Vận tải

Long Thành sẽ là thành phố sân bay siêu hiện đại

05/02/2019, 14:00

Tương lai không xa, Long Thành sẽ trở thành một Airport City (thành phố sân bay) tương tự như CHK Incheon của Hàn Quốc.

img
Ông Lại Xuân Thanh

Chia sẻ với Báo Giao thông trước thềm năm mới Kỷ Hợi 2019, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh khẳng định, tương lai không xa, Long Thành sẽ trở thành một Airport City (thành phố sân bay) tương tự như CHK Incheon của Hàn Quốc.

Trung tâm hàng không hàng đầu sắp hình thành

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, khi Tân Sơn Nhất trở nên đông đúc hơn bao giờ hết, người dân lại “mơ” tới một sân bay Long Thành hiện đại. Vậy, siêu dự án này đã triển khai đến đâu, thưa ông?

Từ tháng 6/2018, chúng tôi đã ký hợp đồng lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) với tư vấn JFV. Hiện tư vấn đã hoàn thành khảo sát địa chất, địa hình, thu thập dữ liệu; thiết kế cơ bản tất cả các hạng mục công trình của cảng; trong đó cập nhật các quy định hàng không mới nhất của ICAO và đang thực hiện thiết kế cơ sở; thiết kế hệ thống giao thông kết nối; phân tích và đề xuất các mô hình khai thác, mô hình tài chính; thu thập dữ liệu làm cơ sở thiết kế quy hoạch vùng trời. Hiện, ACV đã hoàn thành việc biên dịch, biên tập báo cáo giữa kỳ trình Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, ACV đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra đối với các công trình trọng điểm quốc gia và thực hiện các công việc thẩm định theo quy định của pháp luật.

Với tiến độ như vậy, dự kiến các công việc thẩm định và hoàn thiện hồ sơ FS sẽ được hoàn tất vào tháng 8/2019 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2019. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến, tháng 1/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án.

Là sân bay “sinh sau đẻ muộn”, theo ông đâu là sức hấp dẫn của Long Thành?

Đúng là CHK quốc tế Long Thành được hình thành và sẽ được đưa vào khai thác sau các CHK trung chuyển lớn trong khu vực như: ChekLapKok (Hồng Kông), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia). Điều này cũng đồng nghĩa với việc CHK quốc tế Long Thành sẽ phải cạnh tranh để thu hút khai thác của các hãng hàng không, thu hút thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế.

Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD. Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 là đầu tư xây dựng một đường cất/ hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Mặt khác, trong giai đoạn phát triển ban đầu, năng lực cạnh tranh của CHK quốc tế Long Thành sẽ gặp khó khăn do công suất thiết kế khi đưa vào khai thác năm 2025 mới chỉ là 25 triệu hành khách/năm so với 60-80 triệu, thậm chí 100 triệu hành khách/năm của các CHK quốc tế lớn khác trong khu vực. Hạ tầng phục vụ công nghiệp hàng không, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ thương mại... chưa được xây dựng đầy đủ.

Tuy nhiên, tôi khẳng định CHK quốc tế Long Thành có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để trở thành một trong những trung tâm hàng không hàng đầu khu vực, đang được sự quan tâm, có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư, sự mong mỏi của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Trước hết, Long Thành là CHK lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, một thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Việt Nam là đất nước hòa bình với dân số hơn 90 triệu người, nền chính trị, xã hội ổn định, không chịu tác động của các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc; kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, bền vững, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài; tiềm năng du lịch to lớn. CHK quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách, đi đến các châu lục như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và Châu Đại Dương, thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ, xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả.

Quy hoạch CHK quốc tế Long Thành hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết (5 nghìn ha) cho thời điểm hiện tại và trong tương lai để phát triển thành một trung tâm hàng không hiện đại, phát triển các dịch vụ hàng không, phi hàng không đầy đủ, đa dạng, phong phú, đặc biệt là phát triển mô hình “thành phố sân bay” (Airport City).

img
CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu

Hiện đại hơn Changi…

Ông vừa nói đến cụm từ “thành phố sân bay”. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về khái niệm này?

“Thành phố sân bay - Airport City” là một mô hình, định hướng quy hoạch và đầu tư xây dựng CHK quốc tế được cộng đồng hàng không quốc tế phát triển từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Định hướng này lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông thuận tiện như một đô thị (nhưng không phát triển về khu dân cư).

Trên thế giới, mô hình “thành phố sân bay” đang được phát triển một cách mạnh mẽ tại châu Âu, Đông Bắc Á, đặc biệt là tại Trung Đông. Tại khu vực, các CHK Kuala Lumpur, Singapore cũng được coi là những thành công của mô hình này.

Những công nghệ nào sẽ được áp dụng tại sân bay Long Thành, thưa ông?

Còn quá sớm để có thể nói cụ thể các công nghệ sẽ được triển khai cho CHK quốc tế Long Thành. Hiện, ACV đang chỉ đạo tư vấn lập FS thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ: “Dự án được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới” nêu tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.

Tôi có thể khẳng định CHK quốc tế Long Thành sẽ áp dụng công nghệ hiện đại không kém CHK Changi (Singapore), thậm chí phải hiện đại hơn vì mình đi sau, có cơ hội tích hợp, ứng dụng những công nghệ mới hơn.

Được biết, trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, Tư vấn và ACV dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ đề xuất ACV làm chủ đầu tư một số hạng mục thiết yếu của Long Thành bao gồm: Nhà ga hành khách, các hạng mục khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ…), hệ thống tra nạp nhiên liệu, đường trục trước nhà ga, nhà để xe, ga hàng hóa… ACV liệu có đủ năng lực tài chính để đảm nhận phần việc quan trọng này không, thưa ông?

Các hình thức huy động vốn để đầu tư giai đoạn 1 CHK quốc tế Long Thành đang được tư vấn nghiên cứu đưa vào FS để trình Chính phủ, Quốc hội lựa chọn, phê duyệt. ACV kiến nghị lựa chọn phương án không dùng ngân sách Nhà nước (ngoài các nguồn vốn ngân sách Nhà nước phục vụ công tác GPMB, xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng), trong đó ACV sẽ đảm bảo tự cân đối nguồn vốn để đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hàng không chính như khu bay (đường hạ/cất cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay), nhà ga và các công trình liên quan thuộc khu hàng không dân dụng; TCT Quản lý bay VN đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình bảo đảm hoạt động bay; các công trình cung cấp dịch vụ hàng không khác như bảo dưỡng tàu bay, xuất ăn hàng không, xăng dầu hàng không, logistics… và các công trình tiện ích khác theo mô hình Airport City thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Với tiềm lực tài chính cũng như uy tín, kinh nghiệm quản lý và khai thác các cảng hàng không hiện nay, ACV có thể cân đối nguồn vốn tự có đảm bảo 40- 50% tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 1 đối với các công trình thuộc trách nhiệm của ACV; phần vốn còn lại ACV sẽ huy động từ nguồn vay thương mại, đề nghị Nhà nước cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.