Điện ảnh

Lý giải sự phi lý trong phim hình sự Việt

18/04/2017, 08:40

Điều gì khiến phim hình sự Việt luôn có sạn và bị bạn đọc chỉ rõ những điểm phi lý?

23

Một cảnh trong phim “Cảnh sát hình sự

Phim nhiều “sạn”, kịch bản yếu

Theo giới làm phim, kịch bản luôn là vấn đề khiến nhiều nhà làm phim đau đầu vì thiếu và yếu. Với thể loại hình sự, điều này càng khó khăn hơn. Hầu hết phim hình sự phải có sự tham vấn của những người trong nghề. Như phim Luật giang hồ (2008) do nhà báo Nguyễn Minh Chí chắp bút. Toàn bộ tư liệu của kịch bản được thu thập trong quá trình anh làm báo, cùng những bài viết của anh đã đăng tải trên báo Tiền Phong. Kịch bản phim Cảnh sát hình sự: Câu hỏi số 5 (2015) cũng phải sửa lại 5-6 lần để có tính logic, hợp lý. Mỗi cảnh quay đều có người tư vấn về nghiệp vụ.

Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Cường nhìn nhận, trong ngành có rất ít người viết kịch bản phim. Do đó, đạo diễn thường phải tự mày mò và phải mời cố vấn hỗ trợ trong từng cảnh quay. “Đa số phim hình sự của chúng ta không quá đi sâu vào nghiệp vụ. Ngoài ra, nhiều người chê phim dài dòng, tiết tấu chậm một phần do kịch bản, phần khác do thiếu kinh phí”, đạo diễn Bùi Cường chia sẻ.

"Nếu nhà làm phim biết mời ngay chính những người lính Cảnh sát hình sự làm cố vấn cho bộ phim của mình, sẽ cho ra đời những tác phẩm hay hơn. Đừng quan trọng chức vụ hay cấp hàm của vị cố vấn, mà nên quan tâm vị đó có trưởng thành từ lực lượng hình sự hay không. Chỉ người trong cuộc mới có thể nói rõ nhất về công việc của mình”.

Trung tá, nhà văn
Đào Trung Hiếu

Có lẽ vì thế, hầu hết phim hình sự đều mắc phải “tấn sạn”, chủ yếu là lỗi nghiệp vụ. Thượng tá, NSƯT Khương Đức Thuận chỉ ra, trong lực lượng công an, người cấp úy có cổ áo đeo cành tùng trắng bạc, khuy trắng. Nhưng trong nhiều phim, người cấp úy lại mặc quân phục cành tùng vàng (vốn dành cho cấp tá). Phim Vật chứng mong manh, cấp trên và cấp dưới lại xưng hô bố - con. Công an không xưng hô dân dã như thế. Chỉ riêng những lỗi nhỏ thế này đã khiến người có chuyên môn xem phim rất khó chịu.

Trung tá, nhà văn Đào Trung Hiếu cho biết, đa số phim hình sự đều mắc lỗi nghiệp vụ, bởi lĩnh vực hình sự mang tính khu biệt, không phải ai cũng tiếp cận được. Những câu chuyện trong phim có kết cấu nội dung lỏng lẻo, chưa tới, không logic theo sự phát triển của sự kiện và tâm lý nhân vật, nên xem tập 1 đã có thể đoán được tập cuối. Nhiều tình tiết vì biên kịch tưởng tượng ra, lại không hiểu về nghề hình sự nên rất ngô nghê. “Tội phạm sử dụng bạo lực thái quá, xăm trổ là không đúng, vì tội phạm tầm cao bây giờ đa số là tri thức. Hay công an lúc nào cũng đẹp lại càng sai. Cảnh sát hình sự đôi khi phải giống tội phạm hơn tội phạm”, nhà văn Đào Trung Hiếu nhận xét.

Lý giải về điều này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC thừa nhận, điều kiện tác nghiệp với thể loại này còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa có trường quay chuyên nghiệp để dàn dựng, phương tiện làm phim còn thiếu. Về tính nghiệp vụ, người làm phim không được phép mô tả kỹ và cụ thể từng chi tiết điều tra. Anh cũng cho rằng, điều cốt yếu trong phim hình sự là các tình tiết quan trọng luôn tạo ra sự thuyết phục để các nhân vật bộc lộ diễn biến tâm lý, khán giả bị lôi cuốn theo sự kiện hay cách nhân vật hành động, chờ đợi kết thúc xem kẻ nào gây án.

Bước tiến mới của phim hình sự

Kinh phí luôn là vấn đề khó với phim truyền hình Việt Nam nói chung và phim hình sự nói riêng. Một phim truyền hình Việt thường được đầu tư kinh phí hơn 100 triệu đồng/tập, hoặc cao là 250 triệu đồng như phim Những đứa con biệt động Sài Gòn 2. Mức kinh phí này nếu để làm phim hình sự thì khó làm tốt được. Đạo diễn Bùi Cường kể, trong phim Săn vàng, đoàn phim phải thuê những gian hàng mặt tiền, rồi mua các dụng cụ rẻ tiền ở chợ về dựng bối cảnh. Trong nhiều cảnh bắt tội phạm cũng phải chuyển cảnh để đỡ tốn kém.

“Muốn có phim hình sự đúng tiêu chuẩn thì kinh phí rất lớn. Những cảnh xe cộ đuổi nhau, lộn nhào không đủ kinh phí để làm. Khi làm phim tôi đều phải trốn các cảnh đó, thành ra phim bị mất tính chân thực. Nghèo tiền bạc nên khâu xử lý cũng không đến cùng. Chưa kể nếu không có sự giúp đỡ của cơ quan trong ngành lại càng khó khăn”, ông tâm sự.

Mới đây, phim Hồ sơ lửa - Mật danh Đ9 ngay khi ra mắt đã gây chú ý với kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng. Các vụ án được xây dựng từ những chuyện có thật, do đội ngũ nhà báo kỳ cựu của Báo Công an TP Hồ Chí Minh chắp bút. Phim được các cơ quan công an hỗ trợ về quân trang, quân cụ, bối cảnh và chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng là phim truyền hình hiếm hoi được thu âm đồng bộ và được phản hồi tốt nhờ chú trọng dàn dựng tiết tấu nhanh, gấp khúc.

Bộ phim Người phán xử đang gây chú ý trên VTV3 được đạo diễn Đỗ Thanh Hải đánh giá đạt chuẩn về kỹ thuật lẫn nghệ thuật, ngang ngửa những bộ phim VFC từng hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, trước đây, những người làm phim khá thận trọng khai thác các vụ án và những tình tiết liên quan nhiều đến tội phạm. Chủ yếu đề cập quá trình phá án, những tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ cảnh sát hình sự. “Hiện tại, khán giả có nhiều sự lựa chọn hình thức giải trí và được xem nhiều bộ phim truyền hình, điện ảnh của nước ngoài nên có sự so sánh, đòi hỏi sự thay đổi cách làm phim, hướng khai thác câu chuyện để có sự mới mẻ. Người phán xử là một trong những thể nghiệm của VFC, mạnh dạn khai thác đề tài này dưới cách tiếp cận của những người sáng tác trẻ”, anh chia sẻ.

Còn Trung tá Đào Trung Hiếu thẳng thắn: “Hãy làm phim đúng như thực tế cuộc sống, đừng né tránh những góc khuất và mặt trái. Bởi, nếu dám nói, dám đưa ra và xử lý tốt, người xem sẽ hiểu được sự cam go, khốc liệt của cuộc chiến đấu chống tội phạm, từ đó có thái độ ủng hộ và thêm tin yêu những chiến sĩ cảnh sát hình sự chân chính”.

Trong phim Bão ngầm do Trung tá Đào Trung Hiếu viết kịch bản và làm phó đạo diễn sẽ mời trực tiếp cố vấn là những tên tuổi của lĩnh vực hình sự Hà Nội và làng văn, võ cổ truyền Việt Nam. Phim cũng sẽ dùng chính những người làm nghề tham gia. Trước đó, nhiều phim cũng áp dụng phương pháp này khi mời những chiến sĩ công an thật vào phim như: Bí mật tam giác vàng (2013), Cảnh sát hình sự: Câu hỏi số 5. Khi quay Những đứa con Biệt động Sài Gòn, NSƯT Khương Đức Thuận cũng mời trực tiếp những chiến sĩ từng bắt Năm Cam tham gia cảnh quay này trong phim.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.