Giao thông

Lộ lý do doanh nghiệp cảng biển "ngại" đón tàu khách

21/10/2018, 08:50

Các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam lên tiếng về hoạt động tiếp nhận khách du lịch thời gian vừa qua.

taudulich1

Giá dịch vụ tiếp nhận hành khách thông qua cảng thấp khiến các DN cảng Việt Nam luôn trong tình trạng "thu không đủ chi" - Ảnh minh họa

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Cầm, đại diện cảng Chân Mây cho biết, hiện cảng này đón tới cả nghìn lượt khách hàng mỗi tuần nhưng vẫn trong tình trạng thu không đủ chi. “Tổng doanh thu cho dịch vụ tàu khách của cảng năm 2017 là hơn 7,3 tỷ đồng nhưng chi phí lên tới hơn 12,4 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu đạt hơn 3,7 tỷ đồng (lỗ hơn 5 tỷ đồng) nhưng chi phí cũng đội lên tới 6,5 tỷ đồng (lỗ hơn 2,7 tỷ đồng)”, ông Cầm nói và mong cơ quan chức năng sớm chấp thuận việc tăng giá dịch vụ tiếp đón tàu khách.

Cũng theo đại diện cảng này, việc tăng giá sẽ không tác động đến lượng tàu khách đến Việt Nam bởi có những hãng tàu đã đưa ra mức giá cao hơn để được sử dụng dịch vụ tốt hơn. “Đơn cử, tàu biển Royal Caribean (RLC) khi ký thỏa thuận ưu tiên sử dụng bến cập tàu dài hạn với cảng Chân Mây đã đề xuất mức giá cầu, bến đối với hành khách là 4 USD/người/lượt và cam kết sẽ đưa 250.000 khách đến cảng Chân Mây”, ông Cầm nói.

Phía cảng Đà Nẵng thông tin, các tàu khách có tổng dung tích lớn thường chiếm thêm một hoặc một phần bến liền kề ngoài bến tàu cập. Theo yêu cầu của các tàu khách, cảng Đà Nẵng phải ngưng các hoạt động xếp dỡ hàng hóa trước khi tàu khách cập ít nhất 6 giờ đồng hồ.

"Điều này làm ngưng trệ hoạt động, gia tăng chi phí cơ hội và giảm doanh thu so với việc tiếp nhận tàu hàng”, đại diện này nói và cho biết, nếu thực hiện thu mức giá theo quyết định số 3496 của Bộ GTVT về dịch vụ hành khách năm 2017, cảng Đà Nẵng lỗ hơn 174.000 USD, 6 tháng đầu năm 2018 lỗ hơn 102.000 USD.

“Mức giá dịch vụ cầu, bến, phao neo đối với hành khách du lịch cần phải được tăng tối thiểu 2,5 USD/người/lượt và tối đa là 5 USD/người/lượt”, đại diện cảng Đà Nẵng đề xuất.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải VN (Cục Hàng hải VN) cũng cho rằng, giá dịch vụ hành khách du lịch thông qua cảng ở Việt Nam đang rất thấp so với thế giới. Đơn cử, mức giá hiện tại ở cảng biển Nhật Bản là 8 USD/người/lượt, Hong Kong lên tới 14 USD/người/lượt. Việc thu giá dịch vụ thấp khiến các DN cảng thu không đủ chi và không có nguồn tài chính để tái đầu tư.

“Trước thực tế đó, tại Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam trình Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN đã đề xuất 2 phương án tăng giá dịch vụ hành khách thông qua cảng, trong đó phương án 1 theo đề xuất của các DN cảng; Phương án 2 là điều chỉnh khung giá hành khách thông qua cầu, bến, phao neo tối thiểu là 5 USD/người, tối đa là 15 USD/người” ông Cường thông tin. 

Trước đó, tại một buổi tọa đàm về công tác quản lý nhà nước về du lịch của TP.Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia và DN du lịch bày tỏ bức xúc khi nhiều hãng tàu du lịch lớn đưa du khách đến TP.Hồ Chí Minh đang trong cảnh "có thuyền nhưng không có bến". Có những tàu quốc tế chở hàng nghìn khách nhưng không thể cập cảng Phú Mỹ. Nhiều hãng tàu khác đến TP.Hồ Chí Minh cũng nơm nớp lo không có chỗ đậu. 

Theo các cơ quan chức năng, lý do dẫn đến điều này là hiện nay Việt Nam chưa có bến cảng chuyên dụng để đón tàu du lịch. Vì vậy, hệ thống cảng biển đang vừa phải đón tàu hàng, vừa đón tàu du lịch. Cùng đó, năng lực tiếp nhận tàu của cảng biển Việt Nam còn hạn chế, việc chủ tàu đặt lịch để các DN cảng sắp xếp thời gian biểu tiếp nhận tàu phải được thực hiện trước hàng năm. Vì vậy, lý do một số tàu khách không thể làm được thủ tục cập cảng có thể vì những tàu này thông báo lịch đến quá gấp gáp khiến đơn vị cảng không kịp trở tay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.