Quản lý

Một tỉnh của Trung Quốc đề xuất ký hợp tác với Việt Nam lĩnh vực đường bộ

14/03/2019, 13:01

Sở GTVT Tứ Xuyên (Trung Quốc) mong muốn hợp tác với Việt Nam lĩnh vực giao thông đường bộ.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công hoan nghênh đề xuất của Sở GTVT Tứ Xuyên thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT

Sáng nay (14/3), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công tiếp và làm việc với đoàn công tác Sở GTVT tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) do Giám đốc Uông Dương dẫn đầu về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực GTVT.

Ông Uông Dương cho biết, Tứ Xuyên là tỉnh trung tâm, phát triển nhất phía Tây Trung Quốc, với GDP năm 2018 đạt 4.000 tỉ Nhân dân tệ. Hiện tỉnh này có 4.100 km đường sắt cao tốc, 7.500km đường bộ cao tốc. Tứ Xuyên cũng vừa hoàn thành sân bay mới với công suất 50 triệu hành khách/năm; năm 2020 dự kiến sẽ hoàn thành sân bay nữa với công suất 100 triệu hành khách/năm. Trong kế hoạch phát triển của Tứ Xuyên sẽ đẩy mạnh kết nối, hợp tác giao thông vận tải về phía Nam, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi rất mong hai bên có thể hợp tác ở nhiều lĩnh vực GTVT như: đào tạo, hạ tầng giao thông…”, ông Dương nói và cho biết, do chủ yếu là địa hình núi phức tạp nên thế mạnh của Tứ Xuyên là thăm dò địa chất, tư vấn khảo sát thiết kế, kĩ thuật xây dựng công trình giao thông, đào tạo nghề giao thông… Đây là những lĩnh vực hai bên có thể trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Giám đốc Sở GTVT Tứ Xuyên Uông Dương cũng đề xuất ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT Tứ Xuyên về việc thúc đẩy hợp tác lĩnh vực đường bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giới thiệu tổng quan về mạng lưới GTVT Việt Nam hiện nay và kế hoạch phát triển trong tương lai. Thứ trưởng hoan nghênh đề xuất của Tứ Xuyên về thúc đẩy giao lưu hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.

“Tứ Xuyên không giáp Việt Nam, vì vậy sẽ có một số hạn chế nhất định do yếu tố địa lý, nhưng hai bên vẫn có thể hợp tác để khai thác thế mạnh mỗi bên, cùng phát triển. Trước mắt hai bên sẽ nghiên cứu xem xét việc ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam”, Thứ trưởng Công nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.