Chuyện dọc đường

Lo Hồ Gươm bị biến dạng

28/08/2018, 06:35

Hồ Gươm là khu vực địa linh, nhân kiệt của Hà Nội - Thăng Long

2

Khu vực nhà ga C9, ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng (khoanh tròn) - Ảnh: Khánh Linh

Là người nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội và Hồ Gươm, từ năm 2006 khi tôi được mời tham gia kiểm kê các di tích văn hóa - lịch sử mà tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) dự kiến đi qua tôi đã có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Trước đây, chuyên gia phân tích môi trường Daisuke Oure của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cũng trực tiếp đến gặp tôi để tham khảo ý kiến về việc xây dựng đường sắt đi ngầm đoạn qua phố Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ.

Quan điểm của tôi luôn nhất quán, Hồ Gươm là khu vực địa linh, nhân kiệt của Hà Nội - Thăng Long. Thời điểm trên, tôi đã lo ngại khi thấy dự án tuyến đường sắt đi ngầm qua khu vực trên và nhà ga C9 chỉ có đánh giá tác động môi trường mà không đánh giá các tác động lịch sử - văn hóa.

Năm 2008, tôi có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi xây dựng các tuyến đường sắt cần tránh xâm phạm Hồ Gươm và tứ trấn của Hà Nội. Đồng thời, tôi cho rằng, vị trí quy hoạch nhà ga ngầm C9 như phương án hiện nay là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Bởi lẽ, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2013. Trong khi đó, vị trí ga C9 được quy hoạch với khoảng cách ngắn nhất từ nhà ga tới Hồ Gươm chỉ khoảng 10m, tới tượng đài Cảm Tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút có 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.

Hơn nữa, nền đất dưới Hồ Gươm khá mềm nên khi thi công đào ngầm, tôi lo ngại sẽ khiến đáy hồ bị dồn ép. Điều này có thể làm đội đáy, gây biến dạng hồ. Việc tổ chức thi công công trình ngầm bên dưới sẽ khiến mạch nước ngầm bên ngoài ngấm qua các lớp địa chất đáy hồ, khiến nước hồ thay đổi.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Quản lý dự án đã tổ chức trưng bày, giới thiệu công khai, phát phiếu lấy ý kiến người dân về phương án quy hoạch ga C9, có đến 90,3% số phiếu đồng ý trong tổng số 1.800 phiếu. Tuy nhiên, tôi không tin tưởng với hình thức, kết quả của việc lấy ý kiến này. Theo tôi, lấy ý kiến phải do tổ chức độc lập, đủ tư cách thực hiện để đảm bảo khách quan, không bị “lái” theo hướng của người muốn thăm dò ý kiến.

GS. Hà Đình Đức
Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.