70 năm truyền thống ngành GTVT

“Mở đường máu” dưới làn mưa bom đạn

02/04/2015, 18:03

Gần 500km đường “vắt” qua vùng núi hiểm trở của năm tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum.

161
Tư liệu về các CBCS Ban Giao vận khu 5 mở đường máu, giải phóng các tỉnh Trung Trung bộ

Gần 500km đường “vắt” qua vùng núi hiểm trở của năm tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai được cán bộ, chiến sĩ Ban Giao vận khu Trung Trung bộ “mở đường máu” thọc sâu vào căn cứ Mỹ, Ngụy, góp phần cho chiến dịch thần tốc giải phóng miền Trung, miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỳ 1: Khúc tráng ca xẻ núi, mở đường

Ngày cuối tháng 3 lịch sử, hàng trăm cựu cán bộ, chiến sỹ, cựu chiến binh Ban GTVT khu Trung Trung bộ (gọi tắt Ban Giao vận Khu 5) đoàn tụ tại phố biển Đà Nẵng, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng thành phố. Từng cái ôm nồng ấm, vòng tay siết chặt, nụ cười xúc động trên những khuôn mặt đầy vết chân chim, mái tóc điểm bạc của các “nhân chứng sống” mở đường, góp phần làm nên chiến thắng.

Sức trẻ xẻ núi, thông đường

20 năm xa cách, cựu chiến binh Vũ Tiến Dũng (quê Quảng Nam) vẫn nhớ như in và gọi từng tên đồng đội trong Đội Khảo sát, thiết kế (Ban Giao vận Khu 5). Năm 1969, ông Dũng lúc đó mới 18 tuổi “thấp như cây nấm” hăng hái lăn xả, nhận nhiệm vụ thông tuyến, mở đường. Ông Dũng cùng 50 thành viên trong đội, khẩn tốc đặt chân tới các địa bàn từ Trà My (Quảng Nam) đến Trà Bồng (Quảng Ngãi), rồi tới tận mạn Bình Định, Phú Yên.

“Trước mắt chỉ có cây, hai bên là núi. Cảnh hoang sơ đến rợn người. Nhiệm vụ của đội khảo sát là bằng kỹ năng, kinh nghiệm làm sao chọn được tuyến đường thuận lợi, an toàn nhất”, ông Dũng kể và cho biết, cứ thế mỗi ngày ông cùng đồng đội lăn lội khai tuyến, đo đạc, cắm mốc để các đội xe thồ, kỹ thuật, đào đắp đường làm nhiệm vụ. Trên đầu, tiếng máy bay do thám của địch liên tục gầm rú, dưới đường là rừng thiêng nước độc với thú rừng, vắt, rắn, “thử gan” những chàng lính trẻ mở đường. Không ít lần, các thành viên dính sốt rét rừng, gặp địa bàn hiểm trở, cheo leo giữa vách núi. “Ngày cao điểm chúng tôi thông được 5-7km nhưng không ai biết phía trước có gì đang chờ đợi mình”, ông Dũng nhớ lại.

Con số 16/5 “ám ảnh” cựu binh Lê Văn Hoàng. Ông nhận đó là ngày sinh nhật mình, bởi ông là người duy nhất trong cuộc họp sống sót. Sau sự kiện đó, ông Hoàng chuyển ra Hà Nội điều trị, rồi về tiếp tục công tác tại Khu 5, trước khi ra học tiếp tại trường GTVT Hà Nội. Nhiều lúc ông lại cùng gia đình các đồng đội đã hi sinh đi tìm kiếm mộ liệt sĩ.

Vất vả, hiểm nguy nhưng không ai chùn bước. Hầu hết cán bộ chiến sĩ lúc đó đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Tuổi trẻ gan dạ, xốc vác, một lòng vì mục tiêu thông nhanh những “tuyến đường máu”. Cựu binh Lưu Khoa, chính trị viên Đội khảo sát thiết kế ngày ấy, tham gia mở đường từ những năm 1968 khi chiến trường đang trong giai đoạn khốc liệt. Ông Khoa tự hào: “Những năm đầu 1960, sau khi có Nghị quyết về đấu tranh giải phóng miền Nam khu ủy Trung Trung bộ (còn gọi tắt là khu ủy Khu 5 hay A15), Ban giao vận và đường được tái lập từ căn cứ Giằng (Quảng Nam) nối A Roàng (A Lưới) ra Đắc Rông và Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị)”.

Đồng chí Trương Đình Công (Bí danh là Mạnh) là cán bộ đầu tiên xuyên rừng để bắt liên lạc với bộ phận giao liên Thừa Thiên - Huế tại A Roàng. Sau đó, mạng lưới đường của Ban giao vận 5 mỗi ngày thêm “lấn tuyến” về địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ, lên mạn Tây Nguyên.

Ông Bùi Công Định, Trưởng ban liên lạc cán bộ chiến sĩ (CBCS) Ban Giao vận Khu 5, kể, Ban nhanh chóng phát triển mạnh sau khi được Trung ương cắt cử hàng loạt cán bộ kỹ thuật, công binh mở đường thồ. Ngay sau cuộc tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, vùng giải phóng được mở rộng, căn cứ chiến lược Khâm Đức (Quảng Nam) được bộ đội ta đánh chiếm. Từ vùng rừng núi chiến lược này, mạng lưới đường xe thồ, đến ô tô lan rộng, xuyên tỏa về khu ủy Khu 5. “Anh em ngày đó phải đào đường bằng tay, xe thồ, gùi vật liệu. Từng tốp TNXP, công binh miệt mài, vượt mọi nguy hiểm, đưa những mét đường tiến về phía trước”, ông Định kể. Đôi bàn tay của vị cựu binh giờ vẫn thô ráp, gân guốc sau những năm tháng xẻ núi, mở đường.

162
Các nữ Ban Giao vận Khu 5 trò chuyện ngày gặp lại sau 20 năm xa cách

“Đường máu”

Lật giở từng trang sử của Ban giao vận Khu 5, vị trưởng ban liên lạc Bùi Công Định đầy tự hào, xúc động. Ban do đồng chí Trần Kiên, Thường vụ Ban chấp hành Khu ủy 5 trực tiếp làm trưởng ban với sự tăng cường của hàng loạt cán bộ chuyên về kỹ thuật, có kinh nghiệm thiết kế thi công đường ô tô từ miền Bắc về như: Phạm Cao Giới, Hoàng Đình Bộ, Nguyễn Giảng, Nguyễn Trung… tiến hành khảo sát, thiết kế hệ thống đường trong khu căn cứ và tuyến trục khu 5 từ Tây Quảng Nam đến Bắc Bình Định. Hàng vạn dân công cùng công binh mở mới và khôi phục các tuyến đường trong vùng giải phóng các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum với hàng loạt hệ thống đường thồ, đường nối liền các vùng giải phóng rộng lớn và các cửa khẩu đồng bằng như: Tiên Phước - Tam Kỳ, Trà Bồng - Bình Sơn, Sơn Hà - Sơn Tịnh, Ba Tơ - Đức Phổ, Hòa Âm - Hoài Nhơn (Bình Định).

Đường mở bằng mồ hôi thấm máu của CBCS Ban giao vận Khu 5. Cựu binh Lê Văn Hoàng (hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng) giờ vẫn còn vết thương trên trán, đầu, cánh tay do làn mưa bom kẻ thù. Năm 1971, ông Hoàng mới 20 tuổi đã có 6 năm hoạt động trong ban, rồi đảm trách nhiệm vụ tài vụ Khu 5. Trưa ngày 16/5/1971, ban giao vận các tỉnh Khu 5 được lệnh về khu sản xuất Ban giao vận Khu 5 mật danh S.85 vùng Tắc Pỏ (Nam Trà Mỹ, Quảng Nam) dự họp. Ông Hoàng là một trong 17 người có tên, vừa bước xuống bờ suối lấy nước cho hội nghị, lúc ấy anh Nguyễn Minh Châu, phó ban mới chuẩn bị lên truyền đạt cuộc họp thì bất ngờ trúng làn rốc-két oanh tạc của Mỹ. 16 cán bộ chiến sĩ hi sinh tại chỗ. Trong đó, có đồng chí Châu, Phó ban, các Trưởng phòng kỹ sư Phạm Cao Giới, Nguyễn Giảng, Nguyễn Trung… Lán trại cơ quan, tài liệu, quân trang bị cháy sạch.

May mắn sống sót, ông Hoàng bị mảnh vỡ bom gây hàng loạt thương tích. Máu cháy ròng, ông cố lết về phía bờ suối lánh nạn. “Mỹ khoanh vùng phong tỏa khu sản xuất, tăng cường lực lượng tìm diệt những người còn sống. Tôi được chị Phan, các anh em đưa lên giữa lưng chừng núi, chữa trị vết thương và tránh đợt truy quét của địch. Phải gần 2 tuần lễ ăn sắn rừng, bắt ốc suối, mọi người mới may mắn thoát khỏi vùng phong tỏa của địch”, ông Hoàng kể.

Cựu binh Nguyễn Văn Tám (nguyên cán bộ trường Đại học GTVT, vào công tác tại phòng Kỹ thuật Ban giao vận Khu 5, tham gia chiến trường năm 1971) chia sẻ, đó là những “con đường máu” cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Con đường không chỉ góp phần thông tuyến cho đoàn quân chủ lực giải phóng, mà nó còn được đào đắp, mở đường bằng chính máu của các đồng đội, liệt sĩ. “Sự ra đi của đồng đội trong vụ S.85 cứ ám ảnh tôi suốt đời”, ông Tám nói và cho biết, mất mát đau thương càng nung nấu thêm quyết tâm cho các CBCS khu giao vận 5. Từng mét “con đường máu” nhanh chóng mở thông về phía trước.

(Còn nữa)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.