Thị trường

“Ma trận” rượu ngoại biếu Tết

06/02/2015, 07:43

Người tiêu dùng ngày càng hoa mắt trước “ma trận” rượu ngoại khi rượu không tem, có tem bày bán lẫn lộn.

41
Rượu ngoại khó phân biệt thật, giả

Nghi ngờ chênh lệch giá

Chị Quỳnh Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) loay hoay suốt buổi trưa vẫn chưa mua xong chai rượu ngoại để đi biếu. “Tôi định mua một chai Remy Martin XO loại 700ml, nhưng trên Nguyễn Siêu họ báo giá 2 triệu đồng, chạy qua Thái Hà giá 2,2 triệu đồng, xuống Hàng Buồm lại chỉ có 1,8 triệu. Chai nào nhìn cũng như nhau, tem nhãn đầy đủ cả, mà giá lại mỗi nơi một kiểu.”

"Khi mua rượu ngoại, khách hàng nên yêu cầu cửa hàng có hóa đơn để chống hàng giả, hàng nhái và chống trốn thuế trong hoạt động kinh doanh”.

Ông Trần Hùng
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Thử khảo giá một chai rượu Chivas 21 loại 750 ml, PV Báo Giao thông cũng nhận được những báo giá hoàn toàn khác nhau. Tại 34 Nguyễn Siêu, giá chai rượu này là 2,24 triệu đồng, tại 174 Thái Hà lại có giá 2,19 triệu đồng, nhưng tới ngõ 168 Hào Nam, giá chai rượu này lên tới 2,58 triệu đồng. Tại ngõ 168 Hào Nam, khi chúng tôi hỏi vì sao chai rượu này có giá đắt hơn các nơi khác 500 nghìn đồng, nhân viên bán hàng khẳng định: “Đây là hàng xịn xách tay nên giá đắt hơn”. Tuy nhiên, đến một cửa hàng trên phố Trần Cung, chúng tôi được báo giá chai rượu này chỉ 2 triệu đồng. “Chị mua của người quen, họ được biếu không dùng, đem thanh lý giá rẻ nên chị cũng bán rẻ thôi”, người bán hàng nói.

Chỉ một đoạn ngắn trên phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng chục cửa hàng bày bán các loại rượu nhập khẩu luôn tấp nập khách ra - vào. Tuy nhiên, giá bán các loại rượu ngoại của các cửa hàng cũng chênh nhau từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. “Cửa hàng nào lãi nhiều thì lấy giá cao, cửa hàng nào lãi ít thì lấy giá thấp hơn, mấy triệu đồng một chai rượu, dễ gì làm giả được”, nhân viên cửa hàng Ngân Tân cho hay.

Hoang mang tem nhãn

Thị trường rượu ngoại hiện có tới hàng trăm loại, từ dòng cao cấp như: Chivas, Johnnie Walker, Whisky, Remy, Cognac... bán khoảng vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng/chai đến các loại vang giá chỉ khoảng 100-500 nghìn đồng/chai. Tuy nhiên, tại các cửa hàng bán lẻ, rượu có tem, không tem được bày bán lẫn lộn, với lời giải thích: “Rượu không tem là hàng xách tay, có tem là hàng phân phối trong nước, hàng xách tay không phải đóng thuế nên giá rẻ hơn”.

Thấy tôi loay hoay với vấn đề tem và không tem, chủ cửa hàng rượu Ngân Tân trên phố Hàng Buồm cười nhạt: “Thích tem thì khắc có tem, chúng tôi bán hàng lấy uy tín là chính, chứ tem nhãn giờ mua đâu chả được, đầy hàng có tem mà là tem giả bị bắt đấy”.

Anh Hải, chủ đại lý Hải Hường ở Cầu Giấy cho hay, mấy năm trước anh có kinh doanh rượu ngoại cao cấp, nhưng do rượu giả quá nhiều, bản thân người bán cũng không phân biệt nổi. Vì thế, những năm gần đây, anh chỉ kinh doanh rượu vang là chính. “Giờ muốn mua rượu ngoại xịn, chỉ có cách mua hàng còn nguyên túi mác của cửa hàng miễn thuế, có hóa đơn kèm theo thì mới yên tâm”, anh Hải chia sẻ.

Ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho hay, càng về cuối năm, số lượng rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều. Cùng với đó là việc sản xuất tem rượu giả cực kỳ tinh vi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch nên rất khó phân biệt bằng mắt thường. Như ngày 4/2, Đội Quản lý thị trường số 33, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện được lô hàng rượu giả, rượu lậu, mà khi đi giám định, kết quả 100% là tem giả.

“Ngay cả với các cơ quan chức năng, muốn phân biệt được đâu là là rượu thật, giả phải thông qua giám định, vì vậy người tiêu dùng rất khó phát hiện. Do đó, khi mua các sản phẩm rượu ngoại, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm đến các cửa hàng có uy tín, nơi ủy quyền của nhà sản xuất; Chọn mua các chai rượu đóng đầy, sát nắp chai; Chọn rượu có tem nhỏ điền rõ nhà nhập khẩu”, ông Hùng khuyến cáo. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.