Góc nhìn

Một năm đối ngoại của ông Tập Cận Bình thu được những gì?

26/12/2018, 08:52

Năm 2018 đánh dấu 5 sự kiện ngoại giao mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình...

30

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị APEC 2018 tại Papua New Guinea

Năm 2018 đánh dấu 5 sự kiện ngoại giao mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, từ cuộc chiến thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump cho tới việc làm nồng ấm lại mối quan hệ với Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte.

Khẳng định vị thế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ

Khi Trung Quốc ngày càng khẳng định mình trên trường thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lãnh đạo quốc gia này mở rộng quan hệ ngoại giao thông qua các chuyến thăm cấp cao trên toàn cầu và hứa hẹn đem đến cho những quốc gia đối tác của Bắc Kinh hàng tỷ USD tiền đầu tư, viện trợ.

Nhưng dấu ấn quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh, bao gồm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đầy tham vọng của ông Tập, cũng phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng, từ những lo ngại về “bẫy nợ” từ các dự án cơ sở hạ tầng Trung Quốc hậu thuẫn đến việc không hài lòng về mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của đất nước này.

Sau khi có chuyến thăm cấp Nhà nước, có vẻ hữu hảo, thân tình qua lại ở Bắc Kinh và Florida năm 2017, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump lại bắt đầu cuộc đối đầu với các vấn đề thương mại song phương tồn tại lâu nay giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã mở đầu cuộc chiến thương mại bằng cách áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, động thái này nhanh chóng leo thang thành một loạt các biện pháp trả đũa và các biện pháp đối phó.

Trên phương diện khác, Washington và Bắc Kinh đã khởi phát mâu thuẫn trên các mặt trận chiến lược và địa chính trị. Washington áp lệnh trừng phạt một đơn vị quân đội chủ chốt của Bắc Kinh và một loạt các căng thẳng liên quan đến vấn đề đảo Đài Loan và các hoạt động tự do hàng hải, bao gồm cả vụ suýt va chạm giữa hai tàu chiến Mỹ, Trung trên biển Đông vào cuối tháng 9/2018. Ông Trump cũng phàn nàn việc Bắc Kinh không còn gây áp lực lên Triều Tiên và cáo buộc nước này can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ khi chỉ trích một bài báo ở Iowa viết theo yêu cầu của một cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc.

Cuộc gặp duy nhất của hai nhà lãnh đạo trong năm nay diễn ra ngày 1/12 bên lề Hội nghị G20 ở Argentina. Cả ông Donald Trump và Tập Cận Bình đều đồng ý một thỏa thuận “đình chiến” thương mại kéo dài 90 ngày, tạo cơ hội khắc phục một loạt bất bình của Hoa Kỳ từ mất cân bằng thương mại giữa hai nước tới các vấn đề cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc.

Hòa hảo với các nước láng giềng

Sự kiện ngoại giao nổi bật tiếp theo phải kể đến là 3 cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ trong vòng 4 tháng. 3 cuộc gặp có ảnh hưởng tích cực tới tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc gặp này cho thấy, Bình Nhưỡng đang dựa vào sức mạnh của đồng minh Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán sôi nổi diễn ra trong suốt năm 2018 với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Sự “tan băng” quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong năm 2018 được bắt đầu khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bắc Kinh, đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Trung Quốc trong 7 năm qua.

Bất chấp những tranh chấp hàng hải đang diễn ra và những bất bình trong lịch sử, hai nước Trung - Nhật đã ký một loạt các thỏa thuận ngoại giao và hợp tác kinh doanh. Trong đó, nổi bật là việc thiết lập một đường dây nóng để ngăn chặn tai nạn ở biển Hoa Đông, nơi hai nước có tranh chấp.

Sự kiện ngoại giao nổi bật nữa phải kể đến là việc ông Tập Cận Bình được chào đón trong chuyến thăm Manila để gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi giữa tháng 11 vừa qua.

Mô tả mối quan hệ hai nước như “cầu vồng sau cơn mưa”, hai nhà lãnh đạo đã ký 29 thỏa thuận, bao gồm một bản ghi nhớ về thăm dò dầu khí chung ở biển Đông, nơi cả hai bên có tranh chấp.

Dưới thời chính quyền của ông Duterte, Philippines từng giành chiến thắng tại một tòa án quốc tế với phán quyết chống lại yêu sách của Bắc Kinh trên biển Đông. Vì thế, sự kiện ngoại giao này ít nhiều để lại dấu ấn của ông Tập trong việc xoa dịu mối quan hệ vốn “căng như dây đàn” ở giai đoạn trước đó với Manila.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.