Bạn cần biết

Lý giải “cậu ấm nối dõi” và thói “độc quyền thờ cúng”

27/05/2015, 05:55

Có 1 con trai cũng là có con, có 10 con gái coi như không có con nào

images640763-t6-trongnamkhinhnu-1415122082783
 Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngày nay vẫn còn tồn tại

“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”

PGS.TS Ngô Văn Giá, trường Đại học Văn hóa cho biết, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại khá nặng nề trong thời kỳ phong kiến. Ban đầu nó xuất phát từ ý thức rất tốt, là người nam phải gánh vác các công việc lớn trong gia đình, là trụ cột của gia đình nên vai trò của người nam phải được đặt lên hàng cao hơn so với nữ.

Hơn nữa, quan điểm coi sinh con trai mới là con, đẻ nhiều con gái coi như tuyệt tự là vì nhằm xác định rõ ràng huyết thống, tránh tình trạng hôn nhân cận huyết làm hủy hoại nòi giống. Thời nhà Trần chúng ta rơi vào tình trạng hôn nhân cận huyết quá nhiều dẫn đến nhiều trẻ sinh ra bị quái thai, dị tật, mãi đến thời nhà Lê mới khắc phục được tình trạng này. Về sau này, do ảnh hưởng của Nho giáo, coi trọng phụ quyền nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ” càng trở nên nặng nề.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng cùng chung nhận định rằng, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” xuất phát từ ảnh hưởng của Nho giáo. “Trọng nam khinh nữ” nghĩa là coi trọng người nam, coi nhẹ nữ giới chứ không phải là “khinh thường” nữ giới. Từ thế kỷ XV khi nhà Lê chọn Nho giáo là tôn giáo duy nhất cho đến thời Nguyễn, Nho giáo ở Việt Nam “làm mưa làm gió”.

Quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (có 1 con trai cũng là có con, có 10 con gái coi như không có con nào) ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Phụ nữ phải “tam tòng tứ đức”, ấy thế nhưng đàn ông thì lại “năm thê bảy thiếp”. Rồi khi cha mẹ chết đi, chỉ con trai mới được quyền thừa kế. Trong mỗi gia đình, trưởng nam có vai trò vô cùng quan trọng. Chỉ trưởng nam mới được quyền thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Các con thứ làm gì cũng phải hỏi ý kiến trưởng nam.

Phụ quyền phát triển ở quốc gia chăn nuôi

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, các dân tộc khác nhau do hoàn cảnh kinh tế khác nhau dẫn đến quan niệm về phụ quyền cũng khác nhau. Đa phần ở những dân tộc có nguồn gốc chăn nuôi, săn bắt, chiến tranh trận mạc... thì quan niệm phụ quyền càng nặng nề do vai trò của người đàn ông quyết định phần lớn diễn biến đời sống, thậm chí là sự tồn vong của cộng đồng ấy nằm trong tay người đàn ông.

Còn với đất nước nông nghiệp như Việt Nam, vai trò của người phụ nữ ít nhiều cũng được thể hiện nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dù có nặng nề cũng chưa ghê gớm bằng nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, các dân tộc như người Dao, người Mông, quan niệm phụ quyền nặng hơn hẳn các dân tộc khác. Ngày xưa trong bộ luật Hồng đức có quy định người phụ nữ được quyền thừa kế, được quyền lấy chồng khác nếu chồng đi biệt xứ không tin tức gì... chứng tỏ rằng người phụ nữ đã được coi trọng hơn. 

Dần thay đổi nhận thức

PGS.TS Ngô Văn Giá cho biết thêm. Ngày nay, tàn dư của tư tưởng này vẫn còn là bởi sức trì kéo của truyền thống quá mạnh. Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực để thay đổi nhưng thành quả đạt được cũng chưa thực sự nhiều, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu vào đời sống, nếp nghĩ của con người cho đến tận ngày hôm nay.

ly-giai-cau-am-noi-doi-va-thoi-doc-quyen-tho-cung-
Hình ảnh minh hoạ

Còn GS.TS Ngô Đức Thịnh ngậm ngùi, ngày nay đã có những thay đổi, thành quả của cuộc đấu tranh bình đẳng giới đã có những bước chuyển nhất định, người phụ nữ có điều kiện tốt hơn để thực hiện quyền của mình. Trong quan niệm thờ cúng nói chung, không chỉ trưởng nam mà các con dù trai hay gái đều có quyền thờ cúng cha mẹ tổ tiên.

Tuy nhiên, quan niệm về sinh con trai hay con gái thì vẫn rất nặng nề, có những nơi mà sức ép sinh con trai hay con gái làm tan vỡ gia đình. Rõ ràng tư tưởng này đã ăn sâu bám rễ, dù có những người tân tiến, suy nghĩ tích cực hơn, thông thoáng hơn thì vẫn tồn tại những luồng quan niệm đối lập. Tư tưởng này không dễ gì phai mờ được, vì nó liên quan nhiều đến các vấn đề của đời sống như thừa kế, tài sản, nối dõi...

Xem ra, để thay đổi được quan niệm, cách nghĩ của nhiều người về sinh con trai, con gái, cần đến nhiều kênh thông tin khác nhau, trong đó tự nhận thức, phông văn hóa của mỗi người quyết định khá lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.