Xã hội

Loại bỏ xe máy trong nội đô càng sớm càng tốt

26/04/2017, 08:05

Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia khi giải quyết nạn UTGT tại các thành phố lớn đều chọn loại bỏ xe máy.

6

Muốn loại bỏ xe máy, cần có lộ trình và các giải pháp về hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng đủ chất lượng...

Giờ G sắp đến

Những  năm qua,  cho dù cơ quan chức năng từng đề xuất và áp dụng  nhiều giải pháp đảm bảo ATGT và chống ùn tắc, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và TP.HCM ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, không ít người còn dùng từ “thảm họa” khi nói về giao thông tại Hà Nội. Và không lâu nữa, chỉ một vài năm tới, thảm họa đó sẽ xảy ra. Nguyên nhân không gì khác là do lượng xe máy và ô tô cá nhân ngày càng tăng mạnh.

Hai loại xe này khi chạy chung đường, nó luôn kiềm chế tốc độ lẫn nhau. Giả thiết rằng, nếu như trên đường chỉ còn 1 loại xe chạy thì tốc độ xe sẽ tăng lên nhiều lần, từ đấy mà số đầu xe, số chuyến và lượng khách lưu thông cũng có thể tăng lên hàng chục lần. Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia khi giải quyết nạn ùn tắc giao thông đều chọn phương án loại bỏ xe máy và coi đó là giải pháp tối ưu. Hãy nhìn giao thông tại các thành phố lớn trên thế giới, từ các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ đến các nước trong khu vực châu Á, thậm chí ngay Đông Nam Á, có ở đâu xe máy đông nghịt như ở Hà Nội và TP.HCM nước ta. Ở họ, xe máy chỉ là phương tiện thứ yếu, ô tô và vận tải công cộng mới là chủ đạo.

Tôi tin chắc rằng, đến đúng giờ G quy định, khi mà mọi điều kiện đã sẵn sàng, đường sá thông thoáng, lượng xe công cộng đầy đủ và có thể chạy tốc độ cao, Nhà nước và toàn dân cùng đồng lòng, cùng ra quân… thì chủ trương loại bỏ xe máy sẽ thành công.

Đáng nói là ở nước ta hiện nay, lượng ô tô, xe máy không những quá nhiều mà còn đang tăng mạnh. Với đà này, có thể thấy trước được là tại TP.HCM chỉ 2 năm nữa và Hà Nội khoảng 3 năm nữa, giao thông không còn là ùn tắc hay tắc nghẽn nữa mà sẽ là “tắc tịt”. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến tất cả mọi người, kể cả người giàu, người nghèo, người đi chơi hay người đi làm ăn… có xe cá nhân, kể cả ô tô và xe máy lúc này cũng bằng thừa.

Chắc chắn đến lúc ấy, sẽ chẳng còn ai thiết dùng xe máy nữa mà mong được sớm loại bỏ cái “của nợ” này để thay bằng một phương thức giao thông phù hợp hơn cho đỡ khổ. Lượng xe máy quá lớn còn ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, môi trường, cảnh quan và hình ảnh của một thành phố đáng sống.

Với suy nghĩ ấy, tôi mạnh dạn đề xuất các cơ quan chức năng nhanh chóng có chủ trương và quyết định cấm xe máy lưu hành trong toàn thành phố kể từ giờ G là 2 năm sau với TP.HCM, 3 năm sau với Hà Nội. Hoặc cả hai thành phố lớn này triển khai cùng một thời điểm là 2-3 năm kể từ bây giờ.

Vận tải công cộng phải tăng gấp 5 lần hiện nay

Để thực hiện được chủ trương loại bỏ xe máy, theo tôi, cả 2 thành phố cần xây dựng kế hoạch và bắt tay ngay vào thực hiện việc hoàn thiện, xây dựng các công trình giao thông theo yêu cầu mới, kể cả bến, bãi, cầu, đường cả trên cao và dưới ngầm. Ngay từ thời điểm này, phải chuẩn bị đủ cơ số xe vận tải công cộng phù hợp với đường sá và tốc độ xe khi đã được giải phóng. Dự tính phải gấp khoảng 5 lần số xe hiện có mới có thể đáp ứng.

Cùng với các giải pháp trên, các thành phố cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân coi trọng đi bộ khi đi làm, đi học, đi bộ tới bến tàu, xe. Hiện, cả Hà Nội và TP.HCM đều đang quyết liệt giành lại vỉa hè, việc này cần được duy trì thường xuyên để chỉnh trang lại đường phố, hè đường dành cho người đi bộ.

Đồng thời với đó, Hà Nội, TP.HCM cần xây dựng cơ chế quản lý mới đối với xe máy. Có thể hỗ trợ tiền tương ứng cho người dân hoặc giải tỏa dần xe máy về các vùng nông thôn, vùng núi. Theo tôi, riêng xe ôm có thể tạm cho phép lưu hành trong một thời gian nhất định để hỗ trợ thêm cho người đi bộ, nhưng cần tổ chức và quản lý cấp phép chặt chẽ, có hình ảnh riêng dễ nhận biết. Các thành phố này có thể cử người đến học tập kinh nghiệm tại một số thành phố ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, những nơi rất đông dân, đường sá nhiều nơi thậm chí còn kém ta mà họ đã bỏ được xe máy, đồng thời sớm thông báo chủ trương, kế hoạch để toàn dân cùng chuẩn bị.

Ngô Thế Tường
(Cán bộ hưu trí Bộ NN&PTNT, địa chỉ 143 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội)

Banner

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.