Chuyện dọc đường

Lộ thông tin khách hàng, chưa rõ ai chịu trách nhiệm

13/11/2018, 06:11

Tháng 7 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Facebook, Mark Zuckerberg đã phải điều trần trước các nghị sĩ Mỹ khi có cáo buộc...

anh_tgdd_2

Ảnh minh họa

Mặc dù Mark Zuckerberg lên tiếng nhận trách nhiệm về mình và xin lỗi khách hàng về sự yếu kém trong bảo mật, nhưng ngay sau đó, cổ phiếu của Facebook vẫn giảm mạnh. Có thời điểm, Facebook đã mất khoảng 60 tỷ USD chỉ trong 2 ngày.

Mới đây ở nước ta, liên tiếp vụ việc khách hàng của Thế giới di động (TGDĐ) bị lộ thông tin rồi tới chuỗi siêu thị Concung.vn bị phát tán dữ liệu gây hoang mang cho nhiều khách hàng đã mua bán tại hệ thống bán lẻ này.

Với mỗi doanh nghiệp, nhất là khi phát triển đến quy mô lớn, cơ sở dữ liệu nhân viên và khách hàng (database) chính là tài sản. Nó giúp doanh nghiệp quản trị và phát triển kinh doanh thuận lợi hơn, theo dõi mua hàng và hậu mãi khách hàng cũng như chăm sóc nhân viên chu đáo hơn.

Ngoài ra, dữ liệu tài chính còn có thể được lưu lại qua mỗi lần thanh toán của khách, tạo thuận lợi trong giao dịch không dùng tiền mặt và đáp ứng được sự đa dạng kế hoạch tài chính của họ.

Dữ liệu cơ sở khách hàng thường được lưu tập trung. Có thể doanh nghiệp tự lưu giữ hoặc thuê server. Nhưng, tất cả phải đảm bảo sao cho luôn tiếp cận được dữ liệu trên hệ thống thuận tiện mọi lúc, mọi nơi để những người được cấp quyền truy cập có thể nhanh chóng kịp thời phục vụ khách hàng.

Các thông tin doanh nghiệp lưu giữ của khách hàng là những dữ liệu cá nhân như toàn bộ thông tin CMND, số điện thoại, số thẻ, số tài khoản ngân hàng, khối lượng hàng giao dịch và nhiều thông tin khác do khách hàng tin tưởng cung cấp.

Khi tin tặc (hacker) xâm nhập hệ thống hoặc cũng có thể do nhân sự của chính doanh nghiệp bất cẩn, dữ liệu của doanh nghiệp sẽ bị các hacker sao chép, khai thác. Lúc ấy, thông tin cá nhân của khách hàng sẽ rơi vào nguy cơ bất kể ai có nhu cầu cũng có thể tiếp cận. Thông tin này có thể được rao bán cho các doanh nghiệp đối tác hoặc đối thủ, thậm chí bị sử dụng vào nhiều mục tiêu đen tối khác, như đánh cắp thẻ, tài khoản, thậm chí tống tiền… gây thiệt hại không chỉ về tài chính mà cả danh dự, uy tín... Khi đó, hệ luỵ cũng sẽ vô cùng khó lường, không chỉ cho bản thân khách hàng mà còn cho cả doanh nghiệp cũng như các đối tác liên quan, như cổng trung gian thanh toán, thậm chí ngân hàng cung cấp dịch vụ…

Một dấu hỏi lớn dư luận đặc biệt quan tâm là trong vụ việc của TGDĐ và chuỗi siêu thị Con Cưng, trách nhiệm thuộc về ai nếu những thông tin đó bị sử dụng theo mục đích xấu như mua - bán trái phép, đặc biệt là có thể bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng? Bản thân TGDĐ phủ nhận để lọt lộ thông tin, trong khi Con Cưng hoàn toàn im lặng. Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này cũng chưa vào cuộc điều tra, làm rõ. Cách hành xử ấy càng khiến người tiêu dùng bức xúc, hoang mang, lo lắng.

Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư bảo mật hệ thống đúng mức, ý thức bảo vệ thông tin khách hàng chưa cao, thậm chí còn bị sử dụng tùy tiện, đã đem tới những thiệt hại khôn lường cho khách hàng và chính họ.

Trong bối cảnh internet len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống, thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần coi đây là sự việc nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro khôn lường để vào cuộc vì an ninh tiền tệ và trật tự xã hội của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.