Doanh nghiệp

Lỗ hổng lớn trong quản lý kinh doanh đa cấp

07/03/2016, 06:30

Mô hình kinh doanh đa cấp ngày càng biến tướng, trong khi cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm kiểm tra giám sát...

5
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh

Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Thiên Thanh xung quanh vấn đề lỗ hổng pháp lý đối với hình thức kinh doanh đa cấp hiện nay tại Việt Nam

Ranh giới mong manh giữa bị hại với đồng phạm

Trước cơn bão đa cấp, anh nhận định như thế nào về loại hình kinh doanh này tại Việt Nam? Tại sao bị phơi bày nhiều lần trên phương tiện thông tin đại chúng mà kinh doanh đa cấp vẫn tiếp tục nở rộ, phát triển mạnh hơn?

Bán hàng đa cấp là mô hình kinh doanh tiên tiến, hiện đại, phát triển tại Mỹ và các nước phát triển. Mục đích chính của loại hình kinh doanh này là tiết kiệm thời gian trong việc đưa sản phẩm chất lượng từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, kinh doanh đa cấp đa phần bị biến tướng, hầu hết các công ty đều bỏ qua câu chuyện đạo đức kinh doanh tung mọi chiêu trò hòng thu lợi nhuận nhanh nhất, tiếp theo đó là các nhánh bên dưới nở rộ và cùng ảnh hưởng tư tưởng làm nhanh, thu nhanh...

Trong khi ở nước ngoài họ quan niệm, kinh doanh đa cấp phải bán những loại hàng thật tốt, ở Việt Nam thì ngược lại. Theo đó, những sản phẩm trong hệ thống kinh doanh đa cấp chất lượng kém, giá trị sản phẩm bị đôn lên rất nhiều, không đúng với giá trị đồng tiền của người mua bỏ ra. 

Về phía người tham gia đa phần là những người kém hiểu biết về pháp luật, hạn chế về nhận thức, không có ý thức tự chịu trách nhiệm chỉ quen đổ lỗi cho người khác... Khi mạng lưới đa cấp sập, câu hỏi những người tham gia đa cấp đáng thương hay đáng trách rất khó có thể trả lời. Ví như trong hệ thống Liên Kết Việt đã phát triển tới 16 tầng.

Khi công ty bị sập, rất dễ xác định đối tượng bị hại tại tầng thứ 16 khi đó là những người mới tham gia chưa được hưởng lợi “những người chưa lôi kéo được người khác tham gia hệ thống”. Tuy nhiên, những đối tượng từ tầng thứ 15 trở lên, dù nhiều hay ít cũng đã bắt đầu hưởng lợi... thì ai là người bị hại, ai là đồng phạm? Rõ ràng lúc này ranh giới rất mong manh.

Tôi cho rằng, ngay cả khi hệ thống pháp luật quản lý kinh doanh đa cấp được cóp nguyên về Việt Nam thì những khập khiễng từ cơ chế, nền tảng xã hội vẫn khó có thể đáp ứng cho hoạt động kinh doanh này. Về mặt con người, từ người kinh doanh tới người tiêu dùng ý thức pháp luật chưa cao, ai cũng mong muốn lợi về mình nên bất chấp tất cả. Hiện tượng nhờn luật tại Việt Nam đã quá phổ biến dẫn tới việc người dân biết sai nhưng vẫn làm và sẵn sàng làm trái để hưởng lợi.

Theo ông, dấu hiệu nào để người dân dễ phân biệt đa cấp chân chính với đa cấp biến tướng, lừa đảo?

Xác định tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp, tức là anh phải bán hàng đảm bảo chất lượng phù hợp với giá trị đồng tiền người mua bỏ ra. Phần hưởng lợi chỉ có khi và chỉ khi thực hiện việc bán hàng. Nếu chỉ hưởng lợi tức từ việc lôi kéo người vào hệ thống; hưởng lợi nhờ việc mua thêm mã hàng... đều là những biến tướng, hành vi gian dối tiêu cực...

Trước khi quyết định tham gia kinh doanh đa cấp, bạn hãy suy nghĩ tích tực, không có chuyện ngồi chơi mà hưởng. Theo mô hình đa cấp hợp pháp, người ở cấp cao nhất cũng vẫn phải bán hàng, việc xây dựng được hệ thống riêng cho mình thì phần lợi anh ta hưởng cũng rất nhỏ.

6
Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại VN đã sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa gần 45.000 người (Trong ảnh: Chủ tịch HĐQT "công ty lừa" Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trong một buổi gặp gỡ khách hàng)

Thiếu minh bạch trong quản lý kinh doanh đa cấp

Chiêu trò kinh doanh đa cấp liên tục biến tướng, trong khi hành lang pháp lý về hoạt động này ra sao, thưa ông?

Cần phải khẳng định, luật về kinh doanh đa cấp không thiếu nhưng người thực hành và áp dụng pháp luật hiện đang lại không hiểu, không làm đúng, thiếu sự nhạy cảm, tận tâm. Nhìn lại vụ Liên Kết Việt vừa qua, nhiều hành vi hoạt động của công ty này vi phạm quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Luật Cạnh tranh.

Đơn cử, một người có thể sở hữu nhiều vị trí kinh doanh đa cấp. Điều này cũng có nghĩa sản phẩm không ra khỏi hệ thống, một người gom nhiều hàng để trông chờ hoa hồng thu lợi cao, tạo nên con số ảo... Luật quy định không được trích thưởng quá 40% nhưng thực tế con số này đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều đối với các thành viên tham gia Liên Kết Việt.

Đặc biệt, khi một công ty được cấp kinh doanh đa cấp tại Việt Nam thì dường như đang mặc nhiên tự cho mình quyền tự do tổ chức hội thảo/đào tạo bán hàng. Trong khi đó, Luật quy định rõ công ty kinh doanh đa cấp phải có nghĩa vụ thông báo đến sở công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo. Luật quy định nhưng lại không ai giám sát, cơ quan quản lý chỉ quản lý trên diện hồ sơ giấy trắng mực đen.

Đây chính là lỗ hổng lớn khiến nhiều vi phạm kinh doanh đa cấp phát sinh từ mắt xích này.Đáng nói, những công ty được cấp phép kinh doanh đa cấp, trách nhiệm chính thuộc Cục Quản lý cạnh tranh, nhưng loại hình đa cấp biến tướng khác thì lại chưa có đầu mối quản lý, chưa có luật điều chỉnh cho những hành vi này.

Bản thân cơ quan quản lý tỏ ra lúng túng trong việc phát hiện xử lý sai phạm loại hình kinh doanh đa cấp. Vì sao thưa ông?

Trước những vi phạm, biến tướng của kinh doanh đa cấp, cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm vì sự lỏng lẻo, yếu kém trong giám sát kiểm tra. Cấp phép cho công ty hoạt động kinh doanh đa cấp là lĩnh vực rất nhạy cảm. Ngay cả ở Mỹ, nơi đẻ ra loại hình đa cấp đã tồn tại mấy chục năm nay nhưng tới giờ cũng chỉ có khoảng 40 công ty hoạt động theo mô hình này được cấp phép. Trong khi đó, kinh doanh đa cấp mới vào Việt Nam từ đầu những năm 2000 nhưng tới nay đã có khoảng 80 công ty được cấp phép. Luật quy định thì ngặt nghèo nhưng quy trình cấp phép lại khá lỏng lẻo.

Không chỉ vậy, qua sự việc Liên Kết Việt chứng tỏ công tác quản lý kinh doanh đa cấp đang thiếu công khai minh bạch. Sự thực từ tháng 7/2015, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra về 10 dấu hiệu vi phạm của Liên Kết Việt. Tới tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã ra quyết định xử lý vi phạm công ty này.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì tới tháng 2 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh mới công bố quyết định trên. Dư luận hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi, ngay từ đầu, nếu cục Quản lý cạnh tranh cho công khai thông tin tới các địa phương nơi Liên Kết Việt đang có chi nhánh về việc công ty bị thanh tra và xử phạt thì liệu có chuyện con số nạn nhân tăng lên 60.000 người? Trong quyết định xử phạt Liên Kết Việt, thay vì xử lý hành vi vi phạm vào điều cấm của Nghị định 42 để rút giấy phép thì Cục quản lý cạnh tranh lại viện dẫn theo Luật Cạnh tranh? Rõ ràng hệ thống pháp lý kinh doanh đa cấp đã khá đầy đủ nhưng bản thân những người thực hiện lại đang có vấn đề?!

Vậy chúng ta phải làm gì để vá những “lỗ hổng” trên?

Để dẹp những vi phạm, biến tướng kinh doanh đa cấp là điều không khó. Cái chính làm thế nào để vá lại những lỗ hổng trong việc thực thi pháp luật. Khi phát hiện vi phạm kinh doanh đa cấp, Cục quản lý cạnh tranh chỉ được giám sát xử lý hành chính và mức cao nhất là rút giấy phép. Tuy nhiên, những loại hình đa cấp chưa được cấp phép, biến tướng, lừa đảo thì lại đang vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ quan này.

Đáng chú ý, Luật Hình sự cũng chưa có điều khoản nào xử lý kinh doanh đa cấp trái phép và những hệ lụy của nó. Tôi cho rằng, trong trường hợp này cần phải có thông tư liên bộ để vá lỗ hổng pháp lý. Theo đó, các bộ ngành gồm: Bộ Công thương, Tài chính, LĐ-TBXH, Công an, Ngân hàng, Tư pháp... cần ngồi với nhau để ra được thông tư. Hành động này sẽ mang lại hiệu quả tức thì trong việc quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp hiện nay.

Cảm ơn ông!

Cảnh báo bán hàng đa cấp biến tướng

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa cảnh báo về sự biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp. Cơ quan này cho biết, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời... Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người dân cần nắm rõ quy định của pháp luật và cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa như: Công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… Và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối... Cục cũng khuyến cáo, nếu quyền và lợi ích của người tham gia bị xâm hại, đề nghị liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đề nghị liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ.

C.Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.