Xã hội

Lưu ý tỉnh Hải Dương "toàn tướng cả thì lãnh đạo ai?"

29/03/2017, 08:55

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã giải trình nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ...

11

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước chiều 28/3, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã giải trình nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, quản lý biên chế, vốn được dư luận rất quan tâm thời gian qua.

Đã kiểm điểm vụ Sở có 44 lãnh đạo

Lý giải về tình trạng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn công chức, ông Hiển dẫn lại ý kiến của ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ giải trình trước đó và cho hay, hiện toàn tỉnh có tỷ lệ 1,85 phó phòng/phòng, trong đó theo quy định được 2 phó phòng/phòng. Còn cấp huyện, theo Nghị định 37 có 3 phó/phòng, nhưng Hải Dương chỉ có 2,05 phó phòng/phòng. Sau khi rà soát, toàn tỉnh chỉ có 11 phòng vượt số lượng lãnh đạo cấp phòng.

Đề cập lại trường hợp 44/46 lãnh đạo tại Sở LĐ,TB&XH được báo chí phản ánh, ông Hiển cho biết, tỉnh đã kiểm điểm khắc phục. Ông Hiển cũng khẳng định, Sở LĐ,TB&XH Hải Dương mặc dù có thừa lãnh đạo cấp phòng, nhưng không phải có động cơ gì hay do hết nhiệm kỳ, mà việc bổ nhiệm này là trong suốt 5 năm. “Thỉnh thoảng, báo chí “ưu ái” lấy Hải Dương làm ví dụ. Nhưng tất cả chuyện này không có tỉnh nào tự nghĩ ra mà đều theo quy định”, ông Hiển nói và đề nghị cần có quy định rõ ràng về quản lý biên chế, nhưng không quy định quá cứng nhắc. Theo ông Hiển, biên chế phải quản, nhưng cũng phải lưu ý tình trạng “đời ông lãnh đạo này thích thì cho lên, nhưng lãnh đạo sau thì “chết”, vì đưa vào đã khó nhưng đưa ra lại càng khó hơn.

“Về bộ máy, cứ giao tỉnh được phép thành lập bao nhiêu sở, sở đó làm gì hay ghép sở nào với sở nào. Đừng tư duy trên có bộ nào thì ở dưới có sở đó, khiến địa phương vào thế bí, không năng động và sáng tạo được. Ví dụ, Hải Dương nếu cần thúc đẩy du lịch có tiềm năng thì có thể lập Sở Du lịch, còn nơi nào ít nông nghiệp thì cần gì phải có Sở NN&PTNT nữa”, ông Hiển kiến nghị và cho biết, vừa rồi Hải Dương quyết định mỗi phòng không quá 2 phó phòng, còn trường hợp đặc thù do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.

Đảm bảo quy định tỷ lệ nhân viên với lãnh đạo

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2016, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Hải Dương thực hiện giảm mỗi năm 1,7%, giao cho các đơn vị là 2.184 chỉ tiêu; Đến năm 2017, giao giảm còn 2.146 chỉ tiêu. Trong 2 năm 2016 và 2017, tổng biên chế giảm 73 chỉ tiêu.

Dẫn số liệu về số lượng công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên, ĐB Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội băn khoăn, khi chia trung bình thì cứ hơn 2 lãnh đạo thì có một nhân viên (635 người từ cấp phó phòng trở lên trong khi chỉ có 301 chuyên viên). ĐB Ngô Trung Thành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị làm rõ việc số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.

Ngoài ra, vừa qua kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ chỉ rõ Hải Dương có 213 hợp đồng làm công tác chuyên môn là không đúng. Ông Thành đề nghị tỉnh báo cáo việc thực hiện kết luận này đến đâu và phải chăng do không kịp tổ chức thi tuyển nên thiếu người làm dẫn đến “đành làm chưa đúng”? Trách nhiệm cơ quan thanh, kiểm tra như thế nào?

Giải trình tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Phạm Văn Tỏ cho biết, so với nhiều địa phương có cùng điều kiện thì Hải Dương có số lượng công chức rất thấp. Về số lao động hợp đồng nhưng lại được phân làm việc chuyên môn, ông Tỏ giải thích, do thiếu người nên có ký hợp đồng nhưng những người này chủ yếu cũng chỉ giúp việc là chính. Sau khi có kết luận của Bộ Nội vụ, tỉnh đã chỉ đạo chấm dứt số hợp đồng làm chuyên môn.

Kết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát cũng đồng tình với lý giải của tỉnh khi cho rằng, nếu tách số lượng lao động hợp đồng ra khỏi số công chức sẽ khiến cho nhiều người hiểu nhầm số lượng lãnh đạo cấp phòng nhiều hơn công chức theo tỷ lệ 2/1. Về số lượng lãnh đạo cấp phòng, ông Định nhấn mạnh, theo đề án của Bộ Nội vụ thì tới đây “biên chế không giảm cũng phải giảm” vì quy định bao nhiêu nhân viên thì có một phó phòng. “Việc này giống như việc có bao nhiêu lính mới hình thành một tiểu đoàn, bao nhiêu quân có 1 tướng, vì nếu toàn tướng cả thì lãnh đạo ai?”, ông Định nêu quan điểm và đề nghị địa phương hoàn thiện báo cáo, nhất là nêu rõ các kiến nghị, đề xuất để đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.