Hạ tầng

Một năm không thu phí, trạm BOT Cai Lậy thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng

25/02/2019, 20:30

Chiều 25/2, Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư tổ chức họp công bố thời gian thu phí trở lại đối với trạm BOT Cai Lậy.

img
​​​​Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự họp báo công bố thời gian thu phí trở lại đối với trạm BOT Cai Lậy... Ảnh: Lê Lối

Mở đầu phần hỏi đáp, PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Quốc hội có nghị quyết về việc đặt trạm BOT, trong đó không cho phép đặt trạm trên tuyến độc đạo. Vậy xin Bộ GTVT cho biết căn cứ pháp lý để giữ nguyên vị trí trạm? Làm như hiện nay có trái với nghị quyết Quốc hội? Để đảm bảo an ninh trật tự, Bộ sẽ có phương án thế nào?

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Nghị quyết 437 Quốc hội ban hành vào năm 2017 và Bộ đã thực hiện từ năm 2017 đến nay.

Về dự án Cai Lậy, Bộ nhiều lần đã làm việc với các cơ quan chức năng, với tỉnh Tiền Giang và đưa ra 5 phương án, trong đó phương án 1 là lựa chọn hiện nay.

"Bộ đã thống nhất với địa phương, việc đặt trạm đảm bảo công khai, minh bạch. Tôi khẳng định việc đặt trạm là đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch", đại diện Bộ GTVT nói.

PV báo Dân Việt nêu vấn đề: "Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy và giảm phí. Vậy Bộ GTVT và địa phương có phương án gì đảm bảo thu phí an toàn? Trước đây, tài xế phản đối gây rối trạm, nếu gây rối tiếp thì xử lý thế nào? Việc tài xế sử dụng tiền lẻ thì chính quyền và ngành chức năng có hướng xử lý thế nào?.

Giải đáp băn khoăn của phóng viên, ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc hành chính Công ty TNHH đầu tư QL1 nói: Sau hơn 1 năm dừng thu phí, nhà đầu tư lỗ hơn 130 tỉ đồng, như vậy làm ăn đầu tư đi vào ngõ cụt.

"Hiện nay cho phép thu lại và giảm vé 63%, từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng, trong khi chi phí vận hành vẫn vậy. Đó là gánh nặng nhà đầu tư chịu đựng hơn 1 năm nay. Bỏ vốn ra đầu tư mong thu lại hiệu quả. Tình hình xảy ra như vậy, việc giảm giá là biện pháp cuối cùng. Câu chuyện còn lại là của Nhà nước. Nên nếu tài xế dùng tiền lẻ thì biện pháp của nhà đầu tư là xả trạm, đếm tiền và năn nỉ tài xế".

img
Nhiều phóng viên đặt câu hỏi quan tâm đến vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy. Ảnh: Lê Lối

Về câu hỏi của PV Thời báo Kinh tế Sài Gòn: "Việc kiểm tra doanh thu các trạm thu phí thực hiện thế nào?", Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, khi trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, sẽ có áp dụng thu phí không dừng. Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch trong việc thu phí, ngân hàng cho vay cũng giám sát doanh thu của trạm thu phí và buộc nộp ngay vào ngân hàng không nộp về doanh nghiệp. Song song đó, cơ quan thuế và Tổng cục đường bộ cũng giám sát doanh thu tại trạm BOT Cai Lậy mỗi ngày.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, hiện nay nhà đầu tư thiệt hại 130 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Bộ GTVT chủ trương xử lý sớm việc này để ổn thỏa nhất cho dự án.

"BOT Cai Lậy dừng hơn 1 năm thì hơn 1 năm qua Thường trực Chính phủ họp hai lần. Sau 1 năm nghiên cứu, rà soát ý kiến các bộ ngành, việc thu phí trở lại được thực hiện theo hướng giữ nguyên vị trí trạm, yêu cầu rà soát lại vấn đề và cho sửa chữa lại toàn bộ dự án", Thứ trưởng cho biết thêm.

img
Dự kiến trong tháng 3 sẽ thu phí BOT Cai Lậy trở lại. Ảnh Lê Lối

Trước câu hỏi của phóng viên báo Tuổi Trẻ về thời gian thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Chúng tôi đang nghe ý kiến góp ý tại cuộc họp báo để tổng hợp trình Bộ xác định thời gian cụ thể, nhưng sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến việc trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại, ông Huỳnh Văn Nguyện, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Tiền Giang cho biết, việc giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy lần này, các Hội viên có xe qua trạm "đương nhiên sẽ phấn khởi". Trước đây, các doanh nghiệp vận tải đề nghị BOT phải minh bạch, thu đúng, đủ và phải công khai rõ ràng.

Ông Lương Văn , Giám đốc của Công ty TNHH Long Hiệp Cư, chuyên kinh doanh vận tải hành khách cho biết, hơn một năm qua, trạm BOT Cai Lậy ngừng thu phí đã thiệt thòi rất lớn cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp tôi sẵn sàng ủng hộ phương án 1, mức giá vé giảm từ 35.000 xuống 15.000 đồng.

Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty vận tải ô tô Tiền Giang cho rằng, mức giảm 15.000 đồng là hợp lý. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn, giảm với bán kính từ 5 đến 10km. Điều này quá tốt cho người dân khu vực trạm Cai Lậy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.