Vận tải

Mở làn riêng cho xe buýt theo... giờ

15/08/2018, 08:01

Liệu mở làn riêng cho xe buýt có khiến tắc càng tắc thêm, người dân đề nghị cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.

9

Thí điểm làn riêng cho xe buýt tại hành lang đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thỏa mãn được điều kiện mặt đường đủ rộng để bố trí được làn ưu tiên đồng thời vẫn đủ cho dòng xe cá nhân - Ảnh: Đỗ Loan

Sau gần 8 tháng nghiên cứu, đề án mở làn riêng cho xe buýt đang được TP.HCM lấy ý kiến chuyên gia và người dân. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, đa phần chuyên gia và người dân ủng hộ, tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến cho rằng, thành phố cần cân nhắc kỹ trước khi triển khai thí điểm đề án này...

Mở làn riêng ưu tiên cho xe buýt 5 tiếng trong giờ cao điểm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, sau khi được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM “đặt hàng” nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe buýt, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển, Trưởng khoa Công trình giao thông, Đại học GTVT TP.HCM - Trưởng nhóm nghiên cứu đề án cho biết, đây là đề án tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, không phải xây dựng làn xe buýt nhanh (BRT) giống như dự án trên đường Võ Văn Kiệt ở TP HCM hay tuyến bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã mà TP Hà Nội đang khai thác.

“Nhóm tư vấn đang đề xuất tổ chức làn ưu tiên từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Lý Thái Tổ, dài 3,6km và từ đường Đinh Tiên Hoàng đến vòng xoay Dân Chủ trên đường Võ Thị Sáu, dài 2,2km. Thời gian ưu tiên cho xe buýt trong 2 tiếng cao điểm buổi sáng và 3 tiếng cao điểm buổi chiều vào các ngày trong tuần”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển thông tin.

Ông Hiển cho biết, trên bình diện mặt đường, mỗi làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ có chiều rộng 3,25m, được phân cách với phần đường còn lại bằng rào chắn cứng kết hợp với dải phân cách mềm.

"Hiện nay, chúng tôi đang xem xét 3 phương án và sẽ tiến hành lấy ý kiến các cấp chính quyền, người dân và các chuyên gia trong thời gian tới. Cụ thể, ba phương án là: Bố trí làn ưu tiên sát vỉa hè, bố trí ở giữa hoặc bố trí 2 làn ưu tiên xe buýt trên đường Điện Biên Phủ mà không bố trí trên đường Võ Thị Sáu” .

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển

Chia sẻ về việc mở làn riêng cho xe buýt này, PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, việc TP nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe buýt là ý tưởng tốt bởi các nước họ đã đi trước từ nhiều năm nay trong việc ưu tiên phát triển xe buýt. Không phải ngẫu nhiên TP chọn 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu thí điểm trước vì đây là 2 tuyến đường đảm bảo đủ rộng và độ dài.

Tuy nhiên, vấn đề quản lý như thế nào, để làn riêng cho xe buýt thì phải cấm toàn bộ xe ô tô dừng đỗ bên phải, không cho xe máy đi vào làn riêng của xe buýt. Cơ quan chức năng nên tính toán kỹ các phương án trước khi mở làn riêng cho xe buýt để tình hình giao thông không bị lộn xộn, ảnh hưởng đến các phương tiện khác.

Trong khi đó, không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn khi thành phố tổ chức làn riêng cho xe buýt. Bà Vũ Cẩm Nhung, bán hàng trên đường Võ Thị Sáu, Q.3 cho hay: “Đường Võ Thị Sáu một chiều lại thường hay tắc đường, giờ TP lấy một làn ưu tiên cho xe buýt, lo ngại tình trạng kẹt xe sẽ gấp đôi, đó là chưa kể xe máy sẽ đi vào làn riêng của xe buýt. Do vậy, thành phố cần cân nhắc và tính toán kỹ trước khi triển khai”.

Lợi ích lâu dài

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển, việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên hai hành lang đông đúc này động chạm đến rất nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội. Do vậy, việc chọn giải pháp tổ chức giao thông một cách tối ưu trên tất cả các khía cạnh là rất khó khăn. Ví dụ, nếu bố trí làn sát vỉa hè sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của người dân hai bên đường. Nếu bố trí ở giữa, sự vận hành các dòng xe của 2 làn 2 bên sẽ rất khó khăn, việc lên xuống của hành khách đi xe buýt sẽ kém an toàn. Còn nếu bố trí 2 làn ưu tiên xe buýt trên đường Điện Biên Phủ sẽ làm xáo động nhiều đến tình hình giao thông khu vực.

“Do vậy, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 17 tiêu chí để phân tích, so sánh ưu nhược điểm của từng phương án. Lựa chọn cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta ưu tiên tiêu chí nào, ví dụ sự thuận tiện của người dân trong khu vực, của các phương tiện khác lưu thông trên hai tuyến hay nâng cao tầm ảnh hưởng và hình ảnh của xe buýt”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển nói và cho rằng, việc triển khai đề án này, trong giai đoạn ngắn hạn có thể còn chưa hiệu quả, sẽ gặp nhiều phản ứng của người đi đường cũng như dân cư sinh sống hai bên đường, nhưng về lâu dài, đặc biệt khi nó được kết nối với các tuyến giao thông công cộng khác thì lợi ích sẽ rất lớn.

“Khi tiến hành nghiên cứu đề án này, chúng tôi cũng đã tham khảo dự án xe buýt nhanh ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi tin rằng, nếu được nghiên cứu, tính toán kỹ, tham vấn cẩn thận ý kiến của người dân, các cấp chính quyền, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cộng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố, ngành GTVT thì dự án sẽ thành công. Hiện, đề án đang chờ lấy ý kiến chuyên gia và người dân sinh sống trong khu vực. Sau khi dự án được UBND TP và Sở GTVT thông qua, có thể triển khai trên thực địa ngay”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Hiển nói thêm. 

Hà Nội dự định mở lại làn riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi

Gần đây, Hà Nội cũng rục rịch đề xuất mở làn riêng, cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Trước đó khoảng chục năm, tuyến đường này đã có làn riêng cho buýt nhưng vì nhiều bất cập nên phải dẹp bỏ.

Đầu tháng 6/2018, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, để thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng xe buýt cần phải có làn dành riêng cho xe buýt (gồm xe buýt thường và xe buýt BRT). Trong kế hoạch năm 2018, đơn vị sẽ tính toán đề xuất Sở GTVT Hà Nội mở lại làn đường dành riêng cho xe buýt từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông). Sau khi đường sắt trên cao hoàn thành sẽ kết nối ngang giữa các tuyến xe buýt với các nhà chờ.

Theo ông Hải, trước đây, Hà Nội đã tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi nhưng phải bỏ không phải do bất cập hay ùn tắc mà để đảm bảo thi công đường sắt trên cao. Trên đường Nguyễn Trãi có đủ các điều kiện mở làn ưu tiên cho xe buýt như: Hai bên làn đường, mỗi bên đều có chiều rộng hơn chục mét; trước đây đã có làn ưu tiên cho xe buýt, giờ phục hồi trở lại; Tuyến đường có thể tổ chức tốt cho hệ thống xe buýt gom kết nối với tuyến đường sắt trên cao để thuận tiện và thu hút lượng khách hơn.

Lê Tươi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.