Chính trị

Lo ngại chất lượng quy hoạch

10/11/2016, 06:29

Quy hoạch được lập quá nhiều, chồng chéo, lãng phí, không hiệu quả dẫn tới nhiều quy hoạch treo.

4

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Quy hoạch sáng 9/11

Gần 10 năm, hơn 19.000 bản quy hoạch ra đời

Sáng 9/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về Dự án Luật Quy hoạch. Bên cạnh những đóng góp quan trọng, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong Luật.

Cụ thể, quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Đáng lưu ý, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều (thời kỳ 2001-2010, số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011-2020 số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại - tăng gấp 6 lần), không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng. Có những bản quy hoạch nội dung giống như một báo cáo nghiên cứu khoa học, thiếu thực tiễn và thiếu trọng tâm.

ĐB Hứa Văn Nghĩa (Trà Vinh) lại lưu ý việc quy hoạch phải tính đến yếu tố quốc phòng - an ninh, nếu không một khi sai sẽ không thể điều chỉnh được, ảnh hưởng đến tồn vong của quốc gia. Ông Nghĩa cho rằng, về cơ quan thẩm định quy hoạch không thể nêu chung chung mà trong hội đồng thẩm định dứt khoát phải có chỉ huy trưởng quân đội, công an tham gia, không để tái diễn tình trạng có những quy hoạch “nhạy cảm” mà công an, quân đội không biết.

Quy hoạch thời gian qua cũng được xác định thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành. Nhiều quy hoạch phê duyệt nhưng không được triển khai thực hiện do thiếu sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của các cấp, các ngành hoặc do thiếu cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành. Vì thế, nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch bị “treo”, không được triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai.

Trước thực trạng đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo luật làm rõ với việc ban hành Luật Quy hoạch, sẽ có bao nhiêu loại quy hoạch trong luật chuyên ngành hết hiệu lực; bao nhiêu quy hoạch còn tồn tại; những quy hoạch nào ưu tiên thực hiện theo luật chuyên ngành mà Luật Quy hoạch không điều chỉnh, phương án giải quyết những quy hoạch đã được xây dựng nhưng chưa được phê duyệt... để tránh tạo ra những xung đột pháp luật, bảo đảm tính khả thi của chính sách.

“Lo ngại điều chỉnh quy hoạch không ai biết”

ĐBQH Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước băn khoăn, nếu quy hoạch được phê duyệt rồi mà không quy định về điều chỉnh quy hoạch thì sẽ không còn ý nghĩa gì, bởi khi điều chỉnh quy hoạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề quản lý. Đơn cử như quy hoạch đô thị, nếu không có quy định chặt chẽ thì sau khi quy hoạch được phê duyệt, người có thẩm quyền lại phê duyệt điều chỉnh khác đi. “Để quy hoạch được phê duyệt thì phải trình lấy ý kiến rộng rãi, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch thì không ai biết. Chỉ cần doanh nghiệp đề nghị thì người có thẩm quyền phê duyệt, cho điều chỉnh xây khách sạn, trung tâm thương mại vào công viên, khu vui chơi giải trí… Đây chính là mầm mống gây tắc đường, rối loạn giao thông. Lúc đó xử lý thế nào?”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đặt vấn đề.

ĐBQH Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính T.Ư chia sẻ, ông lo ngại nhất là chất lượng và tính ổn định của quy hoạch, bên cạnh đó là tính tuân thủ quy hoạch để quy hoạch không bị thường xuyên điều chỉnh. “Quy hoạch phải đảm bảo tính chất lượng và ổn định, nhưng cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường. Hôm nay giá cao su lên thì người dân thi nhau trồng cao su, giá sắn xuống thì phá bỏ không trồng sẵn nữa... Vấn đề là người làm quy hoạch phải đảm bảo được chất lượng của quy hoạch, phải đảm bảo được sự ổn định, tính lâu dài”, ông Trạc nói và cho rằng, để quy hoạch có chất lượng thì bản thân người lập quy hoạch phải có trách nhiệm và có tầm tư duy. Phía thẩm định cũng phải chặt chẽ, chứ không phải trình ra một tập hồ sơ dày không ai “soi” hết được, sau đó trình lên cấp trên ký rồi đến khi đi vào thực tế mới vỡ lẽ ra quy hoạch bất hợp lý, vướng ngược vướng xuôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.