Doanh nghiệp

“Lột xác” sau CPH, cảng Quy Nhơn hấp dẫn khách hàng lớn

02/05/2018, 10:24

Tôn Hoa Sen cùng hàng loạt tên tuổi lớn của ngành xi măng Việt Nam, đối tác chiến lược quyết định “đổ bộ”...

44

Hệ thống cẩu trục chuyên dụng 200 tỷ đồng được cảng Quy Nhơn đầu tư, đưa vào vận hành năm 2018

Mới đây, tại hội nghị tri ân khách hàng (ngày 6/4), gần 500 đối tác, đại lý chiến lược của cảng Quy Nhơn đều đồng thuận ghi nhận sự đổi mới chất lượng dịch vụ, chi phí làm hàng cạnh tranh của cảng trong những năm qua, đặc biệt sau CPH, thoái hết vốn Nhà nước (từ sau năm 2015).

“Lột xác” sau cổ phần hóa

Thống kê cảng Quy Nhơn, thời điểm còn 100% vốn Nhà nước, hầu hết các thiết bị, cầu cảng của cảng đều cũ kỹ, lạc hậu, không đồng bộ. Trong tổng số gần 825m của 3 cầu cảng chỉ có 174m được xây dựng từ năm 2005, còn lại được xây dựng từ năm 1967-1995, thiết kế theo tiêu chuẩn cũ, làm hàng tổng hợp, không phù hợp đầu tư các thiết bị chuyên dùng; Hệ thống (12 kho bãi, với tổng diện tích là 25.000m2) manh mún… Nguồn ngân sách đầu tư hạn chế (chưa đến 50 tỷ đồng/năm) nên hệ thống thiết bị chậm được đầu tư, với hơn 70% số thiết bị được sản xuất từ năm 1999, sử dụng diesel làm tăng chí phí vận hành; chưa có thiết bị làm hàng container. Ngoài ra, chất lượng lao động hạn chế, công tác quản lý lạc hậu, thủ công, sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh...

Tháng 7/2013, Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty CP Cảng Quy Nhơn.Tháng 8/2015, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã hoàn thành việc thoái hết vốn Nhà nước tại Công ty CP theo chủ trương của Chính phủ.

Lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho hay, ngay sau khi thực hiện chủ trương CPH, cảng dồn lực đầu tư, nâng cấp thiết bị, quản lý vận hành. Từ sau năm 2015, cảng Quy Nhơn tăng vốn đầu tư từ gần 50 tỷ đồng (giai đoạn 100% vốn Nhà nước) lên bình quân 200 tỷ đồng/năm, tăng gần 315% so với giai đoạn trước CPH. Riêng năm 2016-2017 cảng đầu tư trên dưới 280 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, cảng hợp tác đầu tư với đối tác lớn như: Xi măng Vissai Ninh Bình, Xi măng Vicem Hải Vân... để mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng.

Thiết bị được đầu tư, cầu cảng, kho bãi được nâng cấp, bộ máy tổ chức sát nhập, tinh gọn, chất lượng lao động tăng 10% tỷ lệ CBCNV trình độ cao đẳng trở lên so với trước CPH, quản lý minh bạch, chuyên nghiệp hóa, tự động hóa, cơ chế đột phá trong thu hút, chăm sóc khách hàng... góp phần tạo đà tăng trưởng bền vững, mạnh mẽ cho Cảng Quy Nhơn. Chỉ riêng hệ thống hút hàng xi măng rời (tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng) đã tăng gấp 5 lần so với công suất hiện tại, đáp ứng trung bình 1-3 triệu tấn/năm; thiết bị cầu nâng-băng tải dăm gỗ công suất 400 tấn/h giảm 45-50% thời gian giải phóng tàu; các ngoạm hàng rời tự đồng điểu khiển từ xa tăng năng suất xếp dỡ từ 200 - 250 tấn/máng/ca thành 700 tấn/máng/ca... Việc xếp lại, hợp lý hóa các dây chuyền sản xuất đã tăng hiệu suất làm việc của công nhân xếp dỡ tăng từ mức 50 % trước đây lên đến 75 % hiện nay...

45

 

Hút mạnh khách hàng lớn

Sự đổi mới của cảng Quy Nhơn những năm gần đây đã thu hút hàng loạt khách mới, có sản lượng cao như: Tập đoàn Hoàng Phát Vissai, Vicem Hải Vân, Tập đoàn Xi măng Phúc Sơn… với sự đa dạng về mặt hàng khai thác. Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long hợp tác triển khai đội tàu kéo đạt tiêu chuẩn phục vụ lai dắt tàu tại cảng biển Quy Nhơn. Thậm chí, những khách hàng “khó tính” từng rời bỏ cảng nay quay về làm hàng nhờ hiệu ứng của sự thay đổi, chuyển mình tích cực.

Đặc biệt, năm 2017, ghi dấu ấn đầu tư tại Bình Định khi Tập đoàn Tôn Hoa Sen “đổ bộ” vào tỉnh nhờ vai trò “cửa ngõ” Cảng Quy Nhơn, góp phần mở ra triển vọng lớn cho nền công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Dự kiến, những năm đầu, Tôn Hoa Sen đạt 500.000 tấn hàng hóa thông qua cảng. Sắp tới, chuyến tàu hơn 6,3 vạn tấn - lớn nhất trong số các tàu hàng vào cảng miền Trung sẽ được Tôn Hoa Sen cập cảng Quy Nhơn.

Vận hành cẩu trục 200 tỷ đồng, giảm nửa thời gian làm hàng

Trung tuần tháng 4 vừa qua, cảng Quy Nhơn chính thức vận hành hệ thống thiết bị xếp dỡ (2 cẩu trục STS, 5 cẩu RTG) hiện đại bậc nhất miền Trung với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng, “nhập ngoại” 100% từ Nhật... Theo đó, sẽ rút ngắn đến 1/2 thời gian của tàu neo đậu làm hàng tại cảng và tăng năng suất xếp dỡ với sản lượng gấp đôi so với hệ thống cẩu cũ trong thời gian qua từ 18moves/h/cẩu lên đến 36moves/h/cẩu. Đồng thời, tiết kiệm  thời gian làm hàng, giảm chi phí neo đậu cho khách hàng, đảm bảo tàu rời bến nhanh chóng kịp thời bắt kịp lịch trình đi nước ngoài đúng kế hoạch; rút ngắn thời gian làm hàng, giải phóng tàu nhanh góp phần lưu thông hàng hóa tại khu vực bãi cảng nhanh chóng và nâng cao tần suất khai thác tàu và chất lượng phục vụ.

Thống kê từ khi thoái hết vốn Nhà nước, cảng Quy Nhơn đạt bình quân có 9,67 hãng tàu/năm (tăng 124,9% so với giai đoạn trước CPH), có hơn 510 khách hàng/năm (tăng gần 30% so với trước CPH)... Dù bị cạnh tranh khốc liệt nhưng mũi nhọn mặt hàng container tại cảng Quy Nhơn vẫn tăng trưởng. Năm 2017 đạt gần 112.000 TUEs, nâng mức bình quân sau CPH đạt được 94.729 TUEs/năm, tăng 52,3% so với giai đoạn trước CPH. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng luôn tăng trưởng bền vững từ 5,45 triệu tấn thông qua/năm (trước CPH) lên 7,2 triệu tấn/năm (sau CPH), tăng 32,1% so với giai đoạn trước CPH; Kéo theo tổng doanh thu tại cảng tăng bình quân 379 tỷ đồng/năm (trước CPH) lên 519 tỷ đồng/năm (sau CPH). Từ khi Nhà nước thoái hết vốn tại cảng (năm 2015 trở đi) bình quân đạt 526,67 tỷ đồng/năm, tăng 39% so với giai đoạn trước CPH.

Đáng kể, không chỉ gỡ gánh nặng đầu tư ngân sách Nhà nước (do thoái 100% vốn Nhà nước), mỗi năm sau CPH, cảng Quy Nhơn tăng mức nộp ngân sách cho địa phương lên gần 45 tỷ đồng năm 2017, tạo nguồn lợi lớn cho thu ngân sách địa phương. Đồng thời, tăng ổn định thu nhập cho gần 1.000 CBCNV, người lao động tại cảng, trong đó chủ yếu là người địa phương, từ mức bình quân đạt 11,88 triệu đồng/người/tháng (trước CPH), lên 14,4 triệu đồng/người/tháng (sau CPH), tăng 21,2% so với giai đoạn trước CPH.

Lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết: 5 năm tới, cảng dành 1.800-2.000 tỷ đồng đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa cảng Quy Nhơn: Xây dựng cầu cảng mới; triển khai dự án mở rộng cảng Quy Nhơn; dự án xây dựng cảng container nội địa... Cảng đặt mục tiêu giảm thời gian giải phóng tàu 30-50%, giảm giá thành khai thác cảng tối thiểu từ 15% trên mỗi đơn vị hàng hóa thông qua cảng, giảm giá thành khai thác cảng tối thiểu 15% trên mỗi đơn vị hàng hóa thông qua Cảng; đảm bảo năng lực hàng hóa thông qua cảng đến năm 2020 đáp ứng 12 - 15 triệu tấn/năm; làm tiền đề cho thực hiện định hướng đến năm 2030 năng lực đáp ứng 20 - 25 triệu tấn hàng hóa thông qua.

Tại Hội nghị người lao động cảng Quy Nhơn 2018 mới đây, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Bình Định Lê Văn Hồng đánh giá: Giải pháp đầu tư chiến lược của Cảng, tạo đà phát triển cảng bền vững sau CPH. Không khí lao động tại cảng đang ngày một đổi mới, đoàn kết, xích lại gần nhau. Những năm gần đây cảng không còn xảy ra tình trạng đơn thư… do năng suất lao động, thu nhập và các chế độ cho người lao động ngày một tăng cao, ổn định tâm lý, sản xuất. Ông Phạm Văn Lin, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải VN cũng ghi nhận: Trong bối cảnh một số cảng biển sau CPH giảm thu nhập của người lao động, cảng Quy Nhơn vẫn có mức thu nhập cho người lao động chỉ đứng thứ 2 so với các doanh nghiệp cảng thuộc tổng công ty và đứng đầu trong khối các doanh nghiệp cảng đã thoái hết vốn Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.