Góc nhìn

Lộ nguồn cơn leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung

05/04/2018, 14:30

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4 đã công bố áp thuế 25% đối với khoảng 50 tỷ USD hàng hóa...

33

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã không còn là “khẩu chiến”

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4 đã công bố áp thuế 25% đối với khoảng 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Một động thái làm dấy lên lo ngại về một kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm bước vào cao trào khi “súng lớn” của Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu khai hỏa.

Mỹ áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách áp thuế 25% đối với khoảng 1.300 hàng hóa của Trung Quốc ngay trong ngày 3/4 (theo giờ Hoa Kỳ), khi Bắc Kinh vừa tăng thuế đối với khoảng 3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có thịt lợn, các loại trái cây và rượu vang.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, mức thuế 25% sẽ được áp dụng cho tất cả các sản phẩm chiếm tới 50 tỷ USD giá trị nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hàng năm, thuộc nhiều lĩnh vực như: Hàng không, công nghệ và máy móc, dược phẩm… nhằm trừng phạt Bắc Kinh về chính sách chuyển giao công nghệ.

Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án tuyên bố này của Hoa Kỳ và cho biết, phía Trung Quốc sẽ có những biện pháp tương xứng về quy mô và mức độ với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, như: đậu nành, máy bay hay trang thiết bị công nghiệp nặng.

Kế hoạch áp thuế của USTR được tiết lộ từ tháng trước, song chỉ được công bố sau khi Trung Quốc quyết định tăng thuế đối với khoảng 3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, một động thái mà Bắc Kinh tiến hành “bù đắp tổn thất” từ việc tăng thuế lên nhôm, thép nhập khẩu của ông Donald Trump.

Danh sách thuế mà USTR đưa ra rõ ràng đã loại trừ nhiều sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại di động, máy tính xách tay được lắp ráp tại Trung Quốc và cũng không bao gồm quần áo, giày dép, những thứ có thể gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng Mỹ.

Trong đó, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc là thiết bị liên lạc (như điện thoại) trị giá 78 tỷ USD vào năm 2017 và máy tính đứng thứ hai với 58,6 tỷ USD.

Ông Lighthizer cho biết, danh mục thuế được xây dựng bằng cách sử dụng một thuật toán riêng để lựa chọn các sản phẩm có thể gây tổn thương tối đa cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, việc đánh thuế kiểu “ăn miếng, trả miếng” cho thấy sự leo thang căng thẳng trong xung đột thương mại Mỹ - Trung thời gian gần đây không còn là “khẩu chiến” mà đã chuyển thành hành động thực sự.

Dù Mỹ có tính toán cẩn thận thì mức thuế mới cũng sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều nhà sản xuất ở Hoa Kỳ, làm tăng giá thành sản phẩm và tiếp theo đó hệ lụy đến việc làm và các vấn đề lao động.

Nhắm vào “Xuất xứ Trung Quốc 2025”

Reuters dẫn lời một quan chức của USTR cho biết, danh mục thuế quan mới nhắm tới các sản phẩm được hưởng lợi từ các chương trình phát triển công nghiệp của Bắc Kinh mang tên “Xuất xứ Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tuần trước cũng từng tuyên bố tương tự.

Bắc Kinh mong muốn tới năm 2025 sẽ thay thế việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ hiện đại bằng các sản phẩm nội địa và xây dựng vị trí thống lĩnh trong các ngành công nghiệp chiến lược gồm: Công nghệ thông tin tiên tiến, robotics, hàng không vũ trụ, xe năng lượng mới, y - sinh học, năng lượng điện, vật liệu mới, máy móc nông nghiệp, đóng tàu và thiết bị hàng hải, vận tải đường sắt tiên tiến.

Washington hy vọng các mức thuế mới sẽ tạo sức ép, buộc Bắc Kinh phải thay đổi những chính sách mà Đại diện Thương mại Mỹ cho là kết quả của việc chuyển giao “phi kinh tế” tài sản trí tuệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc, thông qua các thỏa thuận liên doanh, các thương vụ mua lại các công ty công nghệ Mỹ bằng tiền tài trợ của Nhà nước và ăn cắp công nghệ.

Các tổ chức thương mại Mỹ đã phản ứng một cách thận trọng, nói rằng họ đồng ý với những nỗ lực của ông Trump để ngăn chặn hành vi “ăn cắp chất xám” của Trung Quốc, nhưng đặt câu hỏi việc tăng thuế quan hoặc dùng biện pháp thuế quan có phải cách tiếp cận đúng hay không.

Đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ, ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ cho biết: “Mong muốn được thảo luận với chính quyền trong thời gian bình luận 60 ngày để tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe liên quan đến những thách thức mới bởi chi phí tăng thêm đáng kể cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho rằng, việc áp thuế mới đối với các sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc là “hành động cần thiết để phá vỡ các chính sách “ủy mị” của các chính quyền trước và tạo cơ hội lập ra một hướng mới cho mối quan hệ của Mỹ với đối thủ chiến lược này.

“Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, đã đưa ra kế hoạch “Xuất xứ Trung Quốc 2025” về cơ bản nói với thế giới rằng: “Chúng tôi sẽ thống trị tất cả các ngành công nghiệp mới nổi của tương lai, do đó nền kinh tế của bạn sẽ không có tương lai”, Bloomberg dẫn lời cố vấn Peter Navarro khi nói lên quan ngại của Nhà Trắng trước sự “lấn lướt” của Bắc Kinh trong các ngành công nghiệp tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.