Chất lượng sống

Mang công nghệ y tế về bản làng cao nguyên Đắk Lắk

10/12/2018, 08:00

Phần mềm MMS.NET không chỉ giúp đội ngũ y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thực hiện tốt công tác...

15

Công nghệ phủ sóng đến trạm y tế trên cao nguyên Đắk Lắk

Ý tưởng từ “bức xúc” thực tế

Mới đây, nhóm các bác sĩ ngành Y tế Đắk Lắk đã nhận giải khuyến khích cuộc thi “Y tế thông minh năm 2018” cho Phần mềm “Ứng dụng CNTT xây dựng phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (MMS.NET). BS. Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài xuất phát từ thực tế việc ứng dụng CNTT chủ yếu triển khai ở một số bệnh viện huyện, tỉnh - nơi có nhiều kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và lực lượng lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, tại các trạm Y tế xã phường cơ sở vật chất, nhân lực đã nghèo nàn lại chưa được quan tâm đúng đủ, vì các số liệu báo cáo từ trạm y tế không đồng nhất, sai số nhiều. Vấn đề này khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn vì không có công cụ dự báo để khoanh vùng dịch bệnh. Việc tính toán và xử lý số liệu báo cáo thủ công mất quá nhiều thời gian, từ đó dẫn đến công tác khám chữa bệnh bị ngưng trệ và hao tốn nguồn lực. 

Từ ý tưởng trên, ngành Y tế địa phương đã tổ chức một hội thảo chuyên ngành. Qua đó, nhận thấy rằng: Để xây dựng thành công giải pháp quản lý tổng thể, nhất quán cho ngành Y tế địa phương cần phải xây dựng hệ thống từ dưới lên chứ không phải từ trên xuống. Và phần mềm MMS.NET đã được xây dựng.

Ông Long chia sẻ, từ tháng 6/2015, tại Đắk Lắk có 29 Trạm y tế vận hành chính thức (trong đó 21 trạm y tế trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và 8 trạm y tế huyện Cưkuin) và 3 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông với quy mô 200 giường bệnh; Trung tâm Da liễu tỉnh Đắk Lắk; Bệnh xá Sư đoàn 9 - thuộc Quân đoàn 4, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).  

Trước kia, khi chưa có phần mềm, tất cả các hồ sơ bệnh án, chỉ định, đơn thuốc, sổ thuốc, sổ khám bệnh, tiêm chủng, phòng dịch… phải làm thủ công. Khổ nhất là 12 cuốn sổ ghi chép về nghiệp vụ hàng ngày phải ngồi tra cứu và chép lại toàn bộ từ số liệu có được trong cả tháng. Sau đó phải cộng  lại và phân loại thủ công ra 10 báo cáo y tế để nộp về Trung tâm Y tế huyện. Tại trung tâm cũng sẽ nhập vào Excel số liệu toàn huyện từ 10 báo cáo đó rồi cộng lại thành báo cáo của huyện để nộp lên Sở Y tế. Chưa nói đến độ chính xác của dữ liệu, việc sửa đi sửa lại gây mất thời gian, tốn kém mà số liệu có qua nhiều bản sao nhiều lúc không thể kiểm soát được.

Về khâu khám chữa bệnh và dược phẩm, cuối tháng kết sổ ngồi làm cả tuần chưa xong bảng kê. Làm xong có sai sót lại điều chỉnh cho khớp với số liệu thanh quyết toán BHYT, khớp với số liệu tồn kho. Trong đó, việc thất thoát một vài chứng từ trên giấy nhiều lúc không tìm ra được phải bồi thường thiệt hại.  

Tuy nhiên, từ khi triển khai giải pháp phần mềm việc tổng hợp báo cáo và kiểm tra số liệu chỉ thực hiện 5 phút là hoàn tất. Bệnh nhân vào khám bệnh chỉ cần đọc tên là tra cứu ra ngay. Toàn bộ hồ sơ bệnh sử được lưu trữ trên máy và có thể truy xuất bất kỳ lúc nào. Đặc biệt, việc liên thông giám định thanh toán BHYT và liên thông dữ liệu khám chữa bệnh được chủ động cập nhật nhanh chóng, đúng tiến độ theo quyết định, thông tư của Bộ Y tế.

Gian nan thực hiện đề tài “tay trái”

Vừa làm bác sĩ, vừa làm quản lý nhưng ông Long cùng các đồng nghiệp lại “lấn sân” sang nghiên cứu phần mềm nên đã gặp không ít khó khăn, thậm chí “đã nhiều lần tính đến chuyện “bỏ dở giữa chừng”.

“Bởi lẽ, hàng ngày khối lượng công việc của tôi nhiều cộng với áp lực rất lớn. Tôi vừa phải đảm bảo quản lý tốt các đơn vị chăm lo sức khỏe của bệnh nhân, vừa phải tiếp nhận và xử lý nhiều chỉ thị, quyết định, công văn từ các cấp nên thời gian dành cho việc nghiên cứu không nhiều, chủ yếu phải làm ngoài giờ. Mặt khác, dù nắm rất rõ về quy trình nghiệp vụ quản lý từ các tuyến, nhưng khi mô phạm lại những đặc tả đó cho đội ngũ phụ trách lĩnh vực lập trình thì họ không thể nắm bắt ngay 100% ý tưởng của mình. Vì vậy, phải dùng phương pháp thử - sai - thử lại - làm lại khá nhiều lần để hoàn thiện ứng dụng”, ông Long cho biết.

Mặt khác, chuẩn dữ liệu HL7 hoàn toàn mới so với CNTT Y tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chuyên nghiệp còn chưa làm được nên tư liệu nghiên cứu rất ít, do đó có phần chậm hơn so với tiến độ đề ra (đã phải xin gia hạn thêm 6 tháng nữa). Cùng với đó, phạm vi nghiên cứu có giới hạn, nhưng thực tế ứng dụng rộng hơn rất nhiều, đòi hỏi phải liên tục cập nhật và mở rộng phạm vi ứng dụng cho đến khi đạt được mục đích quản lý từ thực tế.

Phần mềm này tích hợp các ứng dụng chạy trên nền Android giúp cho cán bộ điều dưỡng, y tá có thể cập nhật thông tin chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại giường bệnh; bác sĩ có thể duyệt lại y lệnh và phiếu lĩnh thuốc thông qua giao diện điện thoại, máy tính bảng. Phần mềm ngoài nhận giải thưởng Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, nhóm tác giả còn được nhận Danh hiệu Sao Khuê 2018.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.