Quản lý

“Mổ xẻ” phương án quản lực lượng an ninh hàng không

18/08/2016, 07:59

Có tổ chức lại lực lượng ANHK hay không là vấn đề nhận được nhiều ý kiến phân tích trong buổi làm việc...

4

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi làm việc sáng 17/8

Lực lượng ANHK thuộc ACV - nên hay không?

Câu chuyện có tổ chức lại lực lượng ANHK hay không được đặt ra khi Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh, hoạt động khai thác tại CHK, sân bay là một dây chuyền khép kín, đồng bộ, trong đó lực lượng ANHK đóng vai trò quan trọng. Ông Minh cũng e ngại việc tổ chức lại lực lượng ANHK sẽ ảnh hưởng đến quá trình và kết quả cổ phần hóa của ACV.

“ACV đã công bố định hướng kinh doanh khi IPO là duy trì lực lượng kiểm soát ANHK. Doanh thu từ hoạt động đảm bảo an ninh chiếm 6-8% tổng doanh thu của ACV. “Việc chuyển giao lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cho đơn vị khác quản lý sẽ tác động đến tâm lý cổ đông, nhà đầu tư, chưa phù hợp với phương án CPH đã được phê duyệt”, ông Minh nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc, trước khi Đề án nâng cao năng lực đảm bảo ANHK được Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT đã xin ý kiến các Bộ. Ý kiến từ các bộ, ngành đều khẳng định, ANHK là lực lượng đặc biệt quan trọng và khi CPH ACV phải nghiên cứu lại mô hình, có thể thành lập công ty TNHH 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ GTVT.

Không đồng tình với báo cáo của Vụ QLDN, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, cuộc họp này không phải bàn về ACV hay phương án kinh doanh của ACV mà mục đích chính là việc đảm bảo ANHK. “Sẽ không có gì phải bàn nếu ACV vẫn 100% vốn Nhà nước. Tuy nhiên, khi chuyển thành CTCP và có sự tham gia của nước ngoài, vấn đề đặt ra là chúng ta có yên tâm khi để lực lượng ANHK ở lại cho ACV quản lý hay không?”, Bộ trưởng gợi ý.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho rằng, không thể CPH lực lượng kiểm soát ANHK vì theo quy định hiện hành, lực lượng ANHK được trang bị vũ khí quân dụng. Khi ACV đã CPH, việc để một DN cổ phần có lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng về lâu dài sẽ tạo ra nguy cơ lớn đối với an ninh chính trị, từ việc quản lý vũ khí, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.

Ông Thanh cho rằng, nếu để ANHK ở lại ACV, vai trò kiểm soát của Nhà nước về ANHK sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, lực lượng này ngoài việc cung cấp dịch vụ ANHK cho các DN hàng không còn thực hiện nhiệm vụ chính trị như bảo đảm an ninh chuyên cơ, bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia, xử lý ban đầu các hành vi khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, bảo vệ cảng hàng không khi có biểu tình, hoạt động lật đổ Nhà nước...

Chủ tịch HQTV Tổng công ty Quản lý bay VN Đinh Việt Thắng nêu ý kiến: Tổ chức ANHK tại cảng hàng không phải theo nguyên tắc đảm bảo sự chỉ đạo lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ GTVT theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Điều này có thực hiện được không khi ANHK thuộc công ty cổ phần? Mà mọi quyết định của Công ty cổ phần phải thông qua Đại hội cổ đông, HĐQT. Nhà nước không điều hành trực tiếp được, ông Thắng đặt câu hỏi.

Kế đó, theo ông Thắng, tổ chức lực lượng ANHK phải đảm bảo tính thống nhất, chuyên nghiệp trong toàn ngành, thống nhất về tổ chức, con người, cơ sở vật chất; Đảm bảo môi trường bình đẳng cho các đối tượng tiếp xúc với ANHK và cuối cùng, phải cố gắng không phát sinh chi phí của ngân sách.

Cơ bản nhất trí với ý kiến của ông Thắng, Tổng giám đốc TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành cho biết thêm: “Đúng là trên thế giới có rất nhiều mô hình tổ chức ANHK. Vấn đề làm sao là phải tổ chức quản lý thống nhất được. Với tư cách là một khách hàng, chúng tôi mong muốn chất lượng, tính chuyên nghiệp của dịch vụ ANHK phải được nâng lên, đi kèm với đó là sự thuận tiện cho hành khách”.

Sẽ lấy ý kiến rộng rãi tại các bộ, ngành

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói: Vấn đề chúng ta bàn hôm nay xuất phát từ việc thay đổi mô hình doanh nghiệp của ACV, trong bối cảnh tình hình ANHK ngày càng phức tạp.

Quan điểm hiện nay là phải đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng DN có thể tham gia vào tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Thực chất chúng ta đã có những sân bay hoàn toàn do tư nhân đầu tư là Vân Đồn (do Tập đoàn Sungroup đang làm), hay Nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Đà Nẵng), tới đây có thể là CHK Lào Cai, CHK Phan Thiết. Và như vậy, ACV sẽ không phải là DN duy nhất quản lý khai thác tất cả các cảng hàng không trên cả nước nữa. Khi đó có tiếp tục để ACV là DN duy nhất quản lý lực lượng ANHK nữa hay không?

Trước thực tế trên, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan liên quan phải nghiên cứu, đề xuất các phương án vừa đảm bảo công tác QLNN nhưng vừa đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh phát triển thuận lợi cho các DN.

Cho biết vấn đề này sẽ được Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT xem xét tại phiên họp tháng 9 tới, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng lưu ý các cục, vụ tham mưu nghiên cứu các phương án tổ chức lực lượng ANHK tối ưu nhất, trong đó có phương án thành lập một DN 100% vốn của ACV để quản lý lực lượng ANHK; Thành lập Công ty TNHH MTV độc lập thực hiện dịch vụ công ích đảm bảo ANHK và cuối cùng là phương án thành lập một Công ty TNHH MTV trực thuộc TCT Quản lý bay VN.

“Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo lực lượng ANHK mang tính chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: Bộ sẽ tham khảo rộng rãi ý kiến của các bộ, ngành một lần nữa trước khi quyết định.

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng khẳng định, sự cần thiết phải tổ chức lại lực lượng ANHK. “Hiện tại, mô hình quản lý ANHK của ACV còn bất cập, chưa có một tổ chức thông suốt từ trên xuống dưới”, Thứ trưởng nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.