷ đồng khiến cả thị trường giật mình. Mức lợi nhuận này tăng tới 63%, đã vượt mọi dự báo. Lãnh đạo Vietcombank rất tự hào khi cho biết lợi nhuận của ngân hàng này bằng cả hai ngân hàng sát phía sau cộng lại.

Ngân hàng sát phía sau Vietcombank là BIDV (Vietinbank đến 21/1/2019 vẫn chưa công bố). Năm 2018, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 9.625 tỷ đồng, tăng 11%. Mức tăng khiêm tốn của BIDV đã bị một ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh bám đuổi sít sao là VPBank với lợi nhuận 9.200 tỷ đồng (tăng 13%). Với định hướng bán lẻ, VPBank tiếp tục cho thấy hiệu quả hoạt động của mình. Với lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, Agribank dù có tổng tài sản 1,3 triệu tỷ đồng nhưng đã bị một ngân hàng có tổng tài sản nhỏ hơn rất nhiều là MBBank (tổng tài sản 362.361 tỷ đồng) vượt qua với lợi nhuận 7.767 tỷ đồng. Top dưới, “câu lạc bộ nghìn tỷ” còn gọi tên một đơn vị với mức tăng vượt bậc 65,7% là HDBank khi ghi nhận lợi nhuận 4.005 tỷ đồng; bên cạnh đó là một số cái tên tầm trung khác: Sacombank lấy lại phong độ với 2.200 tỷ đồng; VIB 2.741 tỷ đồng; TPBank 2.258 tỷ đồng; MSB nỗ lực và lần đầu đạt 1.000 tỷ đồng… Ngân hàng duy nhất trong nhóm nghìn tỷ bị sụt giảm chỉ tiêu lợi nhuận là LienVietPostBank. Dù vẫn đạt 1.213 tỷ đồng lợi nhuận nhưng con số này đã giảm 31,4% so với 2017.

img
Thống kê lợi nhuận trước thuế năm 2018 của 15 ngân hàng (Đơn vị: tỷ đồng)

Lợi nhuận từ đâu đến?

Một điểm chung của các ngân hàng là năm 2018 tỷ lệ lợi nhuận dựa vào tín dụng đã giảm và lợi nhuận ngoài tín dụng đã tăng mạnh, trong đó thị trường ngoại hối biến động và thị trường chứng khoán bùng nổ đã khiến lợi nhuận của các ngân hàng tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính của “người khổng lồ” Vietcombank, đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của ngân hàng này là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối 2.266 tỷ đồng, tăng 11%; mua bán kinh doanh chứng khoán cũng chuyển từ lỗ hơn 19.742 triệu đồng năm trước sang lãi 120 triệu năm nay; lãi từ hoạt động khác tăng 54%; đặc biệt là thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 420%.

Theo thống kê của Báo Giao thông, đến hết 21/1/2019 đã có 15 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 4/2018, kết quả lũy kế đến hết năm 2018 hoặc thông báo kết quả hoạt động năm 2018. Trong đó có 14/15 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng chung 39,7%. Nếu không tính LienVietPostBank thì mức tăng trưởng trung bình này là 49,8%. Đáng chú ý, có tới 11/15 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng duy nhất tính đến 21/1/2019 có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, còn lại các ngân hàng khác đều có lợi nhuận dưới mốc này. Tổng số lợi nhuận 3 ngân hàng top đầu đạt được là 37.125 tỷ đồng, gần bằng 50% tổng số lợi nhuận của 15 ngân hàng là 68.052 tỷ đồng.

Có mức tăng đáng ngạc nhiên nữa là ngân hàng tiên phong về công nghệ - TPBank. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến và đặc biệt là mô hình Live Bank đã giúp chi phí của ngân hàng này giảm rất mạnh. Chính điều đó đã giúp riêng quý 4 lợi nhuận ngân hàng là 515 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ 2017; đồng thời kéo lợi nhuận cả năm lên 1.805 tỷ đồng, tăng 87,3% so với cả năm 2017. Ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch HĐQT TPBank cho hay, lợi nhuận TPBank tăng gấp nhiều lần năm trước do các khoản thu đều tăng khả quan. Đặc biệt thu từ dịch vụ tăng gấp 5 lần trong quý 4 và cao gấp 3,1 lần so với cả năm 2017. Ngoài ra, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và các khoản khác cũng tăng mạnh: Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 310%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 693% (từ 10.248 tỷ đồng năm trước lên 81.310 tỷ đồng năm 2018), kinh doanh chứng khoán tăng 58%, hoạt động khác tăng 255%.

Ngôi sao lợi nhuận năm nay với mức tăng trưởng 65,7%, HDBank cho hay, chỉ riêng quý 4/2018 ngân hàng đã có được lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 1.121 tỷ đồng, tăng 122,1% so với cùng kỳ. Với bước bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm, tính chung cả năm 2018, HDBank ghi nhận kỷ lục của ngân hàng này là 4.005 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, hoạt động dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, khi đạt mức lãi thuần 438 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2017; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng hơn 2 lần, lên 298 tỷ đồng; thu nhập lãi thuần đạt 7.646 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước dù dư nợ tín dụng trong năm chỉ tăng 18,2%; tổng thu nhập hoạt động đạt 9.438 tỷ đồng, tăng 25,7%.

Không kém cạnh, các mảng kinh doanh phi tín dụng của MBBank cũng tăng trưởng theo cấp số nhân dù hoạt động tín dụng chỉ còn đóng góp 74,5% cho tổng thu nhập hoạt động MBBank, trong khi năm 2017 là khoảng 80%. Đáng chú ý, lãi từ hoạt động dịch vụ của MBBank tăng mạnh nhờ đóng góp lớn của các công ty con (54%), trong đó chủ đạo là công ty bảo hiểm MB Ageas Life với lãi hợp nhất hơn 1.335 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần năm 2017…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.