Xã hội

"Mái ấm" của người nghiện hoàn lương

05/12/2014, 07:08

Ở TP Hải Phòng có một câu lạc bộ (CLB) mang tên "Kết nối thành công" dành cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, cùng nhau làm ăn, ổn định cuộc sống.

Anh Thắng (bên phải) sửa xe cho khách
Anh Thắng (bên phải) sửa xe cho khách

Mái ấm hòa nhập cộng đồng

Cửa hàng sửa chữa xe đạp điện, xe máy của anh Phạm Hùng Thắng, 39 tuổi, ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng có trưng băng rôn với dòng chữ “Kết nối thành công” luôn tấp nập khách đến sửa xe. Đây là một mô hình sinh kế hiệu quả của CLB “Kết nối thành công”, nơi quy tụ những người từng cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục, lao động và xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên). Trong CLB này, có nhiều mô hình kinh doanh như: Làm trang trại chăn nuôi, xưởng mộc, cơ khí, sửa chữa máy nổ, lập công ty lữ hành...   

"Hiện tỷ lệ người tái nghiện ở mức cao, công tác quản lý và giúp đỡ người sau cai tại cộng đồng còn chưa hiệu quả, nên CLB “Kết nối thành công” tự “cứu lấy mình”, dựa vào nhau để dần hòa nhập cộng đồng”.

Ông Nguyễn Quang Toàn Giám đốc Trung tâm

Giáo dục, lao động và xã hội Hải Phòng 

Anh Thắng tâm sự, CLB này là “mái ấm” thứ hai nâng đỡ tinh thần anh và các thành viên vượt qua khó khăn trong con đường hòa nhập cộng đồng. Trong CLB, có anh Lê Trung Tuấn, 37 tuổi đã vươn lên làm giám đốc một công ty du lịch. “Hiện anh Tuấn ở Hà Nội nhưng vẫn xuống Hải Phòng sinh hoạt với chúng tôi”, anh Thắng cho hay.

Gia nhập CLB “Kết nối thành công”, những người cai nghiện trở về có thể làm độc lập hoặc cùng nhau hùn vốn làm ăn, ai thiếu vốn có thể được CLB tạo điều kiện cho vay. Chủ nhiệm CLB Nguyễn Văn Lâm, 55 tuổi cho biết, CLB hiện có 37 thành viên, thành lập từ tháng 10/2013, cứ ba tháng lại sinh hoạt một lần, còn các nhóm chia theo địa bàn quận, huyện thì tổ chức họp hàng tháng. Tại cuộc họp, mọi người cùng nhau làm bản kiểm điểm cá nhân, nêu rõ những khó khăn, công việc đã và chưa làm được. 

“Mình phải làm như vậy để kịp thời nắm bắt tâm tư của anh em, từ đó mọi người mới bảo ban nhau làm ăn, tránh xa những cám dỗ có thể khiến tái nghiện”, anh Lâm nói. 

Nói không với tái nghiện

Anh Thắng cho biết, cai nghiện đã khó, chống tái nghiện còn khó hơn. Bản thân anh Thắng sinh ra và lớn lên nơi chân cầu, vốn là địa bàn phức tạp, tập trung nhiều đối tượng giang hồ, nên anh “dính” ma túy từ năm 1990. Ngày càng lún sâu vào “cái chết trắng”, năm 1994, chàng trai trẻ đang ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” chuyển sang chích heroin khiến cơ thể “thân tàn ma dại”, chỉ nặng 45 kg. 

Nghiện ma túy, đồ đạc trong nhà lần lượt “đội nói ra đi”, năm 1995, anh đi cải tạo bốn năm ở trại giam Phi Liệt, huyện Thủy Nguyên vì tội trộm cắp. Ở tù, nhìn dáng vẻ tiều tụy của mẹ và anh chị đến trại giam thăm nuôi, anh Thắng quay mặt khóc thầm vì hối hận, chỉ mong tới ngày mãn hạn tù để làm lại cuộc đời.

Ra tù, anh đi cai nghiện ở Trung tâm Gia Minh. Trong hành trình cai nghiện của mình, anh liên tục bị những người bạn xấu dụ dỗ tái nghiện, nhưng anh quyết tâm từ bỏ ma túy để làm người lương thiện. Anh cho rằng, mình may mắn hơn nhiều người cùng cảnh ngộ khi được sự động viên của người thân trong gia đình, nhất là người vợ. Hiện nay, anh chị đã có một cậu con trai.

  Anh Lâm cho biết, nếu ai bị tái nghiện, CLB sẽ phải ra “tối hậu thư” cam kết quyết tâm cai và CLB sẽ không bỏ rơi, sẽ tạo điều kiện quay lại trung tâm cai nghiện miễn phí. “Vừa rồi CLB có hai người tái nghiện. Hai người này trước làm ở xưởng sửa chữa của tôi, hiện đang tự cai ở nhà. Chúng tôi có ban kiểm soát kiểm tra thường xuyên, vẫn trả lương đều như hồi còn làm việc để giáo dục, động viên họ vững bước làm lại”, anh Lâm nói. 

Duy Nghĩa  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.