Quản lý

Lợi nhuận của nhà đầu tư BOT Cai Lậy là bao nhiêu?

18/08/2017, 10:52
image

Theo hợp đồng, lợi nhuận của nhà đầu tư BOT Cai Lậy không được vượt quá 12%...

trạm thu phí Cai Lậy

Lợi nhuận của nhà đầu tư BOT Cai Lậy ở mức tương đương với các dự án BOT khác

Chỉ xác định thời gian thu phí trên giá trị quyết toán, không dựa trên tổng mức đầu tư

Trao đổi với Báo Giao thông, Vụ trưởng Vụ Đối tác Công tư Nguyễn Danh Huy cho biết lợi nhuận của nhà đầu tư BOT Cai Lậy theo hợp đồng là 12%. Theo ông Huy, thông thường, lợi nhuận của nhà đầu tư BOT được tính trên vốn chủ sở hữu bỏ ra và được khống chế ở mức 11,5% - 12%/năm trở xuống.

Cũng liên quan đến dự án này, ông Phạm Huy Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết hiện nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục để quyết toán dự án.

“Theo quy định tại Nghị định 15 của Chính phủ, trong vòng 6 tháng, kể từ khi ngày hoàn thành công trình dự án, nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về thời gian thu phí, theo ông Huy, phải căn cứ trên giá trị quyết toán, phương án tài chính. Tuy nhiên, do dự án mới đưa vào khai thác nên lưu lượng xe chưa ổn định. 

Lãnh đạo Vụ đối tác công tư khẳng định giá trị tổng mức đầu tư không phản ánh đúng chi phí thực tế thực hiện công trình nên trong Hợp đồng BOT, Bộ GTVT và Nhóm công tác liên ngành (gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Địa phương liên quan) đã quy định sử dụng giá trị quyết toán phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là giá trị cuối cùng để xác định thời gian hoàn vốn cho dự án; đối với chi phí dự phòng khi sử dụng phải được Bộ GTVT chấp thuận; đối với lãi suất được cập nhật theo thực tế khi vượt quá một biên độ nhất định.

Các điều khoản này nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng công trình và xác định chính xác thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư.

“Chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, tính toán cụ thể để đưa ra thời gian chính thức, sau đó mới đàm phán với nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, ước tính dự kiến thời gian thu giá dịch vụ kéo dài khoảng 12 -14 năm. Ngay cả khi chốt thời gian thu rồi, hàng năm, hoặc 2 năm một lần chúng tôi vẫn tiếp tục rà lại mức độ tăng trưởng của lưu lượng xe qua trạm để điều chỉnh thời gian thu. Đây là nguyên tắc của hợp đồng BOT”, ông Huy nói thêm. 

Thu phí quốc lộ theo lượt không thể công bằng như thu phí kín trên cao tốc

Trả lời về việc điều chỉnh phương án tài chính của dự án, tại buổi họp báo do Bộ GTVT tổ chức chiều qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết “Sau khi giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy, chúng tôi đang phải điều chỉnh phương án tài chính để đảm bảo phương án khả thi, khả năng thu hồi vốn của dự án”.

Thứ trưởng Đông thông tin thêm: “Hình thức thu theo lượt trên quốc lộ hiện nay không tránh được bất cập. Đi 5 - 10km cũng thu giống như đi 30 - 40km. Điều này khác hẳn việc thu kín trên các tuyến cao tốc, đi kilomet nào tính tiền kilomet đấy. Đây cũng là một trong những lý do chúng tôi quyết định giảm giá dịch vụ cho một số đối tượng.

Đề cập đến việc giảm giá các trạm BOT đã quyết toán, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thành quyết toán 51 dự án BOT.

“Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án, trong đó có 18 dự án giảm thời gian thu phí và 5 dự án tăng thời gian thu phí do lưu lượng thực tế thấp hơn dự báo. Còn lại 28 dự án đang được Bộ GTVT rà soát, tính toán lại phương án tài chính theo hướng ưu tiên điều chỉnh giảm giá. Trong số này, có 21 dự án có thể giảm giá”, ông Huy nói.

Công khai quyết toán các dự án BOT để minh bạch hơn

Về công tác quyết toán các dự án BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ngay sau khi nhận ghế nóng Bộ trưởng Bộ GTVT đã nhấn mạnh, vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là tổng mức đầu tư của các dự án. Mà tổng mức đầu tư như thế nào phụ thuộc vào quyết toán.

“Việc quyết toán chính xác, đúng hạn các dự án là một kênh đánh giá năng lực quản lý ngành của Ban quản lý. Thông qua công tác quyết toán, chúng ta có thể minh bạch dự án, từ đó, dư luận, xã hội có thể chia sẻ, hiểu đúng hơn về đầu tư BOT. Công tác này phải được báo cáo tại các buổi họp thường kỳ của Ban Cán sự cũng như báo cáo lên lãnh đạo Bộ 2 lần/tuần", ông yêu cầu trong một cuộc họp tháng 3/2017. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư khẳng định tất cả các hợp đồng BOT đều quy định, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu. Như vậy, thời gian thu phí không ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả mà phụ thuộc vào giá trị quyết toán và lưu lượng xe.

Ngay từ ngày 28/4/2014, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản số 4771/BGTVT-TC đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán tất cả các dự án BOT. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kiểm toán khoảng 30 dự án và đang tiếp tục kiểm toán các dự án trong thời gian tới.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.