Xã hội

Luật Phòng chống tham nhũng sẽ không còn là “hổ không răng”

12/03/2018, 15:25

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng được kỳ vọng luật này sẽ không còn là "hổ không răng".

18

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định dự thảo lần này đã “sáng” hơn, tìm ra lối đi cho những bế tắc, bất cập còn tồn tại trong Luật cũ.

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường –Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, chủ trì nhóm nghiên cứu của Uỷ ban về Luật PCTN xoay quanh những bước tiến của dự luật lần này.

Sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của một cán bộ bất kỳ

Lâu nay không ít ý kiến ví von Luật PCTN của chúng ta như “hổ không răng”, vì luật quy định chế tài xử phạt rất nặng nhưng các biện pháp phòng ngừa, truy cứu lại thiếu tính khả thi. Muốn biến luật này thành “hổ có răng” với tính hiệu quả cao trong thực tiễn, theo ông, luật cần tiếp thu, sửa đổi những gì?

Về cơ bản, Luật PCTN ngay từ khi xây dựng có thể nói là luật tiến bộ, theo sát công ước quốc tế về PCTN. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam cũng như trong tổ chức thực thi, có ý kiến cho rằng Luật PCTN như” hổ không răng”, tính khả thi chưa cao nên lần sửa đổi này, luật đã khắc phục tính hình thức và những cái kém hiệu quả, thể hiện qua một số điểm mới nổi bật.

Thứ nhất, Luật tăng cường thêm quy định về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, sửa đổi cả cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Trước đây cơ quan nào tự kiểm soát ở cơ quan đó, nhưng như thế rất khó. Luật lần này hướng đến quy định có cơ quan độc lập một cách tương đối, đứng ở phía ngoài kiểm soát tài sản, thu nhập, nhằm mục đích kiểm soát tài sản minh bạch hơn.

Thứ hai, lần này ta tập trung vào những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao hơn, thay vì việc trước đây chúng ta rải ra kiểm soát tất cả đối tượng. Số lượng kê khai được mở rộng, nhưng tập trung hơn vào những người có hệ số chức vụ cao, hoặc những người ở vị trí, lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng thì đặt trong diện kiểm soát ngặt nghèo hơn. Làm thế tính khả thi sẽ tăng lên.

Thứ ba, căn cứ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, có căn cứ rộng hơn so với trước đây. Trước đây, chỉ khi nào có khiếu nại tố cáo hoặc có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới tiến hành xác minh tài sản, thu nhập, nhưng lần này Chính phủ đề xuất tiến hành xác minh tài sản thu nhập thông qua kiểm tra xác suất, tức là có thể tiến hành xác minh bất kỳ ai, nếu kê khai không trung thực thì rất dễ rơi vào “tầm ngắm”.

Thứ tư, trước đây với kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc không hợp lý thì chỉ kỷ luật được về Đảng và chính quyền, nhưng khối tài sản đó lại chưa có căn cứ xử lý. Vì thế, lần này ta đưa vào quy định để xử lý vấn đề đó, tăng cường tính khả thi.

Đặc biệt với quy định về trách nhiệm người đứng đầu, trước đây người đứng đầu nào kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng lại phải chịu trách nhiệm cho việc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình. Nhưng giờ có quy định trong trường hợp anh tích cực chống tham nhũng, anh kịp thời ngăn chặn, trừng trị tham nhũng thì anh được miễn trách nhiệm. Bởi nếu vẫn giữ quy định xử lý trách nhiệm với người đứng đầu khi phát hiện tham nhũng thì chắc chắn họ sẽ tìm cách che đậy, giấu đi và tự giải quyết với nhau.

Ngoài ra, còn các điểm mới liên quan đến trách nhiệm giải trình, hay những cải tiến liên quan tới vấn đề thanh toán qua tài khoản – một trong những biện pháp minh bạch nhất để quản lý dòng tiền chi tiêu của một người, qua đó sẽ phát hiện được ngay người nào chi tiêu bất thường, có tài sản bất thường…

Như vậy, Luật PCTN sửa đổi lần này luật đạt 3 mục tiêu: thể chế hoá quan điểm của Đảng, kết luận của Bộ chính trị về tăng cường công tác PCTN giai đoạn hiện nay; tiếp tục có những quy định bảo đảm phù hợp với công ước của LHQ về PCTN, một trong những nội dung của nó là mở rộng PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt mở rộng ra một số DN hay các tổ chức xã hội có quy mô lớn, có khả năng huy động nguồn lực cao. Mục đích thứ ba đạt được là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp 2013.

Tất cả những gì qua thực tiễn chúng ta đánh giá còn hạn chế, bất cập thì lần này dự thảo Luật đã đề ra phương án, giải pháp giải quyết các bất cập đó. Tuy rằng chưa hoàn toàn phù hợp hay thoả đáng nhưng đã đáp ứng một phần nhu cầu nào đó.

Giải quyết thế nào với tài sản bất minh?

“Chìa khoá” của Luật PCTN chính là việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay với việc xử lý tài sản bất minh của cán bộ công chức. Qua nghiên cứu, ông thấy biện pháp nào hữu hiệu giải quyết bài toán này?

Trong công tác đấu tranh PCTN, việc thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề quan trọng, nhưng bên cạnh đó, đấu tranh phòng ngừa tham nhũng cũng rất quan trọng. Hiện nay pháp luật đã có quy định về xử lý tài sản tham nhũng, tài sản do tội phạm mà có (do buôn bán ma tuý, buôn lậu), theo đó những tài sản này sẽ bị tịch thu.

Nhưng còn một loại tài sản nữa mà qua xác minh thấy có những người giàu lên một cách bất thường, và khối tài sản đó không rõ về nguồn góc, người ta không giải trình được thì ta chưa có quy định xử lý.Vì nó là tài sản tăng thêm bất thường, lại không giải trình được nguồn gốc nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ là tài sản từ tham nhũng, tài sản do phạm tội mà có.

Quan điểm khi chúng tôi nghiên cứu vấn đề này là phải có sự phân tích rõ, với tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc thì phải phân loại: có loại tài sản nếu kê khai không trung thực nhưng qua xác minh có nguồn gốc hợp pháp, là công sức lao động của người ta mà có thì không nên đặt vấn đề tịch thu, mà chỉ nên đặt vấn đề kỷ luật cán bộ công chức vì tội anh không trung thực với Nhà nước, có khối tài sản như vậy mà không kê khai. Nhưng khối tài sản đó không thể xử lý giống như khối tài sản bất minh được, vì đây là mồ hôi công sức của người ta, tức là sở hữu hợp pháp, mà sở hữu hợp pháp phải được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp, chúng ta không thể tịch thu.

Loại thứ hai là anh kê khai không trung thực và khi xác minh chúng tôi biết được có loại tài sản đó, nhưng anh không giải trình được nguồn gốc.Loại thứ ba là anh có kê khai nhưng khi người ta nghi ngờ tài sản đó có bất thường, người ta yêu cầu anh giải trình nguồn gốc nhưng anh không giải trình được tài sản tăng thêm một cách hợp lý. Với 2 loại này phải có cách xử lý riêng.

Từ những trường hợp như vậy mà có rất nhiều ý kiến khác nhau.Quan điểm của Chính phủ cho rằng, chúng ta coi đây là nguồn thu tăng thêm một cách bất thường so với khối tài sản hiện hành của anh, mà khối tài sản bất thường thì chưa nộp thuế thu nhập nên phải đánh thuế thu nhập.

Phải giả định một người đang quản lý khối tài sản nào đó thì đó là tải sản của người ta (trừ khi chứng minh được nó là khối tài sản bất hợp pháp). Trong trường hợp này, có thể yêu cầu người ta giải trình nguồn gốc, khi người ta chưa giải trình được nguồn gốc thì coi như đó là khoản thu nhập tăng thêm mà anh chưa nộp thuế cho Nhà nước và phải truy thu thuế với mức 45%giá trị tài sản. Đó là cách lập luận mà chúng ta nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài.

Nhóm nghiên cứu có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng riêng quan điểm của tôi, tôi cho rằng đây là vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, muốn tước đoạt nó thì phải bằng con đường tư pháp, qua toà án, qua trình tự tố tụng với các bên tranh luận trước toà, qua đó toà án sẽ phán quyếtgiải trình hợp lý hay không, tài sản đó thuộc về ai. Cách giải quyết hợp pháp, hợp lý nhất thì nên giải quyết bằng con đường tố tụng, qua toà án.

Phương án hai là tịch thu bằng con đường hành chính, không giải trình được nguồn gốc thì cơ quan kiểm soát tài sản tịch thu, nếu anh không đồng ý thì sau này khởi kiện ra toà để toà hành chính giải quyết.Nhưng thực sự để cho toà có thể phán quyết rằng hợp lý hay không thì chúng ta phải tăng cường kiểm soát tài sản thu nhập của toàn xã hội và công chức mới có căn cứ quyết tài sản của họ hợp lý hay không.

Nhưng có nhiều lo ngại nếu chúng ta áp dụng biện pháp truy thu thuế có nghĩa là tacông nhận tài sản bất minh, dung túng cho tham nhũng, thậm chí còn tạo khe hở “rửa tiền”?

Chính phủ đã lường trước vấn đề này. Chúng tôi đã đọc kỹ tờ trình của Chính phủ, trong đó quy định rõ nội dung, đây là người ta tạm tính. Vì đây là tài sản không chứng minh được nguồn gốc và cũng không chứng minh được nó bất hợp pháp nên phải giả định tài sản đó là của người đang quản lý, và họ là người sở hữu hợp pháp.

Giải định như vậy thì tức là anh có nguồn thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế nên phải truy thu thuế.

Vì thế, chính phủ đưa vào quy định rõ ràng trong Luật là việc nộp thuế này vẫn không loại trừ trách nhiệm hình sự và các trách nhiệm khác, cũng không hợp thức hoá tài sản đó.

Bằng những quy định đó thì có thể khẳng định, việc nộp thuế không có nghĩa là hợp thức hoá tài sản đó, mà trước mắt chúng ta tạm thu một khoản tiền do anh có thu nhập tăng thêm nhưng giải trình chưa hợp lý. Với phương án này ta cũng phải tính toán, xác minh rõ, phân biệt ra trường hợp nào nộp thuế rồi để tránh đánh thuế trùng lắp.

Công khai tài sản, phải bảo vệ lợi ích của người kê khai

Để giải quyết các vấn đề như ông nói, quan trọng nhất là làm sao để khiến mọi tài sản bất minh của quan chức phải bị lộ ra ngoài ánh sáng, bởi chúng ta không thể chấp nhận những cách giải thích như có biệt phủ, có ô tô tiền tỷ là nhờ buôn chổi đót, nuôi lợn gà hay chạy xe ôm?

Cái này lại liên quan đến vấn đề kê khai tài sản. Muốn rõ thì phải kê khai. Cán bộ công chức phải có nghĩa vụ kê khai tài sản một cách trung thực, nếu anh không kê khai trung thực thì đã có quy định xử lý. Theo đó, người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND kê khai không trung thực thì sẽ loại ra khỏi danh sách ứng cử, người đã được bổ nhiệm thì không được tiếp tục bổ nhiệm, người ứng cử để bổ nhiệm vào các chức danh quản lý Nhà nước thì không được bổ nhiệm, công chức kê khai không trung thực thì bị kỷ luật.

Vấn đề công khai bản kê khai tài sản của công chức để dân giám sát nhiều lần được đặt ra, nhưng vì sao dự thảo vẫn chỉ nghiêng về quan điểm chỉ chỉ công khai ở nơi thường xuyên làm việc, nơi công tác, thưa ông?

Hiện nay dự thảo quy định công khai tại nơi làm việc, nơi công tác; với người ứng cử ĐBQH và đại biểuHĐND thì công khai tại hội nghị cử tri và nơi cư trú. Chúng tôi cho rằng cái đó ở gốc độ nào đó đã thêt hiện sự công khai rồi, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu. Đây là nội dung quan trọng để chúng ta biết và giám sát.

Đã công khai thì ta phải quy định rất chặt chẽ.Vì ở đây, bản kê khai tài sản cho thấy sự trung thực của cán bộ công chức đối với Nhà nước, nhưng bên cạnh đó, nó cũng chứa đựng vấn đề liên quan tới bí mật cá nhân của từng con người, nó cũng liên quan tới sự an toàn về tài sản của từng cá nhân. Vì thế, chúng ta cũng phải quan tâm bảo vệ lợi ích của người kê khai nữa.

Ở nước ngoài cũng công khai minh bạch về tài sản thu nhập,nhưng họlàm khác. Ở ta hiện nay bản kê khai tài sản quy định rất chi tiết, rất rõ kê khai có bao nhiêu nhà, địa chỉ ở đâu, diện tích bao nhiêu… Nước ngoài họ kê khai không có địa chỉ cụ thể, chỉ nêu khoảng tài sản thu nhập một cách chung.

Vì thế, nếu nói về công khai minh bạch thì ta cũng phải thay đổi cách thức kê khai.

Làm Luật PCTN, người ta cũng bàn nhiều đến câu chuyện “sân sau”, hay việc cán bộ công chức tuồn tài sản cho người thân, cho vợ, con để hợp thức hoá. Lần này, chúng ta giải quyết câu chuyện này ra sao, thưa ông?

Đây là vấn đề tranh luận rất gay gắt, rất khó xử lý, một trong những mục tiêu là chúng ta phải tiến tới kiểm soát thu nhập của toàn xã hội mới giải quyết được thấu đáo được việc đó.

Có ý kiến cho rằng cán bộ phải kê khai tài sản của vợ, con đã thành niên, cha mẹ, của anh em… Nhưng chuyện này rất khó, không thực tiễn. Vì mỗi người trưởng thành tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình, tôi là cán bộ công chức tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm kê khai tài sản của tôi, nhưng tôi không thể chịu trách nhiệm kê khai tài sản của con tôi đã trưởng thành. Ví dụ con tôi, bố mẹ tôi có tài sản nhưng không nói cho tôi, tôi không kê khai được, đến khi phát hiện ra những việc đó lại kỷ luật tôi? Cái đó thì không được, vì chúng ta chưa có quy định nào như thế.

Đề xuất là thế nhưng thực tiễn đâu dễ thực hiện, nên hiện nay dự thảo Luật chỉ quy định cán bộ công chức có trách nhiệm kê khai tài sản của mình, vợ và con chưa thành niên còn phụ thuộc vào mình.

Để tránh việc tuồn tài sản thì hiện nay ta có nhiều giải pháp khác nhau nhưng quan trọng là phòng ngừa, xử lý, cùng với đó, khuyến khích người dân tham gia vào phòng ngừa tham nhũng.

Chúng ta đừng hy vọng Luật PCTN giải quyết được tất cả vấn đề, vì chống tham nhũng ở từng lĩnh vực còn phụ thuộc vào Luật chuyên ngành, ta phải thực hiện tốt những Luật đó mới chống được tham nhũng.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.