Khám phá

Loay hoay tìm giải pháp bảo tồn di tích Vườn Chuối

17/07/2018, 08:15

Trong khi các nhà quản lý và chính quyền địa phương loay hoay tìm giải pháp để bảo tồn di tích Vườn Chuối...

22

Quá trình khai quật tại di tích Vường Chuối đã trải qua 8 đợt

Chậm xếp hạng, di tích không có cơ sở pháp lý và khoa học để bảo tồn

Di tích khảo cổ học Vườn Chuối đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, song hiện chưa có đầy đủ tư liệu hoặc các công trình tổng hợp, hệ thống và đánh giá giá trị. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để di tích Vườn Chuối không bị xóa bỏ, trước hết cần bảo tồn tổng thể toàn bộ di tích nếu hiện trạng di tích tốt. Tiếp đó, phải bảo tồn từng phần di tích có hiện trạng tốt, phần còn lại sẽ làm nghiên cứu và di dời các di tích, di vật về Bảo tàng Hà Nội. Nếu di tích bị xâm hại về cơ bản thì phải kiến nghị khai quật di dời tổng thể di tích, di vật về bảo tàng Hà Nội để nghiên cứu đánh giá giá trị, trưng bày và phát huy giá trị của di tích. Cần phải tiến hành điều tra tổng thể các di sản khảo cổ khu vực này để đánh giá hiện trạng đề xuất giải pháp bảo tồn.

Bởi đây là loại di tích mong manh, dễ bị xâm hại nhất do nó ở giữa cánh đồng. Cạnh đó, sớm xây dựng kế hoạch để tiếp tục khai quật khảo cổ học, bởi xung quanh khu vực này còn nhiều di tích như: Gò Mỏ Phượng, Gò Rền Rắn, Gò Chùa Gio, Gò Chiền Vậy… cũng cần được bảo tồn. “Nếu không được bảo vệ kịp thời, di tích bị xóa sổ sẽ là thiệt thòi khá lớn cho quốc gia”, ông Huy nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng: “Với kết quả thu được qua 8 lần khảo quật di tích khảo cổ học Vườn Chuối, tôi cho rằng di tích này hoàn toàn xứng đáng, đáp ứng đủ các tiêu chí để trước hết đề nghị UBND TP Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, khảo cổ cấp thành phố. Không xếp hạng di tích hoặc chậm sẽ không có cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để bảo tồn di tích”.

Hiến kế quy hoạch

Theo TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nền di tích Vườn Chuối chưa có sự xâm hại đáng kể, việc điều chỉnh quy hoạch cho thích hợp là cần thiết, nhằm cứu vớt một khu di tích khảo cổ vô cùng quan trọng của Thủ đô Hà Nội: “Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần quy hoạch lại, để dành một phần diện tích thích hợp cho công viên, cây xanh phục vụ đô thị. Với 1.900m2 không lớn với một đô thị hiện đại và diện tích này theo kinh nghiệm ở một số di tích tại một số quốc gia Đông Bắc Á mà tôi đã được đến tham quan, họ thường trồng cỏ và cây rễ chùm, không ăn sâu xuống lòng đất để không thể phá hoại di sản. Rất có thể, những ngôi nhà cao tầng của dự án đô thị Kim Chung - Di Trạch nằm ngay tại lõi của khu di tích? Nếu đúng như vậy, sự điều chỉnh dự án phải được đặt dưới tầm nhìn của thành phố, sao cho Vườn Chuối sẽ là một trong nhiều công viên cho toàn bộ những khu đô thị quanh vùng. Đó cũng là một trong những yêu cầu cảnh quan, sinh thái mà bất cứ khu đô thị hiện đại nào đều phải hướng tới”, ông Quân nhấn mạnh.

PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, việc bảo tồn phải bắt đầu từ khảo sát, thăm dò, khai quật sau đó đề xuất bảo tồn vùng lõi, vùng phụ cận, vùng đệm cho phù hợp đảm bảo công tác bảo tồn không ngăn cản quá trình phát triển kinh tế.

TS. Bùi Hữu Tiến, Phó giám đốc Bảo tàng Nhân học cũng cho rằng, cần xây dựng dự án để tiến hành thám sát, khai quật, nhằm xác định rõ quy mô, phạm vi cũng như đánh giá trữ lượng, tiềm năng và giá trị của từng di tích cũng như của cả phức hệ di tích.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, sau khi có quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, Sở VH&TT sẽ đề nghị UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Hoài Đức thực hiện xây dựng hồ sơ xếp hạng. Thời gian tới, Sở sẽ trình thành phố cho phép tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng giá trị khảo cổ học của toàn bộ di chỉ này.

Cũng theo ông Trương Minh Tiến, sắp tới Sở VH&TT Hà Nội sẽ có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, yêu cầu chủ đầu tư phải dành diện tích bảo tồn cho khu di chỉ Vườn Chuối trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đồng thời, có biện pháp bảo vệ hiện trạng di chỉ quan trọng này, không để người dân tự ý trồng cây làm ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ. Trong quá trình thi công dự án, ngoài diện tích bảo tồn, chủ đầu tư phải phối hợp Sở VH&TT cử cán bộ theo dõi và thu các hiện vật nếu phát hiện được trong quá trình thi công để tránh thất thoát hiện vật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.