Bạn cần biết

Mẹo giải rượu hiệu quả trong ngày Tết

29/01/2016, 08:24

Thói quen sử dụng rượu, bia trong ngày Tết khiến không ít người lao vào những cơn say triền miên, sức khỏe ảnh hưởng.

17
Nước dừa có tác dụng giải rượu và bù chất điện giải rất tốt cho người say rượu trong dịp Tết

Đồ uống giải rượu

Trong tự nhiên có rất nhiều loại hoa quả, lá cây khi ép lấy nước uống có thể trở thành bài thuốc giúp giải rượu nhanh chóng và hiệu quả. Đối với trái cây, có thể kể đến các loại như: Dưa hấu, cam, sấu, cà chua, dừa, chuối… Đây đều là những loại trái cây phổ biến, dễ tìm, dễ mua với giá cả bình dân. Đối với dưa hấu, cam, cà chua, chỉ cần dùng một lượng vừa đủ (khoảng 100 - 200g), cho vào máy xay sinh tố hoặc ép lấy nước (lọc bỏ hạt) sau đó cho một chút đường vào cho dễ uống là có bài thuốc giải rượu hiệu quả. Nước ép từ các loại trái cây này nên được dùng tốt nhất ngay sau buổi tiệc rượu để có tác dụng giải rượu nhanh chóng, giúp người say nhanh chóng tỉnh táo, lấy lại sự cân bằng.

Thông thường sau mỗi cơn say, người uống rượu, bia sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, nóng trong người, khát nước và có cảm giác khô trong họng. Đó là những biểu hiện lâm sàng xuất phát từ việc mất nước điện giải sau cơn say rượu. Để bù nước nhanh chóng, có thể dùng trực tiếp một cốc nước dừa tươi hoặc một cốc nước ép từ củ cải trắng. Trong trường hợp thời tiết lạnh, có thể đem củ cải nấu thành canh để sử dụng. Ngoài ra, chuối chín cũng là một loại trái cây bù chất điện giải và cung cấp năng lượng nhanh chóng, hiệu quả. Nếu không có sẵn dừa tươi hoặc củ cải trắng, có thể dùng một trái chuối chín. Đây sẽ là bài thuốc rất hữu hiệu giúp người say rượu nhanh chóng lấy lại thể trạng khỏe mạnh, cân bằng.

Ngoài trái cây, có thể sử dụng một số đồ uống có nguồn gốc thực vật để giải rượu như: Nước rau má, nước cốt rau cần, nước ép từ lá dong, nước bột sắn dây…

18

Dưa muối là món ăn giúp giải rượu rất tốt

Món ăn giải rượu

Bên cạnh đồ uống, các món ăn cũng có tác dụng giải rượu hiệu quả nếu biết được công hiệu và cách sử dụng hợp lý. Món ăn dễ tìm nhất trong căn bếp của các gia đình vào mỗi dịp Tết là dưa muối. Khi cơ thể có dấu hiệu say rượu, cần dùng ngay một lượng nhỏ (khoảng 50-100g) dưa muối (có thể sử dụng với cơm hoặc ăn trực tiếp). Đây là thực phẩm được tạo ra từ phương pháp lên men nên rất giàu chất điện giải, có tác dụng bù chất điện giải ngay lập tức cho người say rượu. Ngoài ra, vị chua của dưa và mặn từ nước muối dưa cũng là vị thuốc hiệu quả giúp hóa giải lượng cồn trong rượu, giúp người say rượu tránh được những cơn buồn nôn.

Khi lượng rượu uống vào quá nhiều khiến cơ thể bị say và nôn ra hết thức ăn trong dạ dày, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mệt rã rời, chân tay bủn rủn và có cảm giác như không còn chút sức lực nào. Để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục, có thể sử dụng ngay một bát cháo hoặc súp nóng. Cháo và súp khi gặp chất cồn trong dạ dày ngay lập tức khiến chất cồn bị ngưng tụ và cơ thể không còn khả năng hấp thu nữa. Không những thế, lượng muối natri và kali trong cháo và súp sẽ lập tức giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Trong trường hợp có sẵn đỗ (đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ đen), có thể dùng 50g đỗ (được cả ba loại thì càng tốt), cho vào nấu chung với 15g cam thảo. Nấu cho đến khi thật nhừ thì ăn hết. Món ăn này vừa giúp giải rượu vừa có tác dụng giảm nhẹ các triệu trứng do trúng độc rượu gây nên.

19
Khi uống rượu, bia, tuyệt đối không được dùng lẫn với các loại đồ uống ngọt có gas

Các mẹo nhỏ chống say trong cuộc nhậu

Trước mỗi cuộc nhậu, nếu có sự chuẩn bị cẩn thận, kĩ lưỡng sẽ có thể giảm hoặc hạn chế những cơn say rượu. Thông thường, cách tốt nhất là trước lúc uống rượu phải lót dạ bằng một món đồ ăn nào đó. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng có thời gian, điều kiện khách quan để ăn no trước khi uống rượu. Trong trường hợp này, có thể sử dụng phương pháp “tráng dạ dày” để bảo vệ cơ thể, hạn chế mức độ hấp thu rượu của thành dạ dày.

Cách hiệu quả nhất là dùng một bát canh rau luộc. Các loại vitamin và khoáng chất có trong nước luộc rau sẽ có tác dụng làm giảm mức độ hấp thu rượu của dạ dày, giúp cơ thể cầm cự lâu hơn với cơn say rượu. Nếu không có nước rau luộc, có thể dùng một bát nước luộc thịt hoặc bất cứ loại nước luộc, nước canh nào có hàm lượng dầu ăn nhiều. Lượng dầu ăn khi vào dạ dày sẽ tạo ra một lớp màng mỏng bảo vệ dạ dày, làm chậm quá trình hấp thu cồn trong rượu. Tuy nhiên, cách này chỉ có tác dụng làm chậm cơn say rượu mà thôi. Điều quan trọng nhất là trong lúc uống rượu cần tránh cách uống dồn dập, uống theo kiểu “knock out”. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi giờ đồng hồ, cơ thể con người có khả năng tiêu hóa được 35-40ml rượu nguyên chất. Do đó, càng uống chậm càng có lợi cho cơ thể. Nếu uống quá dồn dập, chắc chắn dù có thể trạng khỏe đến mấy cũng không thể cầm cự được.

Trong cuộc rượu, nên uống càng nhiều nước càng tốt. Nếu không có các loại nước canh thì dùng nước lọc cũng được. Lượng nước nạp vào càng nhiều sẽ càng giúp pha loãng lượng cồn trong rượu, bia ở dạ dày, điều này vừa tránh được cơn say, vừa giảm độc tố của rượu, bia với cơ thể. Cần lưu ý, không được uống rượu lẫn với các loại nước ngọt và nước có gas. Các loại nước uống này không những khiến cơ thể nhanh say mà còn khiến cồn trong rượu, bia lan tỏa đi khắp cơ thể và sinh ra chất CO2 rất có hại cho dạ dày và các bộ phận khác trong cơ thể.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.