Thời sự

Loạn tin báo về máy bay mất tích

13/03/2014, 05:59

Báo nước ngoài lại đưa ảnh một chiếc phao cứu sinh dạt vào eo biển khác ở Malaysia. Tại Hà Nội, nhiều thông tin mới dồn dập gửi đến Sở chỉ huy, những hy vọng lóe lên rồi lại vụt tắt...

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi đang tiếp tục cập nhật

20 giờ: Malaysia mập mờ chuyện bắt được tín hiệu máy bay mất tích

Tại cuộc họp báo, Chỉ huy trưởng lực lượng không quân hoàng gia Malaysia Rodzali Daud lần đầu thừa nhận radar quân sự nước này đã phát hiện tín hiệu vật thể lạ giống máy bay ở phía bắc eo biển Malacca cách xa hàng trăm dặm so với địa điểm mà máy bay mất tín hiệu (ở biển Đông).

Ông Rodzali Daud nói  có tín hiệu vào khoảng 45 phút sau khi MH370 biến mất khỏi màn hình theo dõi không lưu giữa hai nước Malaysia và Việt Nam.

Bộ trưởng Hussein tuyên bố cuộc tìm kiếm ở cả hai khu vực eo biển Malacca và biển Đông vẫn tiến hành vì “Chúng tôi không chắc chắn. Và khi không chắc chắn thì chúng tôi vẫn phải chờ đợi”.

Bộ trưởng Hussein bác bỏ thông tin cho rằng đã phát hiện có thi thể trôi trên biển. Ông cho biết cuộc mở rộng tìm kiếm đang tiến hành.

Trước sự truy vấn của báo chí về sự chậm trễ thông tin, ông Daud nhấn mạnh rằng cần thời gian để chứng thực thông tin nên Malaysia chậm công bố.

18 giờ: Chúng tôi có đánh giá khả năng tin cậy của thông tin

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Giao thông về quy trình xử lý thông tin tiếp nhận được về máy bay Malaysia mất tích, ông Đinh Việt Thắng – Phó cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết: Chúng tôi phải đánh giá khả năng tin cậy và chất lượng của thông tin.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhiều ngày qua trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu nhiều ngày qua trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích

Theo ông Thắng, email của một người mang quốc tịch Newzeland đang làm việc cho đơn vị dầu khí của Nga trên vùng biển Vũng Tàu gửi đến Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không sáng nay cho biết  đã nhìn thấy một máy bay bốc cháy trước khi rơi xuống biển.

 

Chúng tôi đã thẩm định email đó khá cụ thể, thể hiện đây là một người khá hiểu biết như thông tin về hướng, tọa độ, địa điểm, vị trí gần với vùng đang tìm kiếm… Trên cơ sở này, Sở Chỉ huy đã điều một máy bay AN26 đến khu vực được thông báo để tìm kiếm các dấu vết, tuy nhiên rất tiếc là vẫn không phát hiện được gì. 

 

Hay thông tin từ tổ lái A321 của Vietnam Airlines hành trình từ Buôn Ma Thuột ra Hà Nội đã bắt được tín hiệu SOS trên khu vực Đà Nẵng. Dù diễn biến xảy ra rất là ngắn nhưng đây là thông tin từ một người có hiểu biết và có trách nhiệm về vấn đề đang diễn ra vì Cục Hàng không VN đã khuyến cáo tất cả các tổ bay nhận thấy bất kỳ bất thường nào cũng phải thông báo.

 

“Tuy 2 thông tin trên chưa giúp tìm ra máy bay Malaysia mất tích, song chúng tôi làm việc trên nguyên tắc mọi thông tin đều phải xử lý một cách nghiêm túc” – ông Thắng khẳng định.

 

Cục Hàng không cũng đang chờ tin xác nhận chính thức  về các xuồng cứu sinh phát hiện ở vùng biển Malaysia.

 

16h30: Malaysia chuyển hướng tập trung tìm kiếm ở vùng eo biển Malacca

Theo đại diện Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, từ sáng nay (12/3),  Malaysia đã tạm dừng tìm kiếm máy bay nghi mất tích trong khu vực biển của Việt Nam để tập trung tìm kiếm ở vùng eo biển Malacca.

Theo đại diện Sở Chỉ huy, Malaysia cũng chưa gửi thông báo về kế hoạch sẽ bay tìm kiếm trong khu vực biển Đông của Việt Nam vào ngày mai.

Hiện nay hoạt động bay tìm kiếm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) đang được thực hiện bởi 3 nước là Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.

“Maylaysia nhờ Việt Nam tiếp tục duy trì tìm kiếm máy bay mất tích của họ và nếu phát hiện thấy dấu hiệu nào thì báo để họ biết. Tuy phủ nhận thông tin dò được tín hiệu từ radar cho thấy phát hiện máy bay tại Malacca nhưng Malaysia cho biết họ vẫn tiến hành tìm kiếm để không bỏ sót những dấu hiệu nào.” - vị đại diện này cho hay.

Tàu Malaysia vẫn đang nỗ lực tìm kiếm ở khu vực được cho là nơi máy bay Malaysia gặp nạn
Tàu Malaysia tìm kiếm ở khu vực được cho là nơi máy bay Malaysia gặp nạn

15h15: Một người nước ngoài phát hiện máy bay cháy rơi xuống biển

Đại diện Cục Hàng không VN cho biết, sáng nay, Cục có nhận được một email của một người nước ngoài làm việc ngoài dàn khoan gần Côn Đảo cho biết, có nhìn thấy máy bay cháy rơi xuống biển và đã tìm cách liên lạc với đất liền nhưng không được.

Thông tin này đã được Cục báo cáo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Ủy ban đã điều một máy bay AN26 ra kiểm tra, và yêu cầu tất cả máy bay đi qua khu vực đó đề nghị tổ lái quan sát có gì bất thường thông báo. Nhưng từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy gì.

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết thêm, trong ngày hôm qua một máy bay của Vietnam Airlines bay qua và phát hiện có một tín hiệu ở vùng bắc Đà Nẵng, Cục hàng không VN đã cung cấp tần số cho Trung tâm cứu nạn hàng hải cho thuyền kiểm tra nhưng không thấy gì.

 “Tín hiệu này chỉ báo một lần duy nhất và sau đó các máy bay khác bay qua lại không thấy có gì”, vị đại diện này cho biết.

15 giờ: Lại một lần nữa New Straits Times đưa tin nóng liên quan tới tàu bay mất tích

Theo tờ báo Malaysia này, các ngư dân Malaysia tìm thấy chiếc bè cứu sinh bị hỏng nặng trôi nổi vào 12 giờ đêm qua ở cách bãi cảng Dickson gần 20 km. Theo bản dịch của Vnexpress: " Một người đàn ông tên Azman Mohamad, 40 tuổi, kể rằng họ ngay lập tức báo cho Cơ quan Thực thi Luật Biển Malaysia (MMEA) ở Kuala Linggi để hỗ trợ kéo bè lên vì nó rất nặng. 

"Chúng tôi xoay sở để buộc nó vào thuyền vì sợ nó sẽ chìm", ông nói. Khi thuyền của MMEA tới, các ngư dân trao lại bè cho họ. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của MMEA tại Kuala Linggi cho hay chiếc bè chìm xuống biển khi họ đang cố kéo nó lên thuyền". 

 

Lại thêm một thông tin nữa cần kiểm chứng, nhưng lần này, New Straits Time có ảnh :

 

Ảnh chiếc phao cứu sinh được nghi là từ máy bay mất tích do New Straitimes đăng tải
Ảnh chiếc phao cứu sinh được nghi là từ máy bay mất tích do New Straits Times đăng tải

13 giờ: 2 tàu bay Trung Quốc được Việt Nam cấp phép hôm qua đã chính thức bay tìm kiếm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Tại đây cũng có các tàu bay Singapore vừa được tăng cường.

11h12: Nhật Bản sẽ chính thức tham gia tìm kiếm

Hôm nay (12/3), Nhật Bản điều 4 máy bay của Lực lượng phòng vệ (SDF) tham gia hành động quốc tế tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines bị mất tích ngày 8/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói rằng bộ này sẽ điều 2 máy bay vận tải C-130 của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) và 2 máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tham gia cuộc tìm kiếm.

10h40 (12/3): Việt Nam và các nước vẫn đang tiếp tục tích cực tìm kiếm máy bay mất tích

Theo người đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN, Cục Hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về việc có hay không mảnh vỡ của máy bay mất tích ở eo biển Malacca, cho nên họ chưa thể khẳng định chính thức thông tin này.

Theo vị đại diện này cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN26, 2 CASA, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, máy bay các nước Trung Quốc, Newzeland, Singapore cũng bay ở khu vực biển Đông của Việt Nam để tìm kiếm.

10h20 (12/3): Quân đội Malaysia bác bỏ thông tin máy bay mất tích tại Malacca

Tư lệnh không quân Hoàng gia Malaysia - Tướng Tan Sri Datuk Sri Rodzali Daud vừa bác bỏ thông tin radar quân đội theo dõi được tín hiệu của máy bay Malaysia Airlines mất tích trên eo biển Malacca.

Sáng ngày 11/3, tờ báo Berita Harian của Malaysia trích lời Tướng Tan Sri Datuk Sri Rodzali Daud cho biết lần cuối cùng phát hiện được tín hiệu chiếc máy bay của Malaysia Airlines qua radar quân đội là vào lúc 2:40 sáng hôm 8/3 gần đảo Pulau Perak, khu vực phía Bắc Eo biển Malacca. Lúc đó, chiếc máy bay đang ở độ cao khoảng 9.000m. Thời gian mà ông Rodzali được tờ báo trên trích lời là khoảng 1 giờ 10 phút sau khi máy bay mất tích khỏi màn hình đài kiểm soát không lưu.

10h00 (12/3): Máy bay của Malaysia vẫn tiếp tục bay tìm kiếm tại điểm IGARI

Thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN cho biết: Sáng nay lãnh đạo Cục hàng không VN đã gửi văn bản cho Cục hàng không Malaysia yêu cầu xác nhận thông tin radar tìm thấy tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

 

Hiện máy bay của Malaysia vẫn tiếp tục bay tìm kiếm tại điểm IGARI (điểm đánh dấu máy bay biến mất khỏi màn hình).

8 giờ sáng ngày tìm kiếm thứ 5 (12/3): Tàu tìm kiếm tạm thời không di chuyển, chờ tin báo từ các máy bay.

Sở chỉ huy đang giục tin trả lời chính thức từ Malaysia về việc có hay không mảnh vỡ của máy bay mất tích ở eo biển Malacca - một nơi rất xa vị trí Việt Nam đang tìm kiếm.

Tại Sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa điện thoại báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Chủ tịch Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia về tình hình triển khai trong ngày tìm kiếm thứ 5. Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết đến thời điểm này, Malaysia vẫn chưa trả lời chính thức về thông tin tìm được máy bay ở Malacca. Do vậy, phía Việt Nam vẫn chưa ngừng tìm kiếm. Tuy nhiên, tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu tìm kiếm cứu nạn tạm dừng di chuyển, chờ thông tin báo về từ trực thăng, thủy phi cơ. 

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Phòng không không quân cho biết 2 chiếc trực thăng của không quân vẫn đang bám sát mặt biển tìm kiếm vật khả nghi.

21g 30 ngày 11/3 - ngày tìm kiếm thứ tư: Truyền thông nước ngoài dẫn nguổn tin CIA lại nghi ngờ có khủng bố



Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan tuyên bố không thể loại trừ khả năng khủng bố trong vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích. 
Ông Brennan nói rằng "đã có một số tuyên bố thừa nhận trách nhiệm... chưa được xác nhận hoặc chứng thực" về vụ mất tích máy bay. Ông khẳng định không thể loại trừ khả năng có mối liên hệ với khủng bố.

Tuyên bố này trái ngược hẳn lại với phát biểu của Tổng Thư ký Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) Ronald Noble. Ông này không tin việc máy bay MH370 mất tích do khủng bố. "Với những thông tin thu được ngày một nhiều, chúng tôi càng thiên về kết luận đây không phải là một vụ khủng bố", ông Noble nói.

19h15: Sẽ dừng tìm kiếm nếu Malaysia đã lần ra dấu vết chiếc máy bay bị mất tích bằng radar ở eo biển Malacca

Trước thông tin của hãng thông tấn nước ngoài cho biết, Malaysia tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay bị mất tích bằng radar ở eo biển Malacca, đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN cho biết, chưa nhận được thông tin này.

Đưa ra giả thiết nếu thông tin trên là đúng, vị đại diện trên cho biết, Việt Nam sẽ ngừng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Việc có tham gia tìm kiếm ở eo biển Malacca hay không sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của nước bạn và khả năng của Việt Nam vì vị trí này cách xa Việt Nam.

19h10: Thông tin cuối ngày  từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN cho biết, dự kiến kế hoạch ngày mai (12/3) máy bay sẽ tập trung  tìm kiếm ở 2 khu vực.

Cụ thể, máy bay AN26 bay mở rộng tìm kiếm về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng khoảng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5.000km2.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Binh chủng Phòng không không quân trả lời phỏng vấn phóng viên
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Binh chủng Phòng không không quân trả lời phỏng vấn phóng viên

19h00: Ngày mai (12/3) sẽ sử dụng thiết bị đo sâu để phát hiện tín hiệu của hộp đen ở độ sâu 100m.

Cũng trong chiều nay, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Binh chủng Phòng không không quân đã chủ trì cuộc họp thông báo tình hình tìm kiếm trên vùng biển. Ông Tuấn cho biết, trong ngày hôm nay lực lượng VN đã triển khai hơn 10 lượt chuyến bay cất cánh tại các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Tân Sơn Nhất và mở rộng diện tìm kiếm ở phía Tây và phía Đông nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì về chiếc máy bay gặp nạn. Ngày mai, lực lượng tìm kiếm sẽ rà soát lại khu vực phía Nam ra đến mũi Nam Côn Sơn.

Liên quan đến các phóng viên trong và ngoài nước có nguyện vọng theo các đoàn tìm kiếm, Thiếu tướng Tuấn cho biết, hiện nay ở Phú Quốc chỉ có 2 máy bay loại nhỏ phục vụ tìm kiếm tầng thấp, mà số lượng phóng viên quá đông, do đó phóng viên nào muốn bay cùng các đoàn tìm kiếm thì nên về TP. Hồ Chí Minh đăng ký với Sở Chỉ huy tiền phương, ở đó có máy bay AN 56 có thể đưa nhiều phóng viên tham gia tác nghiệp. Sở Chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc có số điện thoại đường dây nóng: 077 3847508, 077 3846704 sẽ cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận thông tin trong thời gian tìm kiếm.

Thiếu tướng Tuấn cho biết, VN đã cấp phép cho 2 máy bay của Trung Quốc tham gia tìm kiếm, nhưng chưa có kết quả từ phía bạn và theo thống kê, tất cả các chuyến bay của các nước tham gia tìm kiếm tại VN mới chỉ có hơn 10 lượt chuyến kể từ khi cấp phép đến nay. Ông cũng cho biết thêm, nếu các bạn muốn vào tham gia tìm kiếm trước hết phải xin phép để phối hợp với chúng ta để được bay ở độ cao phù hợp vì hiện nay tần suất bay tại khu vực này là khá dày.

Trong ngày mai, Singapore sẽ tham gia tìm kiếm cùng lực lượng của VN với thiết bị đo sâu để có thể phát hiện tín hiệu của hộp đen ở độ sâu 100m. Theo tìm hiểu của PV các chuyên gia của Văn phòng điều tra tai nạn hàng không sẽ được lên các tầu SAR và dùng thiết bị này để phát hiện tín hiệu của hộp đen tại các vị trí nghi ngờ để tìm kiếm. Theo ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN thì các chuyên gia của Singapore hoạt động rất chuyên nghiệp, các bạn đã giúp Chính phủ Lào trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn khi lao xuống sông trước đây.

Liên quan đến thông tin về hộp đen, trao đổi với PV Báo Giao thông Thiếu tướng Lê Minh Thành, Phó tư lệnh quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng cho biết,  bình thường năng lượng dùng cho hộp đen có thể phát trong vòng 30 ngày. Tín hiệu sẽ yếu dần đi và tín hiệu được phát đi tùy thuộc vào độ sâu, địa hình cũng như khả năng bị tác động của lực va đập, cháy, nổ...

Chuẩn bị nhiên liệu để tiếp tục tìm kiếm
Chuẩn bị nhiên liệu để tiếp tục tìm kiếm

18h30: Malaysia tin rằng chiếc máy bay bị mất tích ở eo biển Malacca

Theo hãng tin Reuters: Quân đội Malaysia tin rằng đã lần ra dấu vết chiếc máy bay bị mất tích bằng radar ở eo biển Malacca, rất xa so với nơi nó lần cuối cùng liên lạc với trạm lưu không dân dụng ở bờ biển phía đông của Malaysia, một nguồn tin quân sự nói với Reuters.

Eo biển Malacca là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới, chạy dọc bờ biển phía tây của Malaysia.

Hãng hàng không Malaysia nói hôm thứ Bảy (8/3) rằng chiếc phi cơ có liên lạc cuối cùng ở thị trấn duyên hải Kota Bharu ở phía đông Malaysia.

"Nó đã đổi hướng sau Kota Bharu và đã ở độ cao thấp hơn. Nó đi vào eo biển Malacca," nguồn tin quân sự nói với Reuters.

17 giờ: Hai máy bay vừa quay về Phú Quốc, không có thông tin gì khả quan

16h30: Ráo riết tìm kiếm, hy vọng vẫn mong manh

Ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Hàng Hải Vũng tàu  cho hay, các lực lượng tìm kiếm  gồm  1 tàu Hải quân VN, 1 tàu của Biên phòng, 1 tàu của Doanh nghiệp vận tải Hoàng Lộc cùng rất nhiều tàu cá  khác đã ráo riết tìm kiếm trên vùng biển Vũng Tàu nhưng chưa phát hiện dấu vết khả nghi.

Ông Chiến cũng cho biết thêm, tại vị trí mà phía Hồng Kông báo có nhiều mảnh vỡ trên biển, do lệch trục bay quá xa so với tuyến Kualalampua - Bắc Kinh tới 300km nên việc xảy ra những mảnh vỡ của máy bay ở khu vực này rất khó xảy ra.

Tại khu vực đảo Thổ Chu, ông Phạm Hiển, Giám đốc Trung tâm phối hợp TKCN Hàng Hải KV3 biết, 2 tàu SAR 413, 272 vẫn đang nỗ lực phối hợp cùng các lực lương tìm kiếm suốt trong đêm nay.

Tàu SAR 413 là tàu chỉ huy Trung tâm Vùng trong cả ngày nay chưa tiếp nhận được thông tin khả quan từ các tàu khác về chiếc máy bay bị mất tích. 

15h 45: Xây dựng kế hoạch dài hạn, ngày 12/3 vẫn duy trì 10 máy bay tìm kiếm

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ đạo như vậy tại cuộc làm việc với chỉ huy các lực lượng liên quan ở Trung tâm quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn (TKCN)  tại  Ủy ban Quốc gia TKCN lúc 14 g chiều nay (11/3).

Nghe báo cáo tình hình tìm kiếm máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines bị mất tích trong mấy ngày qua, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, lực lượng đã tham gia tích cực. Ông Tỵ cho rằng việc cứu người là nhân đạo nên phải tiếp tục tích cực tìm kiếm, phát hiện càng sớm càng tốt trong lúc người thân các hành khách trên máy bay đang mong ngóng.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo phương án tìm kiếm
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo phương án tìm kiếm

Ông Tỵ đồng ý với các đề xuất tìm kiếm tiếp theo và yêu cầu tìm kiếm, kiểm tra tích cực trên cả đất liền vì giả thiết máy bay bị nổ ở độ cao 10.000m thì mảnh vỡ phân tán trên phạm vi rất rộng. Vì vậy, ngoài phạm vi tìm kiếm mở rộng sang hướng Đông đường bay R208, ngày 12-3 vẫn phải tìm kiếm ở gần điểm IGARY và phía Tây điểm này cũng như trên đất liền, biên giới với Campuchia. Việc tìm kiếm phải lấy đường bay R 208  làm trục chính.

Với các lực lượng nước ngoài vào vùng biển Việt Nam tìm kiếm, tướng Tỵ yêu cầu phía Việt Nam phải có phương tiện hướng dẫn vì trong lãnh hải Việt Nam thì các phương tiện của nước bạn tham gia là phối thuộc.

“Tiếp tục thông báo cho tàu cá, ngư dân tham gia tìm kiếm. Bởi vì nhân dân ở khắp mọi nơi. Trong quá trình tìm kiếm phải điều hành hợp lý, phân vùng tìm kiếm để không lãng phí nguồn lực và phải đảm bảo an toàn tối đa”- ông Tỵ đề nghị thêm việc tìm kiếm máy bay được xác định là lâu dài nên phải xây dựng kế hoạch dài hạn.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam- dự kiến tối nay Mỹ sẽ điều một tàu hậu cần vào tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam và 1 tàu hậu cần khác tìm kiếm trong vùng biển Malaysia. Đông thời sử dụng máy bay P3 tìm kiếm ở vùng biển Malacca. Còn trong chiều 11-3 phía Trung Quốc đang sử dụng 2 máy bay và 4 tàu tìm kiếm trong vùng biển Việt Nam.

Để đảm bảo điều hành các phương tiện tìm kiếm an toàn, sáng 11/3 Quân chủng Phòng không – Không quân cũng đã tăng cường một ra đa cơ động đến Sở chỉ huy không quân mới được lập ở Cà Mau.

Ông Tuấn cho biết hiện nay Việt Nam đã rải đều lực lượng trên khu vực tìm kiếm. Việc huy động máy bay tuần thám biển CASA tìm kiếm trong ngày hôm nay là rất hữu ích cho việc tìm kiếm. Bởi vì đây là loại máy bay hiện đại có khả năng truyền dữ liệu trực tiếp. Vì vậy, khi máy bay phát hiện vật thể khả nghi có thể lập tức điều động tàu ra tiếp cận.

Kế hoạch ngày 12-3, Việt Nam vẫn duy trì 3 trực thăng, 4 AN 26 và 2 máy bay tuần thám CASA cùng thủy phi cơ DHC 6 tham gia tìm kiếm. Việc tìm kiếm vẫn được thực hiện trên khu  vực đã tìm các ngày qua nhưng có mở rộng ra phía Đông đường bay R208. Máy bay AN 26 sẽ bay cao nhất, tiếp đó là máy bay CASA và trực thăng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trao đổi với các cơ quan chức năng về việc tìm kiếm
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trao đổi với các cơ quan chức năng về việc tìm kiếm

15h 00 Sẵn sàng để phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo sau tìm kiếm

Chiều nay, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của Cục Hàng không Việt Nam và Văn phòng thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia để rà soát, đánh giá việc triển khai các công việc tìm kiếm, cứu hộ tàu bay B777-200, chuyến bay MAS370 của Malaysia Airlines, kể từ khi không liên lạc được với tàu bay.

Để bảo đảm an toàn cho việc tìm kiếm, cứu hộ tàu bay mất tích và các hoạt động bay thương mại thường ngày, Cục trưởng Cục HKVN yêu cầu Phòng Quản lý hoạt động bay chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý vùng trời trong việc cấp phép cho các phương tiện bay nước ngoài vào tìm kiếm, điều hành an toàn các tàu bay tìm kiếm trong khu vực khả nghi và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bay khác tại Việt Nam.

Ngay từ 8/3 các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã triển khai việc tăng cường an ninh cấp độ 1 theo chỉ đạo tại công điện của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các cảng hàng không khác đã triển khai xong từ ngày 9/3.  Các đơn vị đã thực hiện đầy đủ các biện pháp tăng cường.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu từ Cảng HKQT Phú Quốc, công tác tìm kiếm tiếp tục triển khai với tất cả khả năng của chúng ta. Vì vậy, thời gian có thể còn kéo dài. Tùy theo kết quả tìm kiếm, trong chiều nay sẽ định hướng và quyết định phương án tìm kiếm tiếp theo trong ngày mai.

Cục trưởng Cục HKVN đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn hệ thống hóa các thông tin liên quan, chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cơ sở vật chất, pháp lý để phục vụ cho các giai đoạn tiếp theo sau tìm kiếm.

Những chiếc tàu cá VN cũng trở thành công cụ  trong việc tìm kiếm máy bay mất tích
Những chiếc tàu cá VN cũng trở thành công cụ  trong việc tìm kiếm máy bay mất tích

13h30: Trung Quốc xin phép điều thêm máy bay tìm kiếm

Thông tin từ Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, trong sáng nay, Trung Quốc đã xin phép được điều thêm 1 máy bay từ Hải Nam xuống khu vực tìm kiếm, và đến 11 giờ trưa nay máy bay này – IL76 đã bay gần tới khu vực IGARI. Ngoài ra, một máy bay khác là TU154 cũng đang xin cấp phép bay vào.

11 giờ 30: Trực thăng quay về căn cứ không mang theo tia hy vọng nào

 

Phóng viên Báo Giao thông trên trực thăng tìm kiếm vừa trở lại Phú Quốc kết thúc buổi tìm kiếm sáng ngày thứ tư ở phía Nam đảo Thổ Chu. Thông tin cho biết, các tàu khác xuất phát  từ Cà Mau vẫn đang quần thảo trên vùng tìm kiếm.

11 giờ 15: Tìm kiếm cả trên đất liền
 

Tại Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn quốc gia, Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết sẽ mở rộng tìm kiếm ở những khu vực thưa dân, vùng rừng núi. Bởi vì đã có nhiều trường hợp cho thấy tìm một nơi nhưng vị trí xảy ra tai nạn ở nơi khác.

Ông Tuấn cho biết cũng đã điện chỉ đạo các đơn vị giáp ranh đường biên giới tăng cường phối hợp phía Lào, Campuchia để tham gia tìm kiếm ở phía lãnh thổ các nước này.

Các quân khu 5, 7 và 9 được lệnh tổ chức tìm kiếm trên đất liền dọc hai bên đường bay từ Hòn Khoai (Cà Mau) đến TP.HCM. Lực lượng tìm kiếm trên bộ cũng mở rộng tìm kiếm theo hai bên đường bay trên khu vực đất liền Tây Nam bộ, Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ.

Nếu chúng ta thấy dấu tích của máy bay sẽ báo ngay cho Malaysia cùng tham gia trục vớt. Việt Nam đã sẵn sàng phương án cử các đội thợ lặn tới làm nhiệm vụ. Vùng biển trên khu vực Việt Nam tìm kiếm có độ sâu khoảng từ 20 - 50 mét, ông Tuấn nói.

Những chiếc máy bay chuẩn bị lên đường tìm kiếm
Những chiếc máy bay chuẩn bị lên đường tìm kiếm

11 giờ: Không có quy định về dừng tìm kiếm cứu nạn

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không VN cho hay, theo quy định,  giai đoạn đầu tiên không liên lạc được với máy bay thì xếp vào diện “hồ nghi máy bay mấy tích”. Tiếp đến là giai đoạn mất tích, sau đó nếu tìm được, sẽ tuyên bố tai nạn.

Với trường hợp máy bay Boeing 777 của Malaysia, thì giai đoạn hồ nghi đã qua và máy bay này đang được công bố là “mất tích”. Việc công bố này đã được phía Malaysia đưa ra, vì đến nay chưa có bằng chứng cho thấy “máy bay đã vào vùng FIR của Việt Nam”.

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết:  Việc tìm kiếm sẽ tiếp tục được tiến hành đến bao giờ có thể thấy thì thôi, chứ không có quy định về việc dừng tìm kiếm cứu nạn.

Về khả năng nổ của máy bay, vị đại diện này cho rằng, đó chỉ là giả thiết mà phía Malaysia đưa ra, chứ Việt Nam không đưa ra giả thiết này.

Đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Hàng không cho biết, hôm nay Malaysia đã có quyết định bay rà lại các khu vực đã bay tìm kiếm trước đó.

Còn Việt Nam sẽ bay tìm kiếm chủ yếu mở rộng ra các khu vực mới, chỉ ra lại khu vực Nam đảo Thổ Chu, còn khu vực Nam Cà Mau sẽ mở rộng sang phía Đông. Lực lượng bay của Việt Nam gồm Không quân, Cảnh sát biển và Tổng công ty khai thác trực thăng VN.

Đại điện Cục Hàng không cũng cho biết thêm, hiện các chuyến bay thương mại thường lệ qua  khu vực tìm kiếm máy bay mất tích vẫn duy trì bình thường, vì bay dân dụng ở mực bay ao còn bay tìm kiếm ở mực thấp...

9 giờ: Phóng viên Báo Giao thông theo máy bay trực thăng lên đường tìm kiếm ở phía Nam đảo Thổ Chu. Đây là khu vực được xác định máy bay có thể rơi nếu xảy ra vụ nổ ngay vào thời điểm tàu bay mất tín hiệu trên màn hình ra đa.

Phi công hết sức tập trung điều khiển trực thăng quần thảo trên biển ngoài khơi đảo Thổ Chu
Phi công hết sức tập trung điều khiển trực thăng quần thảo trên biển ngoài khơi đảo Thổ Chu

8 giờ 50: Không có thông tin mới về các mảnh vỡ ngoài khơi Vũng Tàu

Ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết 5 tàu thương mại đi qua khu vực biển Vũng Tàu đều báo về không phát hiện các mảnh vỡ kim loại như phía HongKong ghi nhận. Hiện Việt Nam đã  có một tàu hải quân và một tàu biên phòng tìm kiếm ở khu vực này nhưng cũng chưa ghi nhận được gì bất thường. 

8 giờ 30 phút: Sớm làm rõ có máy bay rơi trong vùng thông báo bay của Việt Nam hay không

Trao đổi ngắn với báo chí tại Sở chỉ huy Phú Quốc sáng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Tiên liệu còn rất ít hy vọng nhưng chúng tôi quyết tâm càng nhanh càng tốt để giải đáp câu hỏi máy bay có rơi trong vùng thông báo bay của VN hay không. Chúng tôi đang phối hợp tất cả các lực lượng không quân, hải quân, hàng hải, cảnh sát biển... Cả lực lượng biên phòng của tiểu khu 55 Phú Quốc cũng được huy động. Hiện đang rà soát thông tin từ ngư dân. Ông Tiêu nói nếu tìm thấy máy bay sẽ phải chuẩn bị phương án  trục vớt, y tế, bảo vệ hiện trường...

Dự kiến mỗi ngày, Sở chỉ huy sẽ cung cấp thông tin cho báo chí vào 2 thời điểm,  buổi trưa từ 11 giờ - 12 rưỡi và chiều tối từ 6g - 6g 30. 

Lực lượng tìm kiếm trao đổi ngắn với báo chí về khả năng tìm kiếm trong ngày thứ tư
Lực lượng tìm kiếm trao đổi ngắn với báo chí về khả năng tìm kiếm trong ngày thứ tư

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không không quân cũng cho biết có tới 10 máy bay đang tìm kiếm. AN 26 sẽ bay ở tầm từ  3-5 nghìn mét. Casa 272 tìm kiếm ở tầm thấp hơn, Mi còn thấp hơn nữa khoảng 150 mét. Máy bay của cảnh sát biển rà soát ở tầm bay 300 mét. Các tàu tìm kiếm thì hoạt động theo 2 phân khu điều hành phối hợp với hải quân, không quân nhịp nhàng để tiếp cận các điểm nghi vấn.

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trực tiếp chỉ huy tìm kiếm trên vùng biển nghi có mảnh vỡ máy bay rơi
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu trực tiếp chỉ huy tìm kiếm trên vùng biển nghi có mảnh vỡ máy bay rơi

8 giờ: Cấp phép cho một đơn vị Singapore mang thiết bị đo sâu vào tìm kiếm dưới biển

Sáng nay, phóng viên Báo Giao thông tại Phú Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN ngay trước  buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, với các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Kiên Giang để bàn các biện pháp tìm kiếm và chuẩn bị phương án xử lý nếu tìm thấy dấu tích chiếc máy bay mất tích. 

Ông Thắng cho biết Văn phòng tìm kiếm cứu nạn Singapore đang xin phép được vào hỗ trợ tìm kiếm với thiết bị đo sâu chuyên dùng có khả năng phát hiện vết tích tàu bay dưới độ sâu 100 mét. Đây là độ sâu phù hợp tại vùng biển ta đang tìm kiếm, ông Thắng nói. Chúng tôi sẽ sớm cấp phép cho đơn vị này vào hỗ trợ.

Tại nhiều địa điểm "đỏ" được xác định trên bản đồ tìm kiếm của phía Việt Nam trong 3 ngày qua, vùng biển chỉ sâu 50 mét. Đây là độ sâu khá thuận lợi để tìm kiếm tàu bay nếu tai nạn xảy ra trong lãnh hải hoặc vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Sáng nay, theo phía quân đội, trực thăng cũng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm khoảng 100 – 200 km về phía đông và phía tây so với vị trí cũ. Việt Nam đã huy động 4 máy bay Antonov 26, 4 máy bay trực thăng, 1 thủy phi cơ và 2 máy bay Casa của Cảnh sát biển vào cuộc.

7 giờ 45 phút:  Tổ chức cấm thử hạt nhân đang kiểm tra thiết bị đo các vụ nổ

Trong một diễn biến khác, hãng Boeing cho biết đã tham gia cùng một nhóm các chuyên gia Mỹ điều tra sự biến mất bí hiểm của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines. Boeing  sẽ đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho nhóm chuyên gia thuộc Ban an toàn vận tải quốc gia Mỹ đang hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Ông Lassina Zerbo -  Giám đốc điều hành Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cũng cho biết đã yêu  cầu các chuyên gia kiểm tra xem có vụ nổ nào ở cao độ của chiếc máy bay mất tích hay không. 
Ông Zerbo nói rằng CTBTO sử dụng các cảm biến sóng hạ âm để chủ yếu theo dõi các vụ nổ hạt nhân trong bầu khí quyển của Trái Đất. Đây là công nghệ thích hợp nhất để kiểm tra xem liệu có hay không một vụ nổ trên chiếc máy bay mất tích và liệu có một trạm theo dõi gần đó hay vụ nổ có xảy ra ở biên độ có thể phát hiện được hay không.

Trước đó,  Hải quân Mỹ đã điều tàu chiến thứ 2, USS Kidd, đến Biển Đông để giúp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steven Warren cho biết: “Hai tàu chiến nói trên của Hải quân Mỹ chở theo máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60 được trang bị camera hồng ngoại phục vụ các hoạt động tìm kiếm ban đêm”.

 

 

Nam Anh - Khánh Hà - Thu Phương -  M.Hồng - Văn Huyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.