Chuyện dọc đường

Minh bạch các dự án BOT

30/06/2015, 09:22

Đầu tư công trình giao thông với hình thức BOT, người dân, nhất là người nghèo càng được hưởng lợi...

Cao toc BOT
Bộ GTVT và các cơ quan chức năng luôn công khai, minh bạch toàn bộ thông tin các dự án BOT từ khi chuẩn bị dự án đến khi hoàn thành đưa vào khai thác

Gần đây, đọc một tờ báo mạng viết về những góc khuất các dự án BOT khiến không ít người tò mò. Tuy nhiên, khi đọc kỹ bài báo này, người đọc sẽ có cảm giác hụt hẫng, bởi cách đặt tít kiểu giật gân, câu khách. 

Còn nội dung, ngoài việc coi hình thức BOT chỉ là sự “lóe sáng”, bài báo không nêu rõ được đâu là “những góc khuất” mà thực chất chỉ là phân tích, nêu nên một số bất cập của hình thức BOT như: Sử dụng nhiều vốn của các ngân hàng, thời hạn dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro, hay giao nhiều quyền cho nhà đầu tư. Từ đó, bài báo suy diễn rằng, với hình thức này sẽ thoải mái chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng và dịch vụ tư vấn đi kèm trong quá trình đầu tư, tạm ứng vốn cho nhà thầu thao túng quy trình đầu tư, hạn chế đáng kể những tiêu chuẩn, quy chuẩn cần phải có để áp dụng vào công trình... mà không hề nêu bất cứ ví dụ hay dẫn chứng trường hợp nào, dự án nào cụ thể.

Trên thực tế, bất kỳ một hình thức đầu tư nào cũng có những ưu, nhược điểm nhất định, không có cái gì là toàn vẹn. Hình thức BOT cũng vậy, cũng có những lợi thế và hạn chế của nó. Vấn đề là làm sao phát huy được lợi thế và giảm thiểu tối đa những hạn chế để tăng tính hiệu quả cho các dự án, chứ hoàn toàn không phải là “những góc khuất” như bài báo đặt ra.

Thời gian qua, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng luôn công khai, minh bạch toàn bộ thông tin các dự án BOT từ khi chuẩn bị dự án đến khi hoàn thành đưa vào khai thác. Ở bất kỳ khâu nào, dù tích cực hay còn những hạn chế, Bộ GTVT luôn “mở cửa” với các cơ quan truyền thông. Kể cả việc các dự án, các nhà đầu tư vay bao nhiêu tiền của các ngân hàng, hay những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình đầu tư dự án. Tất cả những điều này đều phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Nhà đầu tư phải đóng vốn chủ sở hữu với tỷ lệ nhất định, chứ không phải muốn vay bao nhiêu thì vay.

Cũng không thể có chuyện thoải mái chỉ định thầu, định giá các sản phẩm xây dựng, hay tạm ứng vốn đầu tư cho nhà thầu thao túng quy trình đầu tư, mà tất cả phải theo luật, có sự kiểm soát chặt chẽ của nhiều cơ quan chức năng, từ Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước VN... Thậm chí, khi các dự án hoàn thành, Bộ GTVT, các chủ đầu tư cũng mời các cơ quan thông tấn, báo chí đi thực tế, chứng kiến trực tiếp và có sự trải nghiệm để so sánh những lợi ích của con đường mới so với các con đường cũ. Đơn cử như các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới đây.

Thực tế, trong nhiều năm qua, ngành GTVT đã cố gắng giải bài toán quá hóc búa giữa yêu cầu cấp bách của đất nước phải có một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, với nguồn vốn Nhà nước dành cho hết sức hạn hẹp. Nếu chỉ ngồi chờ ngân sách, còn lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức đầu tư BOT tận dụng được sức mạnh của toàn bộ nền kinh tế. Đầu tư công trình giao thông với hình thức BOT, người dân, nhất là người nghèo càng được hưởng lợi, đi xe máy qua cầu, đi đường không mất tiền. Dù các phương tiện cơ giới phải trả phí, nhưng điều đó cũng không làm tăng chi phí sản xuất so với việc lưu thông trên những con đường cũ kỹ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.