Doanh nghiệp

Mục sở thị công trình nghìn tỷ của TKV “đắp chiếu”

22/03/2017, 07:59

Sau 2 năm khởi công (năm 2009), mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh lớn nhất Đông Nam Á “đắp chiếu” từ năm 2011...

8

Trước khi triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, khu vực phía trước là những cánh đồng ngô, lạc, dưa xanh mướt

Sau 2 năm khởi công (năm 2009), mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh trị giá 35 tỷ USD - lớn nhất Đông Nam Á đã “đắp chiếu” từ năm 2011 đến nay. Cùng với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư “phơi nắng, phơi sương”, cả một vùng đất hàng nghìn ha có nguy cơ thành vùng “đất chết”.

Thê thảm đại công trường 14.000 tỷ

Chiều 20/3 và sáng 21/3, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực Tổ hợp Dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh (gọi tắt là Dự án mỏ sắt Thạch Khê). Con đường đất dẫn đến cổng công trường vắng hoe, không một bóng người. Trạm gác cổng, thanh barie đã hoen gỉ treo lơ lửng. Khu vực chỉ huy công trường và nhà ở của công nhân cũng vắng lạnh. Hầu hết, các dãy nhà đều khóa cửa, thi thoảng chúng tôi mới gặp một vài công nhân làm nhiệm vụ bảo vệ. Một số máy múc, xe tải hoen gỉ nằm “ngủ” giữa rừng phi lao, bạch đàn.

Đi vào khu chính mỏ, khung cảnh trông càng thê thảm hơn. Hàng ngàn ha đất cát nằm im lìm trải dài ngút mắt. Đi giữa công trường mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á mà chúng tôi cứ tưởng như mình đang lạc vào hoang mạc. Càng không hình dung nổi đây là công trường của một dự án có tổng mức đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Từ quy hoạch ban đầu năm 2008, đến năm 2014, dự án mỏ sắt Thạch Khê được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 9.932 tỷ đồng, tổng diện tích sử dụng đất 3.898 ha lên 14.512 tỷ đồng và 4.821 ha. Sau 2 năm khởi công, dự án đã bỏ dở giữa chừng từ năm 2011 đến nay. Cuối năm 2016, TKV có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án song Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương chưa cho phép khởi động lại do hàng loạt tồn tại chưa được khắc phục.

Ông Đậu Xuân Kiên ở xóm 3, xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà đang đi hái những cành cây tràm về làm củi, lắc đầu ngao ngán: Trước đây, vùng đất này đều được phủ kín bởi bạch đàn và phi lao. Từ khi mỏ sắt lấy đất chặt hết cây, thành ra trơ trọi chỉ cát thế này.

Theo đó, dự án mỏ sắt Thạch Khê có tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, được góp từ nhiều tập đoàn kinh tế lớn, trong đó TKV là cổ đông chi phối Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) - đơn vị quản lý dự án giai đoạn đầu. Quy hoạch trên tổng diện tích gần 3.900 ha, mỏ Thạch Khê được đánh giá có trữ lượng nhất khu vực Đông Nam Á với tổng trị giá gần 35 tỷ USD. Cùng với khai thác mỏ sắt, mục tiêu của dự án là đầu tư, vận hành nhà máy luyện phôi thép, với công suất ban đầu 2 triệu tấn/năm và tiếp tục mở rộng khi có điều kiện thuận lợi.

Được biết, đến nay, TKV đã “đổ” vào dự án này 1.076 tỷ đồng. Công ty cổ phần sắt Thạch Khê đã chi gần 704 tỷ đồng cho chi trả, bồi thường cho các hộ dân trong diện di dời.

Tuy nhiên, sau khi khởi công vào tháng 9/2009, các cổ đông đã không góp đủ vốn theo tiến độ, khiến cho dự án gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ, có nhiều văn bản chỉ đạo, đốc thúc các đơn vị liên quan thực thi trách nhiệm, song sau gần chục năm triển khai, dự án vẫn gần như “đắp chiếu”. Mặt khác, nhà máy sản xuất phôi thép đã được Bộ Công thương thông qua, song qua thẩm định cho thấy, dự án có suất đầu tư lớn và áp dụng công nghệ chưa phù hợp với nguồn quặng sắt mỏ Thạch Khê. Vì vậy, TIC phải điều chỉnh thiết kế ở một số công đoạn nhằm sử dụng được toàn bộ nguồn quặng từ mỏ sắt Thạch Khê, đồng thời tính toán xác định lại suất đầu tư hợp lý hơn khiến dự án chưa thể đi vào khai thác.

Đất nông nghiệp thành “đất chết”

Chỉ tay về phía mảnh đất trống mênh mông trước mặt, ông Nguyễn Công Hoàn (60 tuổi), ở xóm 1, xã Thạch Hải cho biết: Trước đây, toàn bộ chỗ nay là cánh đồng được phủ xanh bởi ngô, lạc, dưa. Từ khi triển khai dự án, vùng này trở thành “vùng đất chết”. Đồng ruộng khô cạn, cây màu không thể sống do mạch nước ngầm bị hút đến cạn kiệt, dần dần cát phủ thành ra hoang hóa thế này. “Nhà tôi có 6 sào, chuyên trồng lạc và dưa, trừ chi phí mỗi năm cũng dư 20 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi triển khai dự án, họ múc mỏ khiến mạch nước ngầm bị hút cạn kiệt, cây không thể sống được. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ nhưng vẫn chưa được”, ông Hoàn bức xúc.

Thực trạng này không chỉ xảy ra ở xã Thạch Hải mà còn diễn ra ở các xóm lân cận mỏ thuộc các xã Thạch Đỉnh, Thạch Khê. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Thạch Đỉnh: Có khoảng 6-7 ha đất hoa màu đang rơi vào tình cảnh không thể sản xuất vì bị hoang mạc hóa. “Có khoảng 6-7 ha hoa màu của hai xóm 2 và 3 phải bỏ hoang, không sản xuất được”, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh cho hay.

Cũng theo ông Hồng, toàn xã có 67 hộ thuộc diện tái định cư, tuy nhiên khu vực nhà ở mới nguồn nước bị nhiễm phèn khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Có một số hộ phải tha phương cầu thực...

Thông cáo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh mới đây về dự án mỏ sắt Thạch Khê cũng đã chỉ rõ những yếu kém của nhà đầu tư như: Vấn đề huy động nguồn vốn, vị trí khai thác mỏ sát biển; Các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường (như chống sa mạc hóa, phòng chống bão, siêu bão, lũ, đổ thải lấn biển, bãi thải trên bờ, xử lý nước thải, chất thải, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác) còn quá sơ sài, đơn giản… Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã kiến nghị Trung ương chưa cho phép khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.