Sản phẩm mới

Máy bay chống ngầm P-1: Khắc tinh của tàu ngầm Trung Quốc?

04/07/2015, 05:14

Máy bay săn ngầm P-1 áp dụng tiến bộ công nghệ mang tính cách mạng đang uy hiếp mạnh đội tàu ngầm Trung Quốc.

1.1
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trưng bày máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 ở căn cứ Atsugi, Kanagawa

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 1/7 đưa tin, theo báo Nhật, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vừa lần đầu tiên công khai với báo chí về bên trong khoang chiếc máy bay tuần tra săn ngầm động cơ phản lực nội địa P-1 đầu tiên ở căn cứ Atsugi, Kanagawa.

Theo báo Nhật, khoang lái máy bay tuần tra săn ngầm P-1 được công khai lần này được lắp nhiều màn hình hiển thị số hóa, thân máy bay dài khoảng 38m, giữa thân có thiết bị dò tìm tàu ngầm mới, mặt bên sau khoang lái lắp thiết bị phân tích dữ liệu của máy dò tìm.

P-1 là sản phẩm của công ty công nghiệp nặng Kawasaki (Kawasaki Heavy Industries), giá thành mỗi chiếc khoảng 20 tỷ yên (khoảng 210 triệu USD). Số máy bay P-1 này sẽ thay thế cho hơn 80 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3 Orion đã cũ, hiện đang sử dụng trong lực lượng hải quân Nhật Bản.

Máy bay có chiều dài 38m, sải cánh 35,4m, chiều cao 12,1m, kích thước lớn hơn nhiều so với P-3, tổ lái gồm 2 phi công và 11 người trong phi hành đoàn. Nó có tải trọng cất cánh tối đa 79,7 tấn, cao hơn tải trong của Orion rất nhiều (56 tấn) nên chứa được nhiều vũ khí và thiết bị trinh sát hơn.

1.2
Trên chiếc máy bay trị giá khoảng 20 tỷ yên này được trang bị hàng loạt hệ thống điện tử dùng cho trinh sát, tác chiến đánh địch cực kỳ hiện đại.

Máy bay P-1 được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt XF7-10 của công ty IHI của Nhật sản xuất, có công suất 6,1 tấn, độ bền rất cao lại tiết kiệm nhiên liệu. Thiết kế 4 động cơ giúp P-1 đạt tốc độ tối đa 996 km/giờ, tốc độ trung bình 833 km/giờ và tầm bay xa 8.000 km, bán kính tác chiến 3500km với trần bay 13,52km.

Tốc độ của P-1 đã vượt qua tốc độ của loại máy bay chống ngầm tiên tiến nhất của Mỹ là P-8A Poseidon, loại máy bay Mỹ chỉ đạt vận tốc cao nhất là 900km. Ngoài ra, trần bay của P-1 cũng nhỉnh hơn so với P-8A, nó chỉ kém ở tham số tầm bay xa 11.000km, bán kính tác chiến 4800km của P-8A.

Theo giới thiệu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, độ cao, tốc độ tuần tra của P-1 gấp 1,3 lần máy bay tuần tra hiện có P-3C, khoảng cách bay liên tục gấp khoảng 1,2 lần, tương đương 8.000 km. Nhanh chóng phát hiện, truy lùng và tiêu diệt tàu ngầm địch, đây là một yêu cầu rất quan trọng đối với các loại máy bay chống ngầm, đáp ứng được yêu cầu tác chiến của chiến tranh hiện đại.

1.4
Nhật Bản sở hữu rất nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C, nhưng sẽ được từng bước thay thế bởi máy bay P-1. Philippines cũng đang muốn sở hữu máy bay P-3C của Nhật Bản.

Do máy bay P-1 có thể bay trong mây mưa, không dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, P-1 có thể đến vùng trời khu vực mục tiêu nhanh hơn.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng: "Nhật Bản khoe năng lực dò tìm tiếng ồn thấp của máy bay P-1 mạnh, nhất là năng lực phát hiện tàu ngầm chạy êm tương đối mạnh".

Ông này nói, là sản phẩm nâng cấp thay thế P-3C, P-1 thực sự có không ít tiến bộ công nghệ mang tính cách mạng, chẳng hạn truyền dẫn bằng tín hiệu quang học (FBL) trên hệ thống thao tác để thay thế cho cáp điện, không chỉ làm giảm thiểu ảnh hưởng của nhiễu điện từ mà còn giảm bớt lượng điện tiêu tụ của máy bay, làm cho tính bảo mật tăng mạnh.

P-1 được trang bị radar tìm kiếm HPS-106, áp dụng công nghệ mảng pha điện tử chủ động. Các antena của nó không chỉ được triển khai ở đầu mũi máy bay mà còn được lắp đặt dọc theo 2 bên cửa gần càng hạ cánh phía trước. Loại radar này có nhiều chế độ công tác tương ứng với các nhiệm vụ: Tìm kiếm mặt biển, dẫn đường, dự báo khí tượng, cảnh báo sớm trên không…

Với chế độ radar khẩu độ tổng hợp, HPS-106 có thể phát hiện kính tiềm vọng của tàu ngầm ngay cả khi bay ở độ cao lớn. Tuy cự ly quan sát của loại radar này không được công bố nhưng xem xét đến khía cạnh nó có thể phối hợp tuần tra với P-8A có thể phán đoán được phạm vi hoạt động của loại radar này.

Radar APY-10 sử dụng trên P-8A có phạm vi tìm kiếm đối hải là hơn 200 hải lý, cự ly phát hiện kính tiềm vọng tàu ngầm là 32 hải lý, có khả năng đồng thời phát hiện và đeo bám 256 mục tiêu. Vì vậy, có thể nhận định các tham số của HPS-106 ít nhất cũng phải tiệm cận loại radar của Mỹ.

1.5
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 của Hải quân Trung Quốc

Hơn nữa, P-1 cũng đã tiến hành cải tiến đối với phao âm, khác với P-3C áp dụng phương thức bắn thuốc nổ, P-1 áp dụng bắn khí động học, không có bất cứ đặc trưng radar và hồng ngoại nào, làm cho năng lực phát hiện tàu ngầm và bảo vệ tự thân của nó tiếp tục được tăng cường.

Về sonar, P-1 có thể mang theo 100 chiếc phao sonar gồm cả phao chủ động lẫn phao bị động, 30 chiếc lắp sẵn và 70 chiếc triển khai trong khoang. Ngoài ra nó còn được trang bị từ kế và thiết bị xử lý âm thanh HQA-7 do chính Nhật Bản sản xuất, có khả năng phân tích hàng trăm loại tín hiệu âm thanh khác nhau, giảm thiểu cường độ công tác cho nhân viên kỹ thuật.

Việc đưa vào sử dụng hệ thống sonar và thiết bị xử lý âm thanh hiện đại giúp cho P-1 có khả năng trinh sát phát hiện những tàu ngầm chạy êm nhất, lặn sâu hàng trăm mét. Không những thế, nó còn có thể phán đoán được hình dạng và tính năng sơ bộ của tàu ngầm rồi lặng lẽ theo dõi.

Đồng thời nó gửi các dữ liệu về tọa độ, kích thước sơ bộ, hướng di chuyển, độ sâu… của tàu ngầm về trung tâm chỉ huy bằng đường truyền số liệu giúp trung tâm điều phối các lực lượng săn ngầm phối hợp tiêu diệt tàu ngầm địch, hoặc tự mình “xử lý” các tàu ngầm này khi chúng xâm phạm lãnh hải nước mình bằng hệ thống vũ khí cực mạnh.

Chuyên gia Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, công nghệ của máy bay tuần tra săn ngầm P-1 đã tương đối hoàn thiện, nó đã tiếp tục sử dụng công nghệ săn ngầm hoàn thiện của Quân đội Mỹ, hệ thống phao sonar, thiết bị dò tìm từ tính, radar mảng pha quét điện tử chủ động cùng với các hệ thống như trinh sát quang điện đều tương đối hoàn thiện.

P-1 mặc dù đã sử dụng công nghệ săn ngầm của Mỹ, nhưng động cơ và hệ thống điện tử hàng không của máy bay đều lấy hàng trong nước của Nhật Bản làm chính. Như vậy, Nhật Bản sẽ có thể bán nó cho nước ngoài, trong tương lai có thể sẽ trở thành điểm tựa cho tiêu thụ hàng hóa quân sự của Nhật Bản.

1.2
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản có thể xuất khẩu theo hình thức "nửa bán nửa tặng"

Doãn Trác cho rằng hiện nay đã có nhiều quốc gia quan tâm tới máy bay tuần tra săn ngầm P-1. Nhưng do giá cả đắt tiền, Nhật Bản có thể áp dụng biện pháp "nửa bán nửa tặng" để mở cửa thị trường, làm cho P-1 trước tiên chọn được chỗ đứng chân, tiến tới thúc đẩy công nghiệp vũ khí của Nhật Bản.

Với tải trọng vũ khí lên tới 9 tấn, P-1 được trang bị đầy đủ các loại vũ khí như ngư lôi, bom khoan nước sâu, bom điều khiển bằng laser JDAM và tên lửa chống hạm ASM-IC và AGM-84 Harpoon, thậm chí nó còn có thể mang tên lửa lưỡng dụng tấn công mặt đất và chống hạm AGM-65 Maverick.

Căn cứ vào kế hoạch của Nhật Bản, đến năm 2020 sẽ sản xuất 80 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-1. Nếu Nhật Bản tiến hành đổi sang trang bị lượng lớn máy bay P-1, "trong tương lai có thể sẽ làm cho năng lực tìm kiếm và săn ngầm trên hướng tây nam của Nhật Bản tăng mạnh" - Đỗ Văn Long nhận định.

Đỗ Văn Long cho rằng trong tương lai, Nhật Bản nếu đổi sang trang bị máy bay tuần tra săn ngầm P-1 ở các khu vực như Okinawa, Naha, thay thế cho P-3C, thì có thể tăng mạnh phạm vi trinh sát, tốc độ trinh sát và mật độ trinh sát của Nhật Bản ở khu vực này; xác suất phát hiện đối với các mục tiêu dưới nước, mục tiêu biển gần, mục tiêu tiếng ồn thấp sẽ tiếp tục được tăng cường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.