Văn hóa - Giải Trí

Mỏi mắt “đãi vàng” từ các trại sáng tác văn học nghệ thuật

08/06/2017, 15:05

Hàng năm, Bộ VH, TT&DL giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60-80 trại Sáng tác...

31

Nhà sáng tác Tam Đảo thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật

Hàng năm, Bộ VH, TT&DL giao Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức từ 60 - 80 trại Sáng tác cho các loại hình nghệ thuật tại 6 nhà sáng tác: Tam Đảo, Đại Lải, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, quy tụ từ 1.000 - 1.200 văn nghệ sỹ có nhu cầu sáng tác trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiệu quả mà những trại sáng tác này mang lại khiến nhiều người không khỏi ngao ngán.

Hiệu quả các trại sáng tác bằng không (?)

Trong hai năm 2015-2016, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật đã tổ chức 131 trại sáng tác, đón 2.010 lượt văn nghệ sỹ, thực hiện 27.137 ngày sáng tác. Từ đây, đã có gần 6.000 tác phẩm các loại hình văn học, nghệ thuật được thai nghén và ra đời (trong đó có 2.727 tác phẩm thơ; 614 tiểu thuyết, ký, truyện ngắn; 410 tác phẩm sân khấu, phóng sự kịch bản múa, văn nghệ dân gian; 548 tác phẩm mỹ thuật; 999 tác phẩm nhiếp ảnh; 395 tác phẩm âm nhạc; 27 tác phẩm nghiên cứu phân tích; 17 tác phẩm kiến trúc).

Đây là những con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, những con số trên nói lên thực trạng tác phẩm thì nhiều nhưng chất lượng thì kém. Nhiều nhà văn, nhạc sĩ, biên kịch... đến các trại sáng tác sản xuất tác phẩm đại trà nhưng cuối cùng nền văn học, văn nghệ nước nhà vẫn dậm chân tại chỗ. Số lượng tác phẩm nhiều chưa nói được điều gì, mà phải nói đến chất lượng. Chất lượng không chỉ đơn thuần những tác phẩm đó được các giải thưởng thường niên của các hội mà những tác phẩm đó để lại trong lòng người đọc, người nghe, dư luận.

“Trong năm 2016, tôi chưa thấy có tác phẩm văn học nào nổi tiếng, trở thành hiện tượng, khiến người đọc phải trầm trồ. Hàng vạn tác phẩm ngoài xã hội còn như vậy thì những tác phẩm trong các trại sáng tác cũng không mong chờ”, nhà văn nói.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh nhận định chua chát hơn: “Tôi cho rằng, hiệu quả các trại sáng tác bằng không. Bằng chứng là trên văn đàn, báo chí, dư luận xã hội không thấy nhắc tới số tác phẩm sinh ra từ các trại này”.

Cũng theo nhà văn, chất lượng tác phẩm các lĩnh vực đang được báo động. Có hai lý do chính, một là các nhà văn, nghệ sĩ vẫn chưa thoát xác ra khỏi mình, chưa thay đổi gì nhiều về phương pháp sáng tác, cách nhìn cuộc sống. Vẫn thế, như bao năm, những tác phẩm nhàng nhàng, theo cách tuyên truyền, minh họa cuộc sống. Văn học nghệ thuật bản thân nó là sáng tạo và tất nhiên là tài năng. “Chúng ta đang thấy rõ các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng trung bình ra đời thì nhiều mà danh xưng nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, biên đạo, rồi giải thưởng, danh hiệu đang trở nên quá dễ dãi. Vì thế, nhìn vào các trại sáng tác, xã hội quan tâm đến chất lượng tác phẩm chứ không ai ngồi đếm số lượng, việc đo đếm này dành cho các lãnh đạo, các hội thống kê đọc cho kêu cho vang, chứ không giải quyết được gì”, ông Vinh nhận xét.

Đầu tư đúng những người có thực tài

Hiệu quả của các trại sáng tác thấp, không có tác phẩm gây được tiếng vang theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh là vì những cây bút có tài, có sức, có lực thì hầu như ít có mặt ở các trại hoặc là họ không được mời, hoặc họ không thu xếp được công việc để tham gia, thậm chí là họ… chán tham gia. Ngoài ra, nói là mở nhiều trại, tốn kém, nhưng ý nghĩa đi tụ tập, nghỉ mát nhiều hơn là ý nghĩa sáng tác. Trại là nơi gặp gỡ bù khú, khen nhau, bè bạn, giải khuây, ăn ngủ miễn phí, không phải nơi để sáng tác.

"Sáng tác của nhà văn cần một sự cô độc, một mình, tĩnh lặng, không cần ồn ào náo nhiệt. Đa phần trại viên vẫn là những tác giả lớn tuổi, sức viết, sức khỏe giảm, đi nghỉ dưỡng, chỉnh sửa tác phẩm đã viết, tất nhiên những tác giả lớn tuổi cần những nơi như thế để nghỉ ngơi, chả sao cả, nhưng để có tác phẩm lớn thì khó. Thời gian ở trại thì ngắn, 5 -10 ngày chưa kịp ấm chỗ, thời gian đâu mà sáng tác”.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

Để tránh lãng phí, theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, nên chọn những tác giả có tiềm năng, đầu tư cho họ cuộc sống tốt và đừng đòi hỏi gì cả, tác phẩm sẽ xuất hiện khi đủ chín. Đầu tư hôm nay đôi khi 10 năm nữa người ta mới viết, đầu tư đúng người có thực tài, có năng lực sáng tạo thì họa may mới có tác phẩm tốt. Đừng mở trại theo phong trào, đừng đếm số lượng tác phẩm. “Nước ta mỗi năm có vài cuốn sách nổi tiếng trong nước, khu vực là quí lắm, 10 năm có 1 cuốn nổi tiếng thế giới là quá mừng. Hãy chọn ra một đội ngũ sáng tác ấy, cho họ cuộc sống tốt, sự đầu tư tốt, chắc chắn sẽ ra quả ngọt”, ông Vinh cho hay.

Trong khi đó, theo nhà văn Sương Nguyệt Minh, tổ chức các trại sáng tác văn học là điều cần thiết, nhưng vấn đề công tác tổ chức như thế nào mới là quan trọng. Thứ nhất, chọn người tham gia trại sáng tác phải là những người đang sung sức về độ chín nghề nghiệp, cảm xúc dào dạt. Thứ hai, chọn những người thực sự có nhu cầu đi sáng tác, chứ không phải đến để chơi, nghỉ ngơi. Bởi thực tế, có nhiều người sáng tác truyện ngắn, thơ, kịch bản ở nhà từ 2-3 năm trước rồi cầm đến nộp xong đi chơi chỗ này, chỗ kia”. Thứ ba, thời gian tổ chức dài, có chiều sâu. Có tình trạng hội văn nghệ địa phương hàng năm cấp 15 suất đi sáng tác. Đáng lẽ tổ chức 15 ngày đi, nhưng họ chia làm 2 đợt, mỗi đợt 7 ngày. Tức là hoa thơm mỗi người hưởng một ít, đầu tư giải mành mành như vậy chứng tỏ công tác tổ chức không có hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.