Làm báo cùng Giao thông

Lợn ế và những câu hỏi chưa lời đáp

05/05/2017, 08:45

Mấy ngày nay mở báo, mở facebook ra là thấy giải cứu lợn nên Kính cận bị ám ảnh vì lợn.

9

Một cửa hàng giải cứu lợn ở Đồng Nai - Ảnh: Trần Đáng.

Thoáng thấy ông tổ trưởng dân phố ngoài ngõ, Kính cận đã cắp mũ lẩn cửa sau đi trốn, chỉ kịp dặn vợ mấy câu: “Em nói với các bác ấy là nhà mình toàn người bị gout, ăn chay không mua lợn, nếu cần góp tiền thì đóng góp mấy trăm cho phải lẽ là được”.

Vợ Kính cận cáu: “Cứ công to việc lớn, đối đáp người ngoài là đùn cho vợ. Hôm rồi thấy ngồi góc nhà phân tích hăng lắm, sao không ra mà góp ý chính quyền. Mà chắc gì bác ấy đã đến vì lợn”.

Quả thật, cái gì không rõ chứ vụ này Kính cận phân tích đâu ra đấy, chỉ có điều không biết góp ý với ai, mà đối diện với mấy bác làm phong trào thì góp ý ăn thua gì, chỉ có đưa tiền ra góp cho nhanh, kẻo lại mang tiếng với cả làng cả xóm.

Thấy tất tật xông vào giải cứu lợn, người dân thì hô hào ăn lợn gấp đôi gấp ba, công ty thức ăn giảm giá, công ty thu mua hứa chế biến thêm các chế phẩm từ thịt lợn, ngân hàng nghiên cứu khoanh nợ, giãn nợ cho chủ lợn... Thiếu mỗi nước xuất khẩu lợn và yêu cầu thương lái bớt ăn lãi đi để giảm giá thịt đến tay người tiêu dùng... Sốt ruột với lợn quá, Kính cận chúi mũi vào google nghiên cứu nhưng không thể nào trả lời được mấy câu hỏi sau:

Tại sao lợn Việt Nam rẻ nhất thế giới mà thế giới không ai mua? Toàn dân Việt mua? Lợn ta bị làm sao mà rẻ hều nhưng Tây, Tàu đều chê? Nước nông nghiệp mà không xuất khẩu được thịt thì xuất khẩu cái gì?

Thịt lợn rẻ mà các chế phẩm từ lợn như: Jambong, xúc xích, thịt hun khói, pate... chả giảm được đồng nào, chả xuất khẩu được đi đâu là lý làm sao?

Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 xác định mốc đàn lợn 35 triệu con. Đến nay, đang ở mức 30 triệu con cũng không gọi là phá vỡ quy hoạch, tại sao đã khủng hoảng thừa?

Quản lý chăn nuôi kiểm dịch ra sao mà ai ai cũng mở được trang trại lợn? Bán được lợn sang Trung Quốc là nhà nhà nuôi lợn, bạn vàng không mua nữa là nhà nhà ăn... lợn.

Cứ cái đà “ăn giải cứu” này thì mai người chăn nuôi gà, bò bán sẽ khóc. Ai sẽ giải cứu cho họ, khi mà dạ dày người ta có hạn, ăn lợn thì thôi bò, gà, phỏng ạ?

Vì vậy, thay vì nghiên cứu các chiến lược phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm, Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm xây dựng chiến lược “giải cứu các sản phẩm khủng hoảng thừa”. Cần phải làm gấp vì người dân đang cần “quy trình”. Chúng ta đã ăn dưa hấu, ăn hành, ăn lợn giải cứu không quy trình từ lâu lắm rồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.